Trời mùa hè, năm giờ sáng đã thấy nắng chiếu vào cửa sổ. Ông Hậu rời giường, vươn vai hít thở khí trời, nghe ngóng tiếng chim hót ríu ran trên những tán cây. Một ngày của ông bắt đầu bằng việc quét tước quanh nhà. Nhà ông gần khu công nghiệp, dân khắp nơi về sống trọ nơi đây. Mới đầu họ kém ý thức, hay vứt trộm rác ra đường vào lúc mờ sớm hoặc nhá nhem tối. Ông cầm cái chổi đi từ nhà mình đến ngã ba, dọn tất cả và gọn gàng chất lên xe rác. Thấy vậy, người dân xung quanh dần không còn vứt rác bừa bãi nữa, mà mỗi sáng lại cùng ông quét dọn trước nhà, lối đi chung. Sau giờ quét tước, ông trở về nhà bày bộ đồ vá xe ra trước cửa, không quên treo biển "vá xe miễn phí". Vợ ông than với mấy người bạn đến chơi "Lớn tuổi rồi mà chẳng chịu nghỉ ngơi. Toàn kiếm việc để làm". Nói thì nói vậy nhưng ánh mắt bà Ðào luôn ánh lên niềm tự hào khi nói về chồng. Ông là thương binh, xuất ngũ về nhà vẫn đủ sức khỏe để sống một cuộc đời ý nghĩa, chẳng phải rất đáng vui sao. Cả đời này bà thương ông cũng vì cái đức tính chịu thương chịu khó, hay đỡ đần người khác chẳng nề hà việc gì. Có một người cha, người ông như ông mà con cháu bà lớn lên dù gặp phải khó khăn, nghịch cảnh nào cũng biết vươn lên mà sống.
|
Ông từng là bộ đội đóng quân tận Lai Châu. Nơi ông đóng quân từng xảy ra trận lũ lớn. Suốt mấy ngày đêm ông cùng đồng đội không ngại khó khăn, nguy hiểm cứu trợ, cứu tế cho bà con. Trong lúc bơi theo dòng nước để cứu hai đứa trẻ, ông bị lũ cuốn trôi. May mắn thoát chết nhưng do va đập mạnh, ông bị thương ở chân, tổn hại 40% sức khỏe. Xuất ngũ về nhà ông vẫn giữ chất lính trong người, tìm mọi hướng làm kinh tế nuôi vợ con. Ban đầu ông mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ bán đủ thứ cho công nhân. Cứ đến giờ tan ca công nhân đổ ra ầm ầm, hàng hóa nhập về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nhưng ông không bán đắt cho ai cái gì bao giờ, lãi ít chỉ lấy công làm lời. Cuộc sống gia đình yên ổn nhưng lòng ông vẫn trăn trở khi thấy nhiều thanh niên xung quanh không có việc làm ổn định. Ðời sống gần khu công nghiệp vốn đông đúc, phức tạp rất dễ xảy ra tiêu cực. Ông bàn với mấy người trong hội cựu chiến binh mở một xưởng gỗ nhỏ. Người góp nghề, người chung vốn, người sẵn mặt bằng, người có kinh nghiệm tìm đơn hàng, lo đầu ra cho sản phẩm. Mất hơn một năm tâm huyết xưởng gỗ mới đi vào hoạt động.
Ông Hậu mồ côi mẹ từ sớm. Từ bé đã được cha truyền nghề mộc bằng cách rong ruổi khắp nơi ai thuê đóng gì thì đóng, sửa gì thì sửa. Có nhà thuê sửa bộ bàn ghế gỗ quý từ thời ông bà xa xưa để lại. Có nhà nhờ sửa hộ cái giường, cái tủ. Cũng có khi cha con ông ở lại cả năm trong một ngôi làng nào đó vì có người thuê đục đẽo cả căn nhà thờ bằng gỗ. Ông túc tắc học nghề từ đôi bàn tay khéo léo của cha mình. Ðến năm 17 tuổi thì ông thành thạo nghề, từ đo đạc đến chạm khắc, lại còn được rèn luyện sự cẩn thận, tỉ mỉ, sáng tạo trong nghề mộc. Ðây cũng là điều ông muốn truyền dạy cho những người trẻ tìm đến xưởng. Có khi mười một giờ đêm xưởng gỗ còn sáng đèn vì nhiều người ngày đi phụ hồ, chạy xe ôm, tối đến mới có thời gian xin học việc. Rồi cả những học sinh nghèo tranh thủ lúc đèn sách xong xuôi cũng xin vào xưởng vừa học vừa làm. Cửa hàng tạp hóa giao lại cho vợ, ông dồn hết công sức cho xưởng mộc. Ấy vậy mà ông chẳng tính công cán gì, xuất được đợt hàng nào trừ vốn liếng, để lại một ít đầu tư máy móc, còn lại thì trả công cho thợ học việc. Bà Ðào tuy cực chuyện cửa hàng tạp hóa do phải một mình cáng đáng, nhưng cũng luôn ủng hộ chồng vì bà biết ông hẳn là vui lắm khi được làm nghề do cha ông truyền lại.
Những lúc khỏe mạnh, ông chẳng nề hà việc gì, xông xáo từ chuyện nhà cho đến chuyện người. Nhưng có những ngày vết thương tái phát, chân ông đau nhức, không thể nào đứng dậy nổi. Ngồi một mình trong nhà, thấy thời gian trôi đi lãng phí, lại mất công nghĩ ngợi linh tinh nên ông ra cửa hàng thu tiền giúp bà, chuyện trò với người này người kia cho quên đi cơn đau trong da thịt. Cũng có hôm ông nhất quyết đòi ra xưởng gỗ. Nằm lim dim ngửi mùi gỗ cũng thấy lòng dễ chịu. Những lúc ấy, bà hay cằn nhằn lắm, bảo ông phải biết giữ gìn sức khỏe chí ít cũng vì vợ con mình. "Sức người có hạn mà ông cứ tham công tiếc việc". Ông cười, phẩy tay bảo "Nhằm nhò gì. Bà đừng quên tôi từng là lính. Ngày xưa trèo đèo, lội suối, băng rừng hùng hục cả ngày còn chẳng là gì. Mình mà không làm, cơ thể bấy đi, lúc ấy còn đáng sợ hơn ấy chứ". Ông lạc quan thế thôi chứ nửa đêm thấy ông nằm trằn trọc không ngủ được, bà biết là ông đau lắm. Có hôm bà phải thức suốt đêm đấm bóp cho ông dễ ngủ. Ấy vậy mà vừa chợp mắt thì trận lũ quét năm xưa lại ập về trong cơn ác mộng. Cả người ông lạnh toát, chân tay vùng vẫy khua khoắng như đang bơi giữa dòng nước xoáy. Bà lay ông dậy. Dù đã thoát khỏi giấc mơ nhưng cơn lũ năm xưa vẫn còn ám ảnh ông, nhất là khi mùa hè năm nào cũng có trẻ đuối nước ở đoạn sông gần nhà. Mỗi lần nhìn cảnh tượng đau đớn xót xa, ông không khỏi nhói lòng. Sau nhiều đêm trăn trở, ông bàn với bà:
- Tôi tính sẽ dạy bơi miễn phí cho bọn nhỏ bà à. Nhà thi đấu thị xã mình có bể bơi. Ðể mai tôi lên gặp lãnh đạo ở đó đề nghị với họ xem sao. Ðây cũng là việc chung, tôi nghĩ chắc họ đồng ý thôi.
Ði lại một, hai lần là ông mượn được nơi để dạy bơi cho trẻ nhỏ. Ông không ngờ lượng trẻ đến học bơi lại đông đến vậy. Một mình ông trông coi không xuể, sợ chểnh mảng lại xảy ra sự cố đau lòng nên ông phải nhờ thêm nhiều người khác. Chiều nào cũng vậy, cứ 4 giờ là ông rời xưởng mộc đi lên nhà thi đấu thị xã. Ðến 7 giờ tối ông mới về nhà tắm giặt ăn cơm. Bà hỏi có mệt không, ông cười "Mệt nhưng vui bà à. Tụi nhỏ hồn nhiên lắm, ở cạnh chúng, mình như được trẻ thêm". Thỉnh thoảng lại thấy ông xách về nải chuối, túm trái cây, mấy khúc mía tía ngọt lừ. Dúi vào tay bà, ông bảo "Của cha mẹ tụi nhỏ mang cho. Nhận cho họ vui. Toàn hoa quả vườn nhà". Cần mẫn từ ngày này sang ngày khác, những đứa trẻ không chỉ được ông dạy cho biết bơi mà còn học bao điều. Ông hay kể câu chuyện về những đứa trẻ vùng cao, tuy khó khăn nhưng ham học; kể về những con đường đến trường phải trèo đèo vượt suối, ướt đẫm hơi sương, đó là chưa kể mùa đông giá lạnh... Rồi cả những câu chuyện về đời lính, về trận lũ lụt năm nào. Kể từ khi mở lớp học bơi, nhà ông thỉnh thoảng lại có khách nhí đến chơi. Chúng yêu mến những câu chuyện đời thường, bình dị như cuộc đời ông vậy…
Truyện ngắn: Vũ Thị Huyền Trang