09/03/2010 - 08:47

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nguy cơ cháy rừng trên diện rộng

Lực lượng kiểm lâm Cà Mau tuần tra bảo vệ Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Ảnh: BÌNH NGUYÊN.

Những ngày đầu tháng 3-2010, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, mực nước trên sông Tiền, sông Hậu xuống dưới mức thấp hơn so với cùng kỳ 10-20 cm. Một số tỉnh trong vùng như An Giang, Kiên Giang, Long An đã xảy ra cháy rừng. Tuy đám cháy được dập tắt và kiểm soát kịp thời, nhưng nguy cơ cháy trên diện rộng vẫn đe dọa nhiều cánh rừng do ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng chưa cao.

* Thiếu nước trầm trọng

Chi cục kiểm lâm các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn từ đầu tháng 3 đến 15-3-2010 và bố trí lực lượng trực, nhằm bảo vệ rừng và hạn chế thiệt hại. Ngày 5-3-2010, Cục Kiểm lâm Việt Nam đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 4 và 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm tại một số địa phương trong vùng như: tỉnh An Giang (khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên), Cà Mau trên phạm vi toàn tỉnh, Kiên Giang (khu vực Phú Quốc). Nguy cơ cháy cấp 4- cấp nguy hiểm trên toàn tỉnh Đồng Tháp và Long An. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, từ ngày 28-2 đến 3-3-2010, trên địa bàn đã xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 1.500 m2 rừng. Do thời tiết nắng nóng, nên toàn bộ diện tích rừng trong tỉnh Cà Mau đang bị khô hạn, nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5 khoảng 36.166 ha. Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp 4 tại 14 điểm trong tỉnh...

Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, hiện toàn bộ diện tích 40.749 ha đất lâm phần ở Cà Mau đang bị khô hạn nghiêm trọng. Tại Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ có tổng diện tích 8.527 ha (diện tích có rừng 7.639ha) đang là điểm nóng được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Đội trưởng đội kiểm lâm cơ động Cà Mau, tăng cường cho VQG U Minh Hạ tại chốt canh lửa tại khu 94, cho biết: “3 vạt rừng tiếp giáp có nguy cơ cháy cấp 5 gồm: rừng đặc dụng Vồ Dơi, Lâm ngư trường Trần Văn Thời và Lâm ngư trường U Minh 3. Tình hình hiện nay rất căng thẳng bởi mùa khô hạn ngày càng trở nên khắc nghiệt”. Còn ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc VQG U Minh Hạ, nói: “Hiện nay, chúng tôi lo lắng nhất là nguy cơ thiếu nước chữa cháy khi xảy ra sự cố. Mực nước trên hệ thống kênh trong VQG đã sụt giảm hơn cùng thời điểm năm trước 0,7m. Toàn bộ hệ thống kênh trong VQG có chiều dài 143km, với tổng trữ lượng khoảng 3,7 triệu m3 nước vào tháng 12-2009, nhưng đến nay đã giảm mất 700.000 m3 nước. Trung bình mỗi tháng mực nước sụt giảm 3 tấc, đến nay độ sâu mực nước trong kênh chỉ còn khoảng 1,5-2m”. Theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ kéo dài khoảng 3 tháng nữa, ông Thế cho rằng, khi đó mực nước trong hệ thống kênh VQG U Minh Hạ chỉ còn 0,5-1m, trong đó nhiều đoạn kênh cạn không đi lại được. Vì vậy, nếu xảy ra cháy rừng sẽ khó tránh khỏi nguy cơ thiếu nước chữa cháy trên diện rộng. Cách đây 6 tháng, ban giám đốc VQG U Minh Hạ đã cho đắp tất cả 22 con đập để tránh thất thoát và giữ độ ẩm cho rừng. Tuy nhiên, mực nước trên hệ thống kênh và chân rừng vẫn đang sụt giảm rất nhanh.

Tại tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích rừng đặc dụng khoảng 87.000 ha, hiện rừng ở Kiên Giang nằm ở mức báo động cháy cấp 4-5. Từ Tết Nguyên đán đến nay, 5 vụ cháy rừng tạp và trảng cỏ khu vực rừng phòng hộ Phú Quốc làm tăng khả năng cháy rừng cao. Trước tình hình đó, địa phương đã chủ động mọi biện pháp tại chỗ để PCCR, nhất là 2 vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc. Ông Lê Hoàng Hưởng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, cho biết: “Diện tích 21.107 ha rừng, trong đó vùng lõi 8.038ha của vườn quốc gia đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Lực lượng tại chỗ gồm kiểm lâm, chủ rừng và người dân ven rừng trên 1.000 người luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố cháy”. Theo ông Hưởng, các chủ rừng cũng đã phân công nhau trực không để xảy ra cháy rừng và chuẩn bị đầy đủ phương tiện chữa cháy. Khách tham quan luôn có sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm và tuyệt đối không sử dụng lửa trong rừng, kể cả hút thuốc lá. Ngoài ra, Ban quản lý Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã đóng các cống ngay từ đầu mùa khô, gia cố 38 km đê bao vùng lõi. Riêng vùng có than bùn khoảng 2.700 ha luôn được giữ ngập nước chống cháy. Sắp tới sẽ đưa vào hoạt động hệ thống bơm điện công suất 8.000 m3/giờ, chủ động nguồn nước mặt, không để rừng khô hạn ngay trong mùa khô.

Còn ở tỉnh An Giang, trong hơn 18.000 ha rừng, có đến 65% đang ở mức cháy cấp 5. Mùa khô đến sớm, các hồ chứa nước và giếng đào vùng Bảy Núi gần như cạn kiệt, một tàn lửa nhỏ cũng trở thành đại họa đối với vùng rừng núi này. Các khu vực An Nông, Phú Cường, núi Cấm... thuộc huyện Tịnh Biên và núi Dài, núi Tô (huyện Tri Tôn) được đưa vào vùng nguy cơ cháy cao nhất tỉnh. Theo ngành kiểm lâm, cứ đến mùa khô, công tác phòng chống cháy vùng Bảy Núi gặp nhiều khó khăn, thảm thực vật bị khô và lá rụng đầy trên nền đất rất dễ bắt lửa và lan rộng nhanh. Thời điểm này vào mùa lễ hội, khách thập phương đi núi Sam, núi Cấm và núi Tô rất đông để cúng bái, làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang Trần Phú Hòa cho biết: “Rừng An Giang là rừng đặc dụng, phòng hộ an ninh quốc phòng rất quan trọng, nên Chi cục Kiểm lâm đã nghiên cứu đưa vào ứng dụng bản đồ dữ liệu số và bản đồ giấy để cập nhật thường xuyên thông tin tuần tra, công tác PCCR và điều khiển chữa cháy từ xa đảm bảo phòng chữa cháy nhanh, chính xác. Lực lượng kiểm lâm và người dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng ngay từ tháng 11-2009”. Hiện địa phương đã huy động khoảng 400 người ở 25 xã có rừng thu nhặt rác, tuần tra kiểm soát không bỏ trống địa bàn trong suốt mùa khô 2009-2010. Riêng tại khu du lịch núi Sam, địa phương đã bố trí các thùng chứa rác và tuyên truyền cho người dân, khách thập phương bỏ rác đúng nơi quy định, không đốt nhang, vàng mã bừa bãi... An Giang hiện có gần 1.000 bồn chứa nước dự trữ trên các núi và 34 trạm bơm, gần 2.000 dụng cụ chữa cháy. Đó là chưa kể nước được chứa trong can gởi tại nhà dân để chủ động chữa cháy rừng. Tuy nhiên, theo các hạt kiểm lâm trong tỉnh, nước chỉ đủ để chữa các đám cháy nhỏ, phát hiện kịp thời chứ không thể chữa được đám cháy lớn. Vụ cháy cây bụi và dây leo ở trong lò ảng sâu 5-10 mét ở núi Tô vào tháng 2-2010 vừa qua là không thể chữa nổi nếu ngọn lửa không tự tắt và chỉ thiệt hại khoảng 3.000m2.

* Quyết tâm giữ rừng

Sau Tết Canh Dần, huyện U Minh (Cà Mau) đã tổ chức họp dân trong vùng đệm, ven rừng để tuyên truyền công tác PCCR. Đến nay, con số tình nguyện ứng phó khi có sự cố lên đến 2.400 người. Không riêng gì chủ rừng, những người dân nhận khoán đất rừng cũng đã dựng chòi canh lửa ngay từ trước Tết Canh Dần. Ông Trần Thanh Tâm, có 2,6 ha rừng tại Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Năm nay nắng gay gắt hơn mọi năm, tổ của tôi chẳng ai dám bỏ chòi canh lửa cả. Nếu cháy rừng coi như công lao 10 năm nay kể như tiêu hết nên ai cũng quyết giữ rừng”. Ngoài ra, VGQ U Minh Hạ còn thành lập 4 tổ tuyên truyền, hàng ngày trực tiếp xuống các khu dân cư phổ biến, vận động người dân PCCR. Từ đầu năm 2010, cảnh sát PCCC công an huyện Trần Văn Thời đã cử lực lượng túc trực suốt ở VQG U Minh hạ, phối hợp thực hiện các phương án PCCR. Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc VQG U Minh Hạ (Cà Mau), khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm không để xảy ra vụ cháy dù là nhỏ nhất. Hiện tại, 27 chốt, trạm quản lý bảo vệ rừng với lực lượng 134 người, 13 tổ máy bơm đã lắp đặt cùng tất cả các thiết bị, phương tiện khác đang trong tư thế sẵn sàng. Chúng tôi còn có trong tay lực lượng gần 1.000 người dân sống ở vùng đệm và dân phòng 4 xã tiếp giáp với VQG, có thể huy động bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra”.

Hiện các địa phương có rừng ở ĐBSCL đã lên phương án PCCR với phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài việc túc trực tại trạm gác, lực lượng kiểm lâm thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở toàn bộ các trạm, chốt gác chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vận chuyển, máy bơm... nhằm đảm bảo sẵn sàng trong mọi tình huống.

Tại tỉnh Bến Tre, cái nắng khắc nghiệt cũng không kém. Những người giữ “lá phổi xanh” đang vào cuộc khẩn trương. Ban quản lý rừng thường xuyên kiểm tra và cùng lực lượng bảo vệ phát quang các tuyến đường, thu dọn các biểu bì, gia cố đập trữ nước. Nạo vét ụ đặt máy bơm nước theo sơ đồ của cơ quan PCCC và kiểm tra bảo trì máy bơm nước chuyên dùng sẵn sàng ứng phó. Theo ông Phạm Quốc Thắng, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ- Bảo vệ môi trường xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, công tác PCCR mùa khô đang được quan tâm đặt lên hàng đầu. Các ban ngành đoàn thể cũng đã vào cuộc tuyên truyền sâu rộng trong hộ dân về ý thức phòng cháy chữa cháy, nhất là bà con sinh sống ven rừng. Lãnh đạo các huyện có diện tích đất rừng đầu tư kinh phí để phân lô, nạo vét các tuyến kênh mương đã xuống cấp, triển khai dự án đào rãnh chứa nước để thuận tiện trong quản lý và phòng cháy chữa cháy.

Ông Phạm Quang Bình, Giám đốc VQG Phú Quốc, Kiên Giang, cho biết: “Diện tích hơn 31.400 ha, VQG Phú Quốc so với các VQG khác là khá rộng. Năm nay, PCCR rất căng vì hầu hết các suối đều cạn kiệt, nước ngầm cũng giảm sút, thảm thực vật tích tụ nhiều năm rất dễ cháy. Các xã phía Bắc đảo có những cụm dân cư, đường giao thông xuyên qua rừng, nhiều đối tượng di cư tự do sống bằng phá rừng, đốt rừng làm rẫy, đốt than,... làm gia tăng nguy cơ cháy rừng”. Theo ông Bình, từ tháng 12-2009, ban giám đốc đã xây dựng và triển khai phương án PCCR. Qua công tác thực địa, bổ sung vào bản đồ các điểm dễ cháy để tập trung lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt. Trong VQG có khoảng 500 ha cỏ, tràm tiếp giáp và đan xen nhau rất dễ xảy ra cháy. Vì vậy, ban quản lý đã dùng máy cày tạo 50 km đường băng cản lửa, rộng 8 mét. Ngoài ra, Ban quản lý vườn quốc gia phối hợp với UBND, đoàn thể và lực lượng vũ trang,... tổ chức tập huấn các nội dung bảo vệ rừng cho gần 1.000 hộ sống quanh rừng, làm cam kết không đốt rừng, không đốt rẫy bừa bãi, sử dụng lửa theo quy ước bảo vệ rừng. Xung quanh VQG hiện có 56 tổ PCCR với trên 600 người ở các xã. Đây chính là lực lượng tuần tra phát hiện lửa rừng, đôn đốc người dân phòng chống cháy, dập tắt ngay khi có cháy xảy ra và báo cáo kịp thời.

Thực hiện Chỉ thị số 270/CT-TTg ngày 12-2- 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, hiện nay, hầu hết các địa phương có rừng trong vùng ĐBSCL đều lên phương án PCCR và các giải pháp ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy. Tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh giao Thường trực Ban Chỉ huy PCCR tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cùng các ngành chức năng liên quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp bảo vệ rừng và PCCR; đồng thời báo cáo kết quả về UBND tỉnh để nắm thông tin, chỉ đạo kịp thời.

Nhóm PV-CTV

Chia sẻ bài viết