08/12/2011 - 21:05

Nhà vườn liên kết sản xuất kết nối thị trường

Mô hình liên kết trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP đang được nhân rộng ở Chợ Lách.

Nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) có đất liền ranh, cùng chủng loại cây trồng đã tự nguyện gắn kết lại hình thành tổ liên kết sản xuất để kết nối thị trường tiêu thụ. Việc làm này đã và đang dần phát huy hiệu quả...

Nhà vườn Nguyễn Văn Tân, ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, cho biết: Tháng 10 - 2010, Tổ liên kết sản xuất sầu riêng của xã Sơn Định được thành lập, với 53 tổ viên, tổng diện tích 20ha, trên cơ sở tự nguyện của các chủ vườn sầu riêng ở các ấp.

Ngày 15 âm lịch hàng tháng, Tổ họp đi sâu vào một chủ đề cụ thể để tất cả các tổ viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Trường hợp vườn cây của tổ viên bị sâu bệnh “tấn công”, cả tổ cùng đến “hiện trường” để chẩn đoán bệnh và cùng “kê toa” thuốc phòng trừ. Ông Nguyễn Văn Tân tâm đắc: Tổ có những “cao thủ” có nhiều kinh nghiệm trong trồng sầu riêng. Điển hình như: nhà vườn Lê Văn Hiền, nhà vườn Huỳnh Văn Hoảnh nhiều kinh nghiệm trong “bắt buộc” cây trồng cho trái theo ý muốn, thông qua kỹ thuật đậy bạt và xiết nước. Ông Hoảnh sở hữu 1ha đất trồng sầu riêng, sản lượng 2,1 tấn/công. Ông Hiền sở hữu 2,5 công đất trồng 21 cây sầu riêng trên 10 năm tuổi, thu hoạch được 5,7 tấn trái, bán 126 triệu đồng... Mỗi buổi họp đều có chủ đề riêng. Các tổ viên trao đổi những kinh nghiệm, bí quyết rút ra từ thực tiễn để chăm sóc cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Hiện phần lớn các thành viên trong Tổ liên kết sản xuất sầu riêng của xã Sơn Định đều am hiểu kỹ thuật và đã xử lý thành công cho trái nghịch vụ, khắc phục tình trạng “sản phẩm dội chợ, rớt giá” khi thu hoạch đông ken. Hầu hết vườn cây ăn trái của nhà vườn ở Chợ Lách đều được đầu tư đê bao vùng và đê bao cục bộ. Đây là lợi thế trong xử lý cây cho trái nghịch vụ. Cái lợi nữa là hàng tháng, tổ nắm số lượng phân thuốc mà các thành viên trong tổ cần, liên hệ doanh nghiệp đến giao, do mua số lượng lớn nên giá bán giảm so với mua lẻ, số tiền chênh lệch được giữ lại để tạo quỹ cho tổ.

Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định vừa được thành lập hơn 3 tháng, với 27 thành viên, tổng diện tích 14 ha. Bước tiến của tổ là được Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ để phát triển mối liên kết. Qua 3 lần họp tổ, Tiến sĩ Võ Mai đã triển khai 3 chuyên đề để nhà vườn thực hiện. Nhà vườn Hồ Lai phấn khởi: “Nào giờ, phân thuốc mua về bón và phun xịt theo cảm tính. Nhưng nay thì khác, liều lượng phải đảm bảo. Ngay cả chai, vỏ thuốc sử dụng xong được thu gom lại đào hố chôn hoặc đốt hủy. Nhà vệ sinh được xây dựng cách điểm cuối của vườn 500 mét. Trước thời gian thu hoạch 20 ngày, nhà vườn phải ngưng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Mỗi ngày, nhà vườn có những tác động gì đến cây trồng đều được ghi vào sổ nhật ký”. Ông Trần Văn Lợt, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ấp Tân Thới, cho biết: Tiến sĩ Võ Mai đang hướng dẫn các thành viên trong tổ từng bước tiếp cận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Các thành viên trong tổ cũng đã thống nhất: Trước hết, nhà vườn phải ý thức việc nâng cao chất lượng sản phẩm và sản phẩm phải hướng đến thị trường tiêu thụ, trong đó có cả thị trường khó tính. Các nhà vườn trồng chôm chôm trong tổ đã thực hiện cùng quy trình làm vườn, không còn tùy tiện theo cảm tính. Hiện các thành viên trong Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ấp Tân Thới vừa học làm vườn theo tiêu chuẩn GAP vừa gắn kết với các cơ sở thu mua trái cây trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm...

Theo ông Nguyễn Văn Khâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách, hiện nông dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hình thành 83 tổ liên kết sản xuất, với các chủng loại như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mận An Phước, hoa kiểng.... Trong số này có 70% tổ liên kết sinh hoạt đi vào nề nếp. Nhiều tổ liên kết đã được đầu tư phát triển. Điển hình như: Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở Phú Phụng đã được đầu tư và công nhận đạt tiêu chuẩn GAP. Huyện Chợ Lách đang phối hợp cùng các viện, trường, ngành hữu quan đầu tư kinh phí, vận động xã hội hóa để nâng Tổ liên kết sản xuất sầu riêng ở Sơn Định, Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh ở Hòa Nghĩa, Tổ liên kết sản xuất măng cụt ở Long Thới, Tổ liên kết sản xuất hoa kiểng ở Hưng Khánh Trung B và Tổ liên kết sản xuất chôm chôm ở ấp Tân Thới, xã Sơn Định đạt theo tiêu chuẩn GAP... Theo ông Nguyễn Văn Khâm, mỗi hộ nông dân sở hữu diện tích đất không lớn nên việc liên kết sẽ giúp những người trồng cây cùng chủng loại, sản xuất cùng ngành hàng gần gũi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Nhà khoa học thuận lợi trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, thống nhất quy trình sản xuất, tạo sản phẩm số lượng lớn, chất lượng, mẫu mã đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gắn kết thị trường tiêu thụ...

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

Chia sẻ bài viết