09/03/2019 - 16:24

Nhà văn 82 tuổi viết truyện thiếu nhi 

Cách đây hơn 2 năm, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ (82 tuổi, hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ) có kể cho tôi nghe về dự định viết truyện cho thiếu nhi với tựa đề “Con cò mồ côi”. Vậy rồi đầu năm Kỷ Hợi, cô gọi điện báo tin rằng, “Con cò mồ côi” đã được “khai sinh”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ ký tặng sách “Con cò mồ côi”. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ ký tặng sách “Con cò mồ côi”. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Cô vui vẻ đón chào khách tới căn nhà trong con hẻm quanh co của đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều. Ký tặng sách, cô hào hứng: “Cô nói viết truyện cho thiếu nhi là viết thôi. Bây giờ cô muốn viết nữa. Ý tưởng còn nhiều trong đầu”. Vậy rồi cô kể về tuổi 82 mà vẫn chạy xe đi đó đi đây, vẫn ngồi máy vi tính hàng giờ để sáng tác, vẫn có thể viết truyện tình yêu lứa đôi, viết truyện thơ ngây của tuổi nhi đồng. Cô vẫn nói câu mà cô từng nhiều lần bày tỏ: “Cô lúc nào cũng trẻ trung. Con người ta không già, chỉ là thời gian chất chồng mà thôi”. Đọc văn cô, tôi thấy đúng thật.

“Con cò mồ côi” khiến tôi say sưa từ đầu đến cuối. Câu chuyện đồng thoại hồn nhiên như một cuộc phiêu lưu vào thế giới loài vật đầy kỳ thú, có tình người và có yêu thương trao gởi. Nhà văn 82 tuổi mở đầu câu chuyện bằng một đêm mưa giông trút xuống Vườn Cò - mái nhà chung của nhiều loài vật. Gia đình Cò Ngà gặp nạn. Trước lúc lìa đời, Cò Ngà kịp gởi lại cho bác Ếch Đồng quả trứng cò trắng phau, gởi cả tình mẫu tử trong đó. Bối rối, xót xa rồi thương cảm, bác Ếch Đồng ngậm trứng về. Hành trình chú cò mồ côi bắt đầu từ đó…

Cò Con từ hồi còn trong trứng, không họ hàng, không mẹ cha, nhưng lại có cả cư dân Vườn Cò xem như cật ruột. Chỉ khi nghe chuyện về gia đình Cò Ngà qua lời bác Ếch Đồng thì: “Ai nấy đều sững sờ, đau xót trước cái chết của chị và cảm thương cho số phận chú cò mồ côi còn chưa ra đời”. Rồi khi Cò Con khảy mỏ, ai nấy cũng vừa mừng, vừa thương, loay hoay, xúm xít. Này nhé: Cò Con chào đời ở nhà bác Gà Ác, lớn lên thì ở nhà thím Dồng Dộc… rồi bị lạc đường, phải tập bay trong khi Cò Con cứ ngỡ mình là loài gà… Rắc rối lắm, nhưng tình thương của láng giềng ở Vườn Cò đã giúp Cò Con trưởng thành.

Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ đã khéo léo và sâu sắc trong cách kể chuyện, hấp dẫn và đầy trải nghiệm. Cách xử trí trong những tình huống có khi trớ trêu, có khi rớt nước mắt của các nhân vật là loài vật cứ “ngọt” như một câu chuyện cổ tích bà ngoại hay kể, à ơi mà thương mến như giọng hát ru của nội… Độc giả nhí lại thích thú, lại cười vì sự đáng yêu, lại rưng rưng vì thương chú cò mồ côi… Chừng ấy xúc cảm mang đến qua hơn trăm trang sách, nhân hậu và bao dung biết dường nào.

Từ một người phụ nữ bán xăng vỉa hè, viết văn trên tờ lịch kê bằng cục gạch ống, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ dần khẳng định tên tuổi của mình với hơn 40 tiểu thuyết, tập truyện. Cô sống được với ngòi bút và cảm xúc văn chương của mình. Đời cô cũng khổ nhiều lắm, nhưng chẳng bao giờ than thở. Cô luôn lạc quan yêu đời, vẫn hay rong ruổi những hành trình giúp người cần giúp. Kể sơ như vậy để độc giả hiểu cớ làm sao mà “Con cò mồ côi” lại đáng yêu và tràn trề nhựa sống đến vậy. Tình thương làm cho cuộc sống tươi tắn hơn nhiều lắm!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết