30/01/2024 - 09:46

Nhận biết và điều trị tình trạng nhiễm độc kim loại nặng 

Tuy một số kim loại nặng rất cần thiết cho sức khỏe con người (như kẽm và sắt), nhưng nếu phơi nhiễm với số lượng lớn hoặc ở một số dạng nhất định, chúng có thể gây hại cơ thể. Còn các kim loại nặng khác (như thủy ngân hoặc chì) rất độc hại đối vớ sức khỏe. Do đó, chúng ta cần hiểu và phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng để bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Xét nghiệm máu là phương pháp phổ biến giúp phát hiện ngộ độc kim loại nặng.

Kim loại nặng là gì?

Kim loại nặng là kim loại có mật độ, trọng lượng nguyên tử hoặc số nguyên tử cao, chẳng hạn như đồng, sắt, kẽm, thủy ngân, niken, thạch tín… Không chỉ xuất hiện tự nhiên trong môi trường, chúng còn có thể hiện diện trong một số loại thực phẩm, thuốc và sản phẩm bổ sung nhất định. Ngay cả các hóa chất được sử dụng trong công nghiệp và nông nghiệp cũng có thể chứa những kim loại nặng có thể tồn tại trong không khí, đất và nước. Do vậy, mọi người đều có khả năng phơi nhiễm kim loại nặng ở bất cứ môi trường nào.

Việc nhiễm độc kim loại nặng thường gây ra các triệu chứng tương tự một số bệnh khác, nên việc chẩn đoán chính xác tình trạng này có thể gặp nhiều thách thức. Theo đó, người bị nhiễm độc kim loại nặng có thể có một số triệu chứng về đường tiêu hóa (như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng), cảm giác ngứa ran ở tay chân, khó thở, ớn lạnh và yếu cơ. Chứng mất trí nhớ, thay đổi hành vi và rối loạn nhịp tim cũng có thể là dấu hiệu của ngộ độc kim loại nặng.

Thông thường, việc chẩn đoán ngộ độc kim loại nặng sẽ được thực hiện bằng cách xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu hoặc tóc nhằm đo mức độ kim loại nặng trong cơ thể. Những xét nghiệm này có thể được tiến hành riêng lẻ hoặc đồng thời. Và nếu xác định bị nhiễm độc kim loại nặng, các bác sĩ sẽ lập tức tiến hành điều trị để giúp người bệnh loại bỏ kim loại nặng khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt.

Những phương pháp giải độc kim loại nặng phổ biến:

+ Liệu pháp chelat hóa. Ðây là liệu pháp liên quan đến việc sử dụng thuốc hoặc một hợp chất khác (được gọi là chất chelat) để liên kết các kim loại hoặc khoáng chất độc hại, sau đó bài tiết chúng ra khỏi cơ thể. Ðôi khi thuốc thải độc (sắt) được truyền qua đường tĩnh mạch. Vì phương pháp này có thể nguy hiểm và đôi khi đe dọa đến tính mạng, nên cần được thực hiện với sự giám sát từ chuyên gia.

+ Thay đổi chế độ ăn uống. Ðể giải độc kim loại nặng, chuyên gia sức khỏe khuyến nghị mọi người thay đổi chế độ dinh dưỡng và phương pháp nấu ăn. Ví dụ, nên ăn nhiều thực vật như trái cây và rau củ hơn. Nhóm thực phẩm này không chỉ cung cấp nhiều dưỡng chất mà còn chứa hợp chất phytochemical có tác dụng giải độc.

Một số thực vật được khuyên dùng để giải độc kim loại nặng gồm: hành, tỏi, gừng, trà xanh, lá cà ri, đậu nành, nho, cà chua, các loại quả mọng, rau lá xanh đậm, trong khi các loại rau quả giàu chất chống ôxy hóa (như vitamin C, Vitamin E, glutathione, carotenoids và flavonoid) giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của kim loại độc hại.

Ngoài ra, mọi người cũng tránh nấu ăn bằng chảo nhôm, hạn chế ăn quá nhiều cá biển sâu và động vật có vỏ (như nghêu, sò, ốc), đồng thời kiểm tra chất lượng nguồn nước uống hằng ngày.

+ Thay đổi lối sống hằng ngày. Một số bằng chứng cho thấy vận động ra mồ hôi cũng có thể giúp cơ thể tự đào thải kim loại nặng độc hại. Các nhà nghiên cứu phát hiện hoạt động làm đổ mồ hôi hiệu quả hơn đi tiểu trong việc loại bỏ crom, đồng, cadmium, chì và kẽm ra khỏi cơ thể. Tập thể dục còn có thể làm giảm khả năng phơi nhiễm kim loại nặng đối với cơ thể.

+ Dùng sản phẩm bổ sung. Một số sản phẩm bổ sung có thể góp phần giúp cơ thể đào thải kim loại nặng, nhưng nhất thiết phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chứ không được tự ý sử dụng. Các chuyên gia cảnh báo sản phẩm bổ sung có thể tương tác với một số loại thuốc hoặc không phù hợp với thể trạng.

AN NHIÊN (Theo Health.com)

 

Chia sẻ bài viết