19/12/2021 - 08:20

Nguy cơ thực phẩm tương tác bất lợi với thuốc 

Trước khi rút máu làm xét nghiệm, các bác sĩ thường yêu cầu bạn nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Nguyên do là vì các dưỡng chất và thành phần có trong thức ăn và đồ uống sau khi được hấp thụ vào máu có thể ảnh hưởng đến những chỉ số cần đo lường. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các loại thuốc mà bạn dùng thường xuyên, do một số thành phần trong thực phẩm có thể vô tình ảnh hưởng đến hoạt tính của dược phẩm, như làm tăng/giảm tác dụng hoặc tạo ra tác dụng mới. Tuy không phải mọi loại thuốc đều bị ảnh hưởng bởi thực phẩm, nhưng nhiều loại thực phẩm thực sự có thể tương tác với thuốc nếu không được tiêu thụ ở số lượng và thời điểm hợp lý, điển hình như sau:

Nước ép bưởi

Hơn 50% tất cả các loại thuốc điều trị được chuyển hóa ở ruột non bằng enzyme CYP3A4. Tuy nhiên, việc uống dù chỉ một ly nước ép bưởi cũng có thể “khóa” enzyme này và làm rối loạn quá trình hấp thụ, phân phối, chuyển hóa và bài tiết một số dược phẩm. Ví dụ, khi dùng thuốc điều trị huyết áp cao Felodipine chung với nước ép bưởi, chức năng phân hủy thuốc của CYP3A4 bị ngăn cản khiến nồng độ thuốc trong máu có thể tăng lên gấp đôi và dẫn tới đau đầu, rối loạn nhịp tim, sưng và giữ nước cơ thể. Tình trạng có quá nhiều thuốc trong cơ thể về lâu dài có thể dẫn tới tổn thương gan và suy thận. Nên nếu đang dùng thuốc nhóm statin để giảm cholesterol (như Simvastatin, Atorvastatin hoặc Lovastatin) hoặc thuốc chẹn kênh canxi để giảm huyết áp cao (như Felodipine hoặc Nifedipine), bạn cần tránh uống nước ép bưởi.

Ngoài ra, nước ép bưởi cũng có thể tương tác với thuốc chống đông máu, thuốc chống thải ghép nội tạng và thuốc chống lo âu. Tính axít của loại nước ép trái cây này cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh như penicillin. Nước ép bưởi có thể có tác dụng ngược lại đối với một số loại thuốc kháng histamine, như Allegra chẳng hạn. Mặc dù mức độ ảnh hưởng của nước ép bưởi còn tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân và loại thuốc, nhưng các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên uống quá 1 lít nước ép bưởi/ngày hoặc liên tục ăn nhiều múi bưởi tươi.

Tương tự, uống nước ép cam cũng làm giảm hấp thu alendronate (hợp chất dùng điều trị loãng xương) qua đường miệng khoảng 60% so với khi uống nước lọc. Một số nghiên cứu khác thì chỉ  ra rằng nước ép nam việt quất chứa flavonoid, nên dễ cản trở sự chuyển hóa của thuốc chống đông máu Warfarin.

Rau lá màu xanh đậm

Các loại rau lá màu xanh đậm (như bông cải xanh, bắp cải tí hon, cải xoăn, cải bó xôi) rất tốt cho sức khỏe vì cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Nhưng các vitamin trong siêu thực phẩm này - đặc biệt là vitamin K - có thể làm giảm hiệu quả của Warfarin. Ngoài rau lá màu xanh đậm, Warfarin còn có thể tương tác với hành tây nấu chín, đậu nành, tỏi và cam thảo đen.

Cà phê

Tiêu thụ khoảng 400mg caffeine (khoảng 2-4 ly cà phê)/ngày được xem là mức an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, caffeine hoặc các hợp chất khác trong cà phê có thể tương tác tiêu cực với thuốc và dẫn đến phản ứng bất lợi. Ví dụ, dùng các loại thuốc kích thích với thức uống chứa caffeine có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ - bao gồm huyết áp cao, nhịp tim nhanh và cảm giác bồn chồn. Uống cà phê cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc điều trị tuyến giáp và loãng xương, cũng như giảm khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể. Caffeine còn có thể ức chế sự hấp thụ sắt, vitamin B, magiê và canxi.

Nhóm thực phẩm chứa tyramine

Tyramine là hợp chất tự nhiên sẵn có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống, bao gồm phô-mai lâu năm, thịt chế biến sẵn, rau củ ngâm chua hoặc lên men, trái cây họ cam quýt và nhiệt đới, bia rượu, sôcôla và bơ. Tuy nhiên, dung nạp hàm lượng cao tyramine có liên quan đến chứng đau nửa đầu và huyết áp cao. Theo giới chuyên gia, việc ăn các thực phẩm chứa tyramine khi dùng các chất ức chế monoamin oxydase (một loại thuốc chống trầm cảm) rất nguy hiểm. 

AN NHIÊN (Theo Yahoo Life, Psychology Today)

Chia sẻ bài viết