|
Thu mua gạo xuất khẩu ở Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ. |
Từ ngày 31-3-2008 đến nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL liên tục nhích lên do lượng lúa gạo hàng hóa trên thị trường giảm. Dù Chính phủ đã có chỉ đạo tạm ngừng ký mới các hợp đồng xuất khẩu gạo đến tháng 6-2008 nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn phải tranh thủ thu mua hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký và dự trữ.
NGUỒN CUNG GIẢM, GIÁ TĂNG, NHÀ NÔNG CHƯA VỘI BÁN
So với tuần trước, giá lúa gạo tại các tỉnh, thành ĐBSCL đã tăng 300-400 đồng/kg. Giá lúa dài thường tại ĐBSCL hiện ở mức 4.500-4.600 đồng/kg (lúa khô), lúa còn ướt 4.000-4.200 đồng/kg. Các loại lúa thơm đã phơi sấy khô có giá 5.000-5.200 đồng/kg. Gạo lức nguyên liệu xuất khẩu được nhiều nhà máy chế biến gạo xuất khẩu mua vào với giá 6.100-6.200 đồng/kg, tùy loại. Gạo trắng làm nguyên liệu xuất khẩu giá cũng tăng từ mức 6.300-6.400 đồng/kg lên 6.600-6.700 đồng/kg. Do giá lúa gạo tăng, hiện các loại cám cũng đã tăng 200-300 đồng/kg so với tuần trước. Giá cám mịn đang ở mức 3.700-3.800 đồng/kg.
Nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường đang giảm, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy mạnh thu mua nên đẩy giá lúa gạo tăng. Gần đây, giá lúa gạo trên thị trường thế giới cũng đã tăng rất mạnh. Theo giới kinh doanh, dự kiến đến cuối tháng 4-2008 là kết thúc vụ thu hoạch lúa đông xuân 2007-2008.
Bà Huỳnh Thị Thu Hồng ở Long Bình B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chuyên đi mua lúa xay gạo bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết: “Hiện nay, ở An Giang và Kiên Giang, nhiều cánh đồng đã thu hoạch xong nên lượng lúa trên đồng còn ít và khó tìm mua so với trước. Ghe của tôi có tải trọng 45 tấn lúa. Trước đây, đi thu mua khoảng 3-4 ngày là đầy ghe nhưng nay thời gian thu mua kéo dài từ 5 ngày trở lên. Giá lúa đang tăng nên nhiều nông dân chưa vội bán mà giữ lúa lại chờ giá nhích lên thêm”. Ông Đỗ Thiện Quang, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành, Hậu Giang, chuyên thu mua lúa gạo, cũng cho biết: “Giá tăng do lúa ngoài đồng đã gần hết, còn lúa đã vô kho bãi thì người dân chưa bán. Nguồn cung lúa hàng hóa giảm, nhiều nhà nông tin rằng giá lúa sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Văn Viễn ở ấp Thới Hòa B, phường Thới Long, Ô Môn, đang thu hoạch 10 công lúa, cho biết: “Mấy bữa trước giá lúa giảm xuống chỉ còn 4.200 đồng/kg nhưng nay đã tăng lên 4.570 đồng/kg. Vì vậy, nên tôi chưa vội bán để chờ giá lên thêm và chờ thu hoạch hết 10 công lúa rồi bán một lượt. Hiện nay, hầu hết bà con ở đây đều đã thu hoạch lúa và gieo sạ lại”.
GIÁ SẼ CÒN TĂNG?
So với 2 tuần trước, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng thêm bình quân khoảng 200 USD/tấn. Nguồn cung gạo cho xuất khẩu ở hầu hết các nước châu Á xuất khẩu gạo đang khan hiếm. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam hiện đã ở mức 700 USD/tấn; gạo 25% tấm giá 670 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo thơm Thái Lan đã lên mức 900 USD/tấn. Theo dự đoán của các chuyên gia, giá gạo trắng dài thường trên thế giới sẽ tăng lên mức 1.000 USD/tấn trong năm nay.
Nhằm kềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 2-4-2008, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên chưa ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới cho đến tháng 6-2008. Động thái trên làm cho không ít người lo ngại giá lúa gạo trong nước sẽ giảm trở lại. Nhưng thực tế cho thấy chủ trương này là đúng. Hồi đầu năm 2008, doanh nghiệp đoán xu hướng giá gạo thế giới tăng cao trong năm nay nên ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cao hơn năm trước rất nhiều. Nhưng với tình hình biến động tăng giá lúa gạo thế giới và trong nước như hiện nay, doanh nghiệp sẽ bị lỗ nếu phải giao hàng cho các hợp đồng đã ký cách nay vài tháng.
Hiện tại, Chính phủ cũng đã chỉ đạo cho các ngân hàng rót vốn xuống cho các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu để doanh nghiệp có thể thu mua hết lượng lúa hàng hóa trong dân, giúp người dân không bị thiệt vì giá lúa giảm. Sau khi các doanh nghiệp được rót vốn và đẩy mạnh thu mua gạo, giá lúa gạo tại ĐBSCL đã tăng liên tục trong khoảng 1 tuần qua.
Anh Lê Phước Chót, Quản đốc Nhà máy chế biến gạo Trung Nhứt (thuộc Xí nghiệp chế biến gạo xuất khẩu Bạc Liêu, Tổng Công ty lương thực miền Nam) ở huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá gạo trong nước đang tăng và dự đoán sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài nguyên nhân do giá gạo thế giới đã tăng rất mạnh, giá gạo trong nước cũng đang được hỗ trợ bởi tác động đồng USD tăng giá trở lại và nguồn cung lúa gạo hàng hóa trên thị trường đang giảm. Hiện nay, dù kho chứa hàng trên 2.000 tấn của nhà máy đã gần đầy nhưng nhà máy vẫn tiếp tục thu mua gạo theo số lượng phân bổ của Tổng công ty”. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Lan, Quản đốc Xí nghiệp chế biến lương thực Mỹ Khánh (Công ty Mekong Cần Thơ), ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Thời gian gần đây, giá lúa gạo trong nước biến động có phụ thuộc nhiều vào việc thu mua gạo nguyên liệu xuất khẩu và nguồn vốn của các nhà máy. Khoảng 1 tuần qua, khi các doanh nghiệp có vốn đã đồng loạt đẩy mạnh thu mua làm giá lúa gạo tăng lên từng ngày”.
Trước tình hình giá lúa gạo tăng nhanh và chủ trương tạm ngừng ký mới các hợp đồng xuất khẩu, hiện nhiều DN chế biến gạo xuất khẩu ở ĐBSCL đang thu mua hàng rồi đưa vào kho dự trữ. Vấn đề đặt ra hiện nay là các kho chứa hàng của các DN đều có hạn và chỉ dự trữ được gạo trong một thời gian nhất định. Hiện tại, kho hàng tại các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã gần đầy nên doanh nghiệp có chọn lọc và hạn chế thu mua gạo hơn trước. Tình hình này có thể ảnh hưởng đến giá lúa gạo trong thời gian tới.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG