26/09/2010 - 08:50

Người tạo hồn cho gốc cây khô

Ông Ba Bình An bên tác phẩm “Cụ rùa”.

Có một nghệ nhân đã tạo hồn cho những gốc cây khô tưởng chừng như bỏ đi trở thành tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đẹp mắt, có giá trị. Ông tên Nguyễn Văn Ba, mọi người vẫn thường gọi là ông Ba Bình An, ở ấp 4, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre. Ông đang hoàn thiện tác phẩm “Cụ rùa” để gửi dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không khó để tìm được nhà của ông Ba Bình An. Nhà ông nằm bên trái con đường vành đai dọc theo sông Bến Tre hướng về xã Phú Nhuận. Ngay trước sân nhà là mô hình một chiếc tàu đánh cá được ông làm để nhớ về nghề đi biển ngày trước của mình. Xung quanh nhà ngổn ngang những gốc cây khô mà qua trí tưởng tượng, đôi tay của ông nó sẽ là những tác phẩm nghệ thuật.

Trước khi trở thành nghệ nhân nổi tiếng tại tỉnh Bến Tre, ông Ba Bình An là một ngư dân đã 35 năm sống nghề lưới cá. Cái tên Ba Bình An mà mọi người gọi ông ở thời điểm ông còn lênh đênh trên biển cùng chiếc tàu đánh cá có tên Bình An của mình. Sống nghề biển, nhưng ông có tâm hồn nghệ thuật. Những ngày mưu sinh trên biển, lúc rảnh rỗi, ông tìm nhặt những vỏ ốc, vỏ sò để ghép lại thành nhiều hình thù ngộ nghĩnh làm món quà đem về tặng các con. Thú tiêu khiển này đã giúp cho ông phần nào quên đi mệt nhọc, đồng thời ngày càng đam mê nghệ thuật. Như một sức hút kỳ lạ, khi con cái của ông trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, có gia đình riêng, ông quyết định bỏ biển lên bờ và bắt đầu cuộc sống gắn với nghề làm kiểng khô.

Ông Ba Bình An không học nghề làm kiểng từ ai. Ông đi tìm mua gốc cây khô về, ngày ngồi ngắm nghía, đêm nằm nghiền ngẫm để rồi sau đó tạo ra tác phẩm nghệ thuật dựa trên hình thù tương đồng của gốc cây. Tác phẩm đầu tay mà ông Ba Bình An sáng tác là “Rồng đến nhà Tôm”, được ông cất công gọt giũa cả tháng ròng. Với tác phẩm này đã đưa ông từ một nghệ nhân không tên tuổi trở nên nổi tiếng. Nhắc đến tác phẩm “Rồng đến nhà Tôm”, ông Ba Bình An vui ra mặt. Ông kể: “Khi làm xong tác phẩm tôi đem khoe với bạn bè, ai cũng động viên và ngợi khen hết lời. Được bạn bè khuyên, tôi đem tác phẩm đi trưng bày tại Hội hoa xuân năm 2006 và đạt giải nhất rồi được UBND tỉnh Bến Tre tặng bằng khen, thật sung sướng vô cùng”.

Hơn 4 năm qua, miệt mài với niềm đam mê kiểng khô, ông Ba đã cho ra đời trên 100 tác phẩm kiểng được làm từ thân và rễ của những cây nhãn, mận, me tây, cây quao... Cứ nghe ở đâu có gốc cây lớn là ông lại tìm đến mua về để làm kiểng. Trước khi làm một tác phẩm ông phải bỏ công suy nghĩ chủ đề để tận dụng hết giá trị của gốc cây khi tiến hành thực hiện. Ông Ba Bình An sáng tác kiểng khô với phương châm không can thiệp quá nhiều vào nguyên bản của gốc cây, mà từ những hình thù có sẵn, ông biến tấu thêm để khắc họa rõ chủ đề tác phẩm để vừa có tính tự nhiên và có tính nghệ thuật hấp dẫn người xem. Những tác phẩm lớn của ông Ba Bình An có thể kể đến như Quê hương thời thơ ấu, Nhất điểu - nhì ngư - tam xà - tứ tượng, Tao ngộ, 12 con giáp, Tứ linh... Năm 2009, ông đã được Hội sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh, ông còn là hội viên duy nhất làm kiểng khô của tỉnh Bến Tre đến thời điểm này.

Năm 2010 này là năm ông Ba Bình An sáng tác nhiều tác phẩm mà mình rất tâm đắc. Tháng 5 vừa qua, ông thực hiện tác phẩm lớn nhất của mình từ trước đến nay, tác phẩm mang chủ đề “Tương phùng”. Đây là tác phẩm ông nhận gia công cho một gia đình tại thành phố Bến Tre. Nguyên liệu sử dụng là một gốc me tây nặng hơn 3,5 tấn. Sau 1,5 tháng thực hiện, từ một gốc me tây gồ ghề, vô tri, qua đôi mắt nghệ thuật và bàn tay khéo léo của mình, ông đã tạo nên một chiếc bàn bên dưới có đôi hổ nằm phủ phục sống động như thật. Còn hiện tại, ông đang thực hiện gần hoàn chỉnh tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ gốc cây huyền chăm bị bọng thân có tuổi thọ hơn 50 năm. Tác phẩm này bước đầu ông tạm gọi tên “Cụ rùa”. Một số người bạn của ông ở Hội kiến trúc sư Bến Tre tham mưu, góp ý để ông thực hiện một số công đoạn cuối sao cho tác phẩm thật ưng ý để đem tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Hội vào đầu tháng 10 tới đây. Gốc cây lúc đầu có trọng lượng khoảng 500 kg, ông mua về với ý định để làm các tác phẩm kiểng khô. Trong lúc ngồi ngắm gốc cây để tính toán sẽ làm những tác phẩm gì, ông thấy phần gốc có nhiều nét giống hình con rùa đang bơi. Ông Ba Bình An sực nhớ đến cả nước đang háo hức chào đón Đại lễ và ông liên tưởng đến cụ rùa ngậm thanh gươm trao cho vua Lê Lợi đánh đuổi giặc ngoại xâm. Vậy là ông cắt phần gốc để sáng tác tác phẩm. Tác phẩm có chiều dài 1,4 mét, cao 0,55 mét, ngang 0,6 mét, hứa hẹn sẽ tạo bất ngờ và thích thú cho người xem.

Vài năm trở lại đây, với ông Ba Bình An, nghề làm kiểng khô không còn đơn giản là thú tiêu khiển nữa mà còn giúp ông có khoản thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm, vừa khích lệ ông sáng tác, vừa để đời sống tuổi già thêm phần sung túc hơn. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh ông bán ra thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất lên đến trên 100 triệu đồng. Ông Ba Bình An tâm sự: “Với tôi giờ sáng tác kiểng khô đã ăn sâu vào máu thịt. Khi ở nhà không còn gốc cây để làm là tôi lặn lội đi tìm gốc cây về sáng tác. Không cưa cắt đục đẽo là thấy bứt rứt khó chịu nên vài ngày là phải lùng sục kiếm gốc cây khô...”.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết