27/12/2022 - 18:06

Nhận diện đúng, trúng các thách thức đối với nền kinh tế để chủ động kịch bản, giải pháp ứng phó 

(CT) - Chiều 27-12, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tọa đàm Dự báo kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP BJ&T.

Tọa đàm nhằm thu thập cơ sở dữ liệu, thông tin để các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp nhận diện được bức tranh kinh tế, các thị trường trong, ngoài nước trong năm tới. Từ đó, chủ động đề ra các kịch bản ứng phó, khơi thông nguồn lực nhằm tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu - đầu tư - chi tiêu, giữ vững các trụ cột tăng trưởng GDP.

Khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam ghi nhận có 9% doanh nghiệp cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Từ thực tế cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: Để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp; nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những khó khăn, thuận lợi và cơ hội của Việt Nam trong 2022 là kiểm soát và ổn định được hệ thống tài chính; kiểm soát tỷ giá và lạm phát, kinh tế tài chính vĩ mô ổn định giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam tiếp tục thu hút FDI và lợi thế xuất khẩu do xu thế chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khu vực; các lợi thế nội tại về cải tiến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và ổn định kinh tế... Đây là môi trường thuận lợi, là động lực quan trọng để kinh tế nội địa phát triển.

Tin, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết