16/09/2019 - 22:20

Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn 

“Chú quay quay” là biệt danh do Bác Hồ thương đặt cho nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (1911-2009), người quê gốc An Giang được cử ra chiến khu Việt Bắc ghi hình Đại hội Đảng lần II vào tháng 2-1951 và Đại hội Mặt trận Liên Việt. Ông vinh dự được Trung ương Đảng phân công thực hiện những thước phim nhựa đầu tiên về Hồ Chủ tịch trong sinh hoạt đời thường lúc Người ở Việt Bắc.

 Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn tác nghiệp (bìa phải). Ảnh: baoangiang.com.vn

Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn tên thật Nguyễn Văn Nghiệp, sinh năm 1911 tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Do rất thích vẽ và chụp hình, nên ông được gia đình khuyến khích qua Phnôm Pênh (Campuchia) học nghề và tham gia cách mạng.

Ngày 10-6-1930, ông được kết nạp Đảng tại Đặc ủy lâm thời của Đảng tại Phnôm Pênh. Hai tháng sau ngày vào Đảng, ông tham gia treo cờ búa liềm và bị bắt đưa về Khám lớn Sài Gòn. Tháng 3-1931 ông được thả và buộc rời khỏi Campuchia.

Trở lại Châu Đốc, Nguyễn Thế Đoàn tiếp tục hoạt động cách mạng ở Rạch Giá. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được giao nhiệm vụ làm công an và là huyện ủy viên lâm thời. Năm 1947, ông Nguyễn Thế Đoàn được điều về Chắc Băng mở lớp dạy chụp ảnh cho bộ đội và các tỉnh Khu 9.

Cuối năm 1950, Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 ở Việt Bắc. Một bộ phận của “Tổ xi nê Khu 9” gồm nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, họa sĩ Lê Minh Hiền được điều ra Việt Bắc để ghi hình Đại hội. Đoàn tháp tùng đồng chí Võ Văn Kiệt và họa sĩ Diệp Minh Châu, xuất phát từ Nam bộ, đi bộ xuyên qua đất Campuchia và Thái Lan sau đó bay đến Trung Quốc rồi về Việt Bắc. Tại Việt Bắc, ông Nguyễn Thế Đoàn cùng ông Lê Minh Hiền ghi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cùng 300 đại biểu từ khắp nơi trong nước về dự họp và thảo luận trong hội trường và các cuộc trao đổi ý kiến ngoài hội trường… tại Đại hội Đảng lần II.

Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tại Đại hội, theo đề nghị của đoàn quay phim, với lý do đặc biệt là đáp ứng lòng mong mỏi thiết tha của đồng bào Nam bộ, các ông Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền và Diệp Minh Châu đã được Trung ương chấp thuận cho về quay phim tại nhà ở và sinh hoạt đời thường của Bác Hồ ở Việt Bắc. Vậy là ai làm việc nấy: ông Nguyễn Thế Đoàn quay phim ghi lại hình ảnh Bác Hồ trong sinh hoạt đời thường; ông Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ; riêng ông Lê Minh Hiền ngoài việc giúp Nguyễn Thế Đoàn còn được chọn để Bác chỉ cách luyện võ.

Các ông đã ghi lại những hình ảnh được xem là nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng để đưa được những thước phim ấy về miền Nam, những người thực hiện đã phải vượt qua nhiều gian khổ. Quá trình đầy cam go ấy được thuật lại trong đoạn hồi ký (và cũng là bài giảng tháng 12-1956 tại Hà Nội) của ông Lê Minh Hiền - người đã cùng ông Nguyễn Thế Đoàn vượt suối băng rừng trong chuyến đi lịch sử ấy.

“Ngày 25-12-1952 chúng tôi lên đường về Nam. Trên đường về chúng tôi gặp nhiều khó khăn nguy hiểm hơn lần đi ra. Vì lần này chúng tôi đi vòng theo con đường chữ S tức là xuyên qua Trung bộ dọc theo chiều dài đất nước. Chúng tôi phải đi bộ trên 2.000 cây số trong một năm trường vì chúng tôi đi quanh co... Trên con đường ấy giặc đã đóng đầy nhiều cứ điểm, chúng tôi phải leo tất cả hàng trăm quả núi, trong đó có những quả núi nổi tiếng của dãy Trường Sơn như Ba Rền, U Bò, Dốc Hiên, Dốc Bụt, Dốc Chanh, Bắc Ái... Trên lưng chúng tôi thường phải mang trung bình 15 cân và nhiều nhất là 24 cân khi qua những núi cao, trừ những người ốm yếu thì mang ít hơn.

Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bảo đảm đem về Nam bộ cho kỳ được số phim nhựa đã quay. Chúng tôi nhất định phải vượt qua tất cả. Mỗi bước chúng tôi tiến tới là mỗi bước gần đồng bào Nam bộ, gần bà con cô bác, cha mẹ vợ con mà chúng tôi nhiều năm xa cách. Mỗi bước tiến là mỗi bước phim sắp về đến nhà. Lòng chúng tôi phấn khởi. Qua gần một năm trường dãi nắng dầm sương, gian nguy lao khổ ấy chúng tôi đã về đến miền Đông Nam Bộ tháng 10-1953. Chúng tôi ở đấy công tác một thời gian và phải tiếp tục đi mấy tháng nữa mới về đến miền Tây Nam bộ là nơi xuất phát. Thời gian đi đường là một năm ba tháng!”.

Đọc lại đoạn hồi ký trên, chúng ta không thể không nghiêng mình trước ý chí cách mạng, trước tấm lòng của các ông đối với nhân dân, với Bác Hồ.

Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn mất ngày 12-8-2009, thọ 98 tuổi, tính đến nay vừa tròn 10 năm. Ông sống gần 100 tuổi đời, 79 năm tuổi Đảng. Người Nam bộ rất tự hào về sự cống hiến nghệ thuật rất giá trị của ông.

NGUYỄN HỮU HIỆP

---------------------

Tài liệu tham khảo chính: “Kỷ yếu Điện ảnh bưng biền”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997

Chia sẻ bài viết