08/12/2017 - 21:20

Nhà anh - Nhà em 

Khi kết hôn, ngoài tình cảm, trách nhiệm chung của hai người trong việc tạo dựng gia đình hạnh phúc, thì vợ và chồng còn trách nhiệm với gia đình riêng. Nhiều người thiếu công bằng trong cách hành xử với gia đình hai bên cũng là nguyên nhân khiến vợ chồng bất hòa, thậm chí dẫn đến rạn nứt…

Bên trọng, bên khinh

Việc thường xuyên gặp gỡ, tổ chức các cuộc họp mặt, sum vầy giữa thành viên hai bên gia đình, cũng là cách để giúp vợ chồng hiểu, cảm thông, gắn bó với gia đình đối phương.

Những ngày gần đây, không khí gia đình chị T. và anh Ng. (TP Cần Thơ) luôn căng thẳng. Bếp núc lạnh tanh, chẳng ai buồn nói chuyện với ai. Anh Ng. giận chị T. lén đưa em trai mượn số tiền khá lớn lo đám cưới nhưng không bàn bạc với anh. Càng đáng trách, số tiền này không phải tiền của vợ chồng mà do chị T. tự ý đi hỏi “nóng” để lo cho em. Trong khi đó, có lần em gái anh Ng. điện thoại hỏi mượn vài triệu đồng lo thuốc men cho con đang bị bệnh, chị T. trả lời dứt khoát không có. Nhà có hai anh em, anh Ng. ái ngại không giúp được em gái. Vậy mà...

Anh N., chồng chị H. (TP Cần Thơ), là con trai lớn trong gia đình. Dưới anh S. còn có 2 người em; em trai kế tốt nghiệp đại học, em gái út đang học cấp 3. Cha mẹ ở quê tuổi cao, sống nhờ huê lợi ít ỏi từ mấy công vườn. Anh N. cho rằng, em trai kế mới ra trường, đi làm chưa bao lâu, tiền lương chỉ đủ xài, không có điều kiện giúp đỡ cha mẹ. Do đó, anh trích lương hằng tháng, gửi về quê cho cha mẹ, phụ lo việc học của em gái út. Thời gian đầu, không vấn đề gì nhưng 2 năm nay, em trai anh N. tăng lương, thêm khoản thu nhập, vẫn không có ý định giúp đỡ gia đình, khiến chị H. bức xúc. Chị H. đang dành dụm, tích lũy tiền bạc, chuẩn bị sinh con. Vợ chồng chị thường lục đục vì chị H. không muốn gởi tiền lo cho nhà chồng nữa.

Vợ chồng chị A - anh K. (tỉnh Tiền Giang) tuy khá giả nhưng chỉ vì chuyện tiền bạc nên thường "cơm không lành, canh không ngọt". Bên  nhà anh có việc cần giúp đỡ, chị A. đều... lắc đầu. Nguyên nhân lúc con gái út vừa chào đời, không may bị bệnh nặng, phải đến TP Hồ Chí Minh điều trị gần nửa năm, rất tốn kém, anh chị mượn tiền hai bên gia đình lo cho con đến khi khỏi hẳn. Khi chị A. và con vừa xuất viện về nhà, gia đình chồng kéo đến đòi tiền. Uất ức, chị kêu bán nhà để trả tiền vay mượn. Thấy chị quá bức xúc, cha mẹ ruột chạy vạy tiền để trả nhà chồng. Kể từ đó, chị A. luôn khúc mắc với bên chồng, không quên chuyện cũ. Hiện vợ chồng chị rất khá giả, huê lợi hằng năm từ chục công sầu riêng ngót nghét tỉ đồng nhưng không khi nào giúp đỡ gia đình, anh em chồng. Ngược lại, chị A. rất quan tâm chăm lo mẹ ruột và các em, không chờ nhờ vả.

Khi đôi ta chung một nhà

Chị Q. (quận Ninh Kiều) tâm sự, trước kia, chị và ông xã cũng nhiều lần tranh cãi, thậm chí mấy lần chị Q. giận chồng vì anh Kh. không đồng ý việc chị Q. gởi tiền về quê cho em trai út đang sống với mẹ. Chị Q. là con gái đầu lòng, cha mất khi em trai út chưa chào đời. Nhà có 4 anh chị em, chỉ có chị tốt nghiệp đại học, đi làm, thu nhập ổn định, có điều kiện hơn anh em khác. Thương mẹ già, em trai không có nghề nghiệp ổn định nên chị quan tâm chăm sóc. Anh Kh. không ích kỷ mà muốn chị tìm ra cách khả thi giúp em vợ gần 30 tuổi tự lập, thay vì cho tiền hằng tháng. Anh Kh. gợi ý em vợ đầu tư cải tạo mấy công vườn tạp thành vườn chuyên canh trồng cam, nuôi cá dưới ao. Thế nhưng, qua mấy đợt giúp đỡ, em vợ đều thất bại do không thích nghề nông nên không tập trung làm ăn. Thấy vậy, anh Kh. tiếp tục tìm chỗ đăng ký, đóng học phí để em vợ học nghề lái xe. Hiện vợ chồng chị yên tâm vì em trai có việc làm ổn định, có thể lo cho cuộc sống. Chị Q. hiểu và thương chồng nhiều hơn vì cùng quan tâm, chia sẻ lo toan việc nhà bên vợ.

Chị B. (quận Ninh Kiều) là con gái một, trong khi gia đình chồng đông anh em. Sau khi kết hôn, anh chị lập nghiệp ở TP Cần Thơ, sống gần gũi, chăm sóc cha mẹ vợ. Anh em chồng đều sinh sống ở quê, làm nông, kinh tế không dư dả nên chị cũng chuẩn bị tâm lý sẽ gánh vác, san sẻ cùng chồng thật nhiều. Do đó, mỗi lần giỗ quải, ngày Tết, vợ chồng chị B. khéo léo gửi tiền về trước. Đến ngày giỗ, chị B. giục chồng về sớm, chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Anh em chồng có việc cần giúp, chị B. cũng sẵn lòng. Cha mẹ, họ hàng bệnh, phải điều trị ở TP Cần Thơ, anh chị đều có mặt để thăm hỏi, phụ chăm sóc. Chính cách hành xử xem “nhà anh như nhà em” nên chị B. rất được lòng bên chồng. Chồng chị B. càng thêm quý trọng vợ.

Việc đối đãi, cư xử thế nào để dung hòa hai bên gia đình, không phân biệt nhà anh - nhà em là điều tế nhị. Đã là vợ chồng nên thẳng thắn, cảm thông và chia sẻ để tìm ra cách cư xử hợp lý, hợp tình. Qua đó, chung sức xây dựng, vun vén tình cảm gia đình thêm vững chắc, bởi nhà anh cũng như nhà em khi cả hai chung một nhà…

Hải Thư 

Chia sẻ bài viết