18/06/2009 - 20:05

Niên vụ mía 2009- 2010 tại ĐBSCL

Nguy cơ thiếu mía nguyên liệu!

Nhờ đầu tư vốn cho nông dân, mà năm 2008 Nhà máy đường Trà Vinh đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất.
Ảnh: CAO DƯƠNG

Theo thống kê của một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Trà Vinh, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre... vùng qui hoạch trồng mía nguyên liệu đang thu hẹp dần, nhường chỗ cho cây trồng ngắn ngày, các dự án công nghiệp... Do đó, nguy cơ thiếu mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường trước niên vụ mới 2009- 2010 đang đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trồng mía...

DIỆN TÍCH TRỒNG MÍA GIẢM

Đến giữa tháng 5-2009, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống dứt điểm toàn bộ diện tích mía niên vụ 2009-2010 với tổng diện tích khoảng 12.000 ha. Tuy nhiên, diện tích mía của nông dân được các nhà máy đường trong khu vực thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm chỉ chiếm khoảng 50%. Ở thời điểm này năm trước, diện tích bao tiêu của nhà máy đường đã đạt trên 80%. Nguyên nhân của việc chậm ký kết hợp đồng chủ yếu là do doanh nghiệp (DN) chưa có sự thống nhất chung về giá sàn bao tiêu với các địa phương.

Tại huyện Cù Lao Dung, nơi có diện tích mía lớn nhất tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống gần 7.500 ha, nhưng mới khoảng 4.800 ha được ký hợp đồng bao tiêu (do hai nhà máy đường Sóc Trăng và công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát ở Hậu Giang thực hiện). Ông Nguyễn Hồng Văn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Tại cuộc họp phân bổ diện tích trồng mía nguyên liệu của UBND huyện tổ chức với sự tham gia của 3 công ty mía đường gồm: Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, việc đưa ra giá sàn bao tiêu chưa được sự đồng thuận!”. Theo ông Văn, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ không đưa ra giá sàn mà cho biết sẽ mua cao hơn giá thị trường 5 đồng/kg. Còn nếu địa phương bắt buộc phải có giá sàn, công ty cũng đưa ra giá là 450 đồng/kg nhưng nông dân phải chở mía lên tận công ty. Đại diện các DN cho rằng, sẽ giữ giá sàn bao tiêu trong vụ mía này bằng với giá sàn vụ mía trước (450 đồng/kg) do hiện nay giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp đã giảm. Song, về phía địa phương thì các DN nên thống nhất giá sàn bao tiêu là 450 đồng/kg mua tại rẫy, để giúp nông dân giảm bớt chi phí vận chuyển.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, vùng quy hoạch trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Trà Vinh tập trung ở huyện Trà Cú và một phần của các huyện Tiểu Cần, Duyên Hải. Đây là vùng đất trồng mía thích hợp và cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Những năm gần đây, giáp với vùng quy hoạch trồng mía, xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ngắn ngày như: đậu phộng, bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế không thua gì so với cây mía. Từ đó, nông dân trồng mía làm bài toán so sánh và quyết định chuyển đổi trồng các loại cây ngắn ngày để nhanh có thu nhập hơn. Ngoài ra, một phần do diện tích trồng mía được quy hoạch làm các dự án khác. Do vậy, nguy cơ vùng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường không đảm bảo. Niên vụ mía năm nay, diện tích xuống giống toàn tỉnh Trà Vinh chỉ còn 4.154 ha, giảm 250 ha so với năm trước.

Ông Lê Văn Hiệu, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, cho rằng, ngoài bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm sản xuất, cần chú trọng đến cải thiện khâu thu hoạch mới đảm bảo tính phát triển bền vững. Bởi hiện nay thu hoạch còn để lại gốc quá cao, cứ mỗi cây mía bỏ lại 1 lóng (khoảng 200g) và mỗi ha bỏ phí đến 18 tấn mía. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng trồng mía còn thiếu thống nhất và chưa phù hợp với năng lực chế biến của các nhà máy đường. Nếu thu hoạch tồn đọng quá lâu sẽ làm giảm sản lượng, trữ đường và gây thiệt hại cho người sản xuất.

Việc chưa thực sự có tiếng nói chung giữa “4 nhà” trong thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, diện tích trồng mía giảm, cùng với rủi ro về thị trường đã đặt nông dân vào tình thế phải lựa chọn. Đây chính là nguy cơ bất ổn trước niên vụ mía mới!

CHƯA TÌM ĐƯỢC TIẾNG NÓI CHUNG

Hiện nay, 50% diện tích mía của tỉnh Sóc Trăng chưa được bao tiêu, đẩy hàng trăm nông dân đối mặt với nhiều rủi ro và dễ bị thương lái ép giá khi bước vào thu hoạch rộ. Còn nhớ, đầu vụ mía năm trước, các nhà máy đường thu mua mía nguyên liệu với giá 450 -500 đồng/kg, đến cuối vụ tăng lên 650 - 700 đồng/kg. Với giá này, người trồng mía có lời trên 20 triệu đồng/ha. Song, số tiền lời này chủ yếu “rơi” vào túi các thương lái, do lúc giá lên cao, người dân đã bán hết mía cho thương lái theo giá đã đặt cọc rất thấp trước đó. Ông Lê Văn Khá, ở xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Năm nào cũng vậy, người trồng mía bao giờ cũng bị thua thiệt. Cứ đến kỳ thu hoạch rộ là không tìm đâu được nhân công, còn nhà máy không đủ nhân lực mua mía cho nông dân mà phải thông qua thương lái. Vì vậy, thương lái thừa dịp ép nông dân bán mía với giá thấp hơn giá thu mua của các nhà máy đường 20-30%. Nếu không chịu bán mía cho thương lái, lúc rộ vụ không có nhân công đốn, mía bị bỏ khô!”. Người trồng mía mong sớm có sự thống nhất hợp lý về giá sàn, phương thức thu mua và đẩy nhanh việc ký kết bao tiêu sản phẩm để nhà nông yên tâm sản xuất. Vì đối với người trồng mía, vốn hỗ trợ sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đầu tư và bao tiêu của các công ty mía đường trong khu vực.

Tại tỉnh Trà Vinh, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, từ hai năm nay, Công ty Mía đường Trà Vinh đã mạnh dạn thực hiện chính sách đầu tư vốn cho nông dân trồng mía. Ông Lê Văn Hiệu, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, cho biết: “Để nhà nông gắn bó với cây mía, niên vụ mía năm 2008-2009 công ty đã đầu tư gần 10 tỉ đồng cho nông dân. Năm 2009, công ty tiếp tục đầu tư khoảng 20 tỉ đồng (gồm phân bón, giống, tiền mặt) bằng hình thức đầu tư trực tiếp cho nông dân và các đầu mối là hợp tác xã”. Được biết, hiện nay Công ty Mía đường Trà Vinh đã ký hợp đồng đầu tư 2.420 ha trên tổng diện tích 4.154 ha mía của tỉnh.

Cách làm này của Công ty Mía đường Trà Vinh được nông dân, chính quyền nơi có diện tích trồng mía đồng tình ủng hộ. Nông dân Thạch Phươne, ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, cho biết: “Được nhà máy quan tâm đầu tư, chúng tôi yên tâm theo đuổi cây trồng truyền thống này. Lợi nhuận từ trồng mía cũng ngày một tăng lên. Vụ mía năm 2008-2009, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, hoàn vốn cho nhà máy đường, tôi còn lời 20 triệu đồng trên 5 công đất. Vụ mía năm 2009-2010 này, chắc chắn đạt thu nhập nhiều hơn vì giá phân bón giảm khoảng 40% so với năm rồi”. Nhờ vậy mà xã Lưu Nghiệp Anh có tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh, chỉ còn khoảng 22%. Nông dân nơi đây không chỉ thu nhập khá từ trồng mía mà còn có nhiều công ăn việc làm từ cây mía đem lại...

Mặc dù có vùng nguyên liệu khá ổn định, nhưng nhiều nhà máy đường tỏ ra lo lắng trước việc tranh mua mía nguyên liệu của các nhà máy và tư thương ép giá nông dân. “Chúng tôi lo ngại việc đến mùa thu hoạch là một số nhà máy đường trong khu vực đến “tranh” mua mía ngay vùng nguyên liệu của nhà máy, dẫn đến nguồn nguyên liệu không cung cấp đủ cho nhà máy hoạt động. Còn nông dân thu hoạch mía non để bán vì giá chênh lệch”- ông Lê Văn Hiệu, Phó Giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh, phản ảnh. Do vậy, cần tìm tiếng nói chung giữa các nhà máy đường trong vùng để thống nhất giá sàn bao tiêu, giá mua nhằm giúp ngành mía đường ĐBSCL cùng phát triển bền vững. Song song đó, cần có chế tài trong thực hiện bao tiêu sản phẩm.

Để làm được điều này cần có “trọng tài” để đảm bảo sự liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất mía đường. Mặt khác, trên qui hoạch chung, mỗi nhà máy đường cần xây dựng vùng nguyên liệu cho mình nhằm phát huy hiệu quả một cách đồng bộ, căn cơ.

CAO DƯƠNG-THANH TÂM

Nhờ đầu tư vốn cho nông dân, mà năm 2008 Nhà máy đường Trà Vinh đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất. Ản

Chia sẻ bài viết