08/02/2011 - 11:03

Người thích lội ngược dòng

 

Cuộc sống nghèo khó của gia đình trong chái bếp của một cái đình ở xứ Hồng Ngự, gắn với những nghề tưởng chừng đã làm cho anh cam chịu trước số phận. Nhưng rồi, quãng thời gian nghèo khó khắc nghiệt ấy đã “lắng” cho anh những hạt ngọc kinh nghiệm, tạo cho anh những giá trị mà nay ngẫm lại, anh còn thấy bất ngờ. Đó là Trần Văn Hùng (Hùng cá), một nông dân từ nghèo vốn, nghèo chữ nhưng giàu ý chí và sáng tạo ở tỉnh Đồng Tháp trở thành Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá.

* “Cày” trên sông nước

Trên 10 tuổi, Hùng đã gắn với sông nước miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Cái nghề đánh bắt cá, giăng lưới, thả câu như một định mệnh đeo bám chàng trai trẻ từ ngày ấy đến tận bây giờ. Năm 1974, anh đã tích góp để sắm được cái bè cá. Thấy con cá tra ăn được rau muống, cơm thừa nên anh bắt đầu thả vào bè nuôi để bán cá chợ.

Chẳng bao lâu, ai cũng biết cách sử dụng cơm thừa, cá cặn cho việc chăn nuôi cá; giá cám, tấm đội lên cao..., cầm cự không được, anh phải lôi bè lên bờ và xẻ ra cất nhà. Nhưng cái nghề đánh bắt cá thì vẫn đeo để duy trì cuộc sống. Nhờ người ta thương nên cho anh mua thiếu chịu được một miệng đáy. Từ miệng đáy này, mỗi mùa nước lên anh đánh bắt được cá bột từ Campuchia trôi về. Số cá này cũng chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp cho nhà vườn, chẳng đắp đủ cho cuộc sống vốn đỗi quá khó khăn vào những năm 1977-1978.

Ao nuôi cá tra của anh Hùng  tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). 

Cuộc sống nghèo khổ cứ mãi đeo đuổi. Đến khi cưới vợ mà nhà chẳng có một chiếc ghe để theo nghề cá nên Hùng quyết định “nhảy” theo ghe làm công tiếp tục, ngày này tháng nọ trôi dạt trên sông, trên đồng và nhiều lúc qua tận Campuchia. Anh được các ông chủ thương tình cho hùn hạp, các mối làm ăn bên Campuchia. Năm 1979, mỗi lô cá trị giá vài chục cây vàng nhưng người ta vẫn cho thiếu, làm được bao nhiêu anh chắt mót trả dần cho chủ. Ngày đêm gắn chặt với từng loại cá nên anh biết rõ đặc tính của chúng, nhất là con cá tra. Trong khoảng thời gian này anh đóng bè, thả nuôi cá tra, ba sa bên phía Hồng Ngự...

Đến năm 1991, bước ngoặt bắt đầu mở ra khi Hùng quay về Hồng Ngự đào ao nuôi cá tra qui mô lớn. Dưới sông thì nuôi cá ba sa, mặc dù trước đó từ năm 1989 anh đã thả cá tra nuôi trong ao để cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, anh là người đầu tiên nuôi cá tra trong ao cho hiệu quả kinh tế cao. Có cá nhiều nhưng đầu ra chưa ổn, may thay anh tìm gặp được anh Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty Cataco, đang rất cần cá tra nguyên liệu thịt trắng để chế biến xuất đi Úc, châu Âu. Thế là, anh nhờ anh Đức làm đầu mối thu mua cá tra do mình sản xuất ra. Có kinh nghiệm trong việc nuôi cá tra, hiểu đặc điểm sinh trưởng của chúng nên anh được anh Đức nhờ làm tư vấn cho những vùng nuôi nguyên liệu. Nhưng nguồn nguyên liệu cá tra vẫn không cung cấp đủ, buộc Sol Hùng (danh xưng khi anh làm ăn ở Campuchia) phải qua trở lại biển Hồ (Campuchia) thu mua cá tra nguyên liệu. Từ đây, bước ngoặc cuộc đời nghèo khó của Hùng bắt đầu mở sang trang mới.

* “Ai chán tui làm, ai đi xuôi còn tôi lội ngược”

Lúc đầu chỉ có hai bè, nhưng tới năm 2000, trong tay anh đã có 9 bè, bao nhiêu cá ốm anh thu mua được đều đem về thả xuống bè vỗ béo. Nhưng rồi chàng thanh niên chưa học hết lớp 5 này suy nghĩ: bè đóng 1 chiếc tốn cả tỉ đồng nhưng nuôi chỉ được 200 tấn cá, trong khi đào ao chỉ 200 triệu đồng lại có thể nuôi đến 500 tấn cá sao mình không làm. Thế là anh bỏ bè và bắt đầu đào ao nuôi kiểu công nghiệp. Ở đâu có đất hoang, đất bãi bồi là anh tìm đến mua, thuê. Không đủ tiền thì anh vay ngân hàng...

Gắn với con cá tra lâu năm nên Hùng biết hết mọi ngóc ngách thị trường. Hiểu đến nỗi anh tự rút ra cho mình bài học mà theo anh đặt tên đó là bà “đi nghịch” (đi ngược). “Thị trường lúc nào cá nhiều, cá ít tôi biết hết. Nhưng phải có sự mạnh dạn, tính toán. Nếu giá cá trên thị trường sụt thì tôi thả cá vào nuôi nhiều, đi hơi nghịch một chút, đến khi cá lớn thì giá đã nhích lên, trong khi những người khác thấy giá cá hạ đã nghỉ nuôi nhiều nên sản lượng đáp ứng không đủ cho các nhà máy, giá cá lại càng cao. Kinh nghiệm này tôi tích lũy từ thời đánh bắt cá trên sông, nuôi cá bán chợ. Phải mạnh dạn và đừng để quá nhiều người bàn ra tính vào”, Hùng cá chia sẻ kinh nghiệm.

Hùng kể: “Khi làm ao ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), Chủ tịch UBND huyện hỏi Hùng: trong khi người ta bán cá không được, nuôi lỗ lã quá trời thì lý do nào mà anh dám nuôi? Hùng trả lời chắc nịch: “Đừng thấy người ta sung sướng thì mình làm theo, với tôi lúc nào người ta nghỉ, chán chê thì mình làm, tôi không chạy theo phong trào””.

Trong phòng làm việc của anh, người có học vấn tương đương lớp 5 trường làng có rất nhiều bằng, giấy khen, cúp và chứng nhận thuộc diện “ao ước” của các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Những người ký các giấy khen ấy thuộc hàng tiến sĩ, giáo sư hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới. “Tôi không thích được tuyên dương, tôi cũng chẳng thích làm báo cáo thành tích”, Hùng nói. Đến giờ này tôi vẫn thích con cá, đam mê nó. Ngành nghề khác dù có lời hơn nhưng tôi vẫn chọn những ngành nào gắn với con cá, vì tôi đã có quãng thời gian dài gắn với nó, hiểu nó hơn bất cứ thứ gì”.

Có kinh nghiệm nuôi cá, là người đi đầu trong việc đưa cá lên ao nên sản phẩm cá tra nguyên liệu của Hùng bao giờ cũng đáp ứng cho các nhà máy về độ trắng, sạch của thịt cá. Hùng tiếp tục mở rộng cơ ngơi, lập trang trại, đến năm 2006 thì xây dựng nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Hiện tại mặt hàng cá tra phi lê của Hùng cá đã có mặt ở 60 nước trên thế giới với 80 khách hàng, cung cấp 13.000 tấn phi lê mỗi năm. Hùng đã và đang mở thêm ít nhất bốn nhà máy nữa ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, trong đó có cả nhà máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng tối đa và khép kín qui trình sản xuất.

Với 60ha diện tích thả nuôi cá và năng suất tăng dần từ vài trăm tấn lên đến 30.000 tấn cá như hiện nay, giờ đây cái tên Trần Văn Hùng hay “Hùng cá” luôn được mọi người nhắc đến!

Bài, ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết