24/12/2020 - 09:12

Người sưu tầm trên 6.000 tư liệu về Tướng Giáp 

Trong gian nhà thờ của gia đình, ông Dụy cất giữ hàng ngàn tư liệu quý về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục... của đất nước. Trong đó có hơn 6.000 bài viết, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người mà ông hết lòng mến mộ.

Hai lần được gặp Đại tướng

Ông Dụy đang sở hữu hàng ngàn tư liệu, bài báo quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Dụy đang sở hữu hàng ngàn tư liệu, bài báo quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong căn nhà nhỏ ở phường Vĩnh Thanh (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), ông Trần Văn Dụy không nén được cảm xúc khi kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt, đặc biệt là thời khắc ông quyết định rời ghế nhà trường để được đứng chung hàng ngũ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Năm 1962, khi học tại Trường THCS Đô Lương (Nghệ An), tôi đã biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những thông tin, bài viết trên báo, đài… Từ những điều biết về Đại tướng, về vận mệnh của đất nước, tôi quyết định gác lại việc học, tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia Đại đội Ra-đa Phòng không 18 Ba Bể, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Lúc đó, tôi nghĩ đây là cách để tôi được gần gũi, đứng chung hàng ngũ với thần tượng của mình” - ông Dụy chia sẻ.

Sau khi vào quân ngũ, ông Dụy được thuyên chuyển qua nhiều đơn vị, nhưng công việc chính vẫn là người lính ra-đa. Đến năm 1968, ông được cấp trên điều động về Đại đội C18, làm Đại đội phó. Năm 1971, ông tiếp tục được cấp trên tín nhiệm và phân công nhiệm vụ Đại đội trưởng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tiêu diệt B52 của Mỹ. Sau khi đất nước thống nhất, ông Dụy được điều động về Kiên Giang làm Phó phòng quốc doanh cá.

Trong những năm tháng chiến đấu, ông Dụy có nhiều kỷ niệm, nhưng sự kiện 2 lần được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông mãi mãi không quên. Ông Dụy kể: “Lần đầu tiên tôi gặp bác Giáp là vào ngày 1-10-1964, khi đó Đại đội Ra-đa phòng không 18 Ba Bể của chúng tôi được điều lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và nói chuyện với anh em chúng tôi. Anh em chúng tôi không ngờ bác Giáp là một vị tướng vĩ đại, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu… mà lại vô cùng giản dị, gần gũi như người anh cả trong nhà”.

Sau lần gặp bác Giáp, người lính trẻ Trần Văn Dụy như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Nhờ đó qua 2 năm công tác, ông Dụy được kết nạp vào Đảng và thăng quân hàm trung úy, giữ nhiệm vụ Đại đội trưởng. “Chiều 19-7-1965, do máy bay địch tấn công bất ngờ vào thời điểm Đại đội Ra-đa tạm ngừng hoạt động để bảo quản nên nhiều chiến sĩ bị thương và hy sinh. Riêng tôi bị thương ở gót chân. Dù rất bận việc nhưng ngày 24-7, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tranh thủ đến đơn vị, ân cần thăm hỏi, động viên anh em. Ngoài ra, Đại tướng còn chỉ đạo mau chóng khôi phục trận địa, nén đau thương, đoàn kết thành sức mạnh tiếp tục sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó, anh em chiến sĩ càng thêm vững tin, tăng thêm tinh thần chiến đấu đến ngày toàn thắng” - ông Dụy nhớ lại.

Kho tư liệu đồ sộ

Qua 2 lần được gặp mặt người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Dụy càng mong muốn được hiểu nhiều hơn về cuộc sống, sự nghiệp của Đại tướng. Từ đó, ông Dụy góp nhặt, sưu tầm mọi tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Dụy dành vị trí trang trọng để lưu trữ kho tư liệu quý, nhất là những tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt từ ngày về hưu, ông có thêm thời gian sắp xếp, hệ thống lại hàng ngàn tư liệu mà ông sưu tầm theo 7 mảng lớn: văn hóa Việt Nam; đấu tranh giành độc lập, chống ngoại xâm (1930-1975); danh nhân - thời đại Hồ Chí Minh; Việt Nam phát triển từ 1955; các vụ án gây thiệt hại cho đất nước… với 167 chủ đề.

Cẩn thận lật từng trang tư liệu viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dụy chia sẻ: “Sở dĩ tôi có được nguồn tư liệu dồi dào như hôm nay là xuất phát từ truyền thống gia đình có thói quen lưu trữ tư liệu. Ngoài ra, tôi có tình cảm đặc biệt với Bác Hồ và vị chỉ huy của mình nên mỗi khi đọc sách, báo… những tư liệu nào hay về hai vị ấy là tôi giữ lại, đóng thành những cuốn sách lớn rồi cho vào túi ni lông bảo quản. Trong tủ sách gia đình của tôi, tư liệu về Đại tướng chiếm đa số, trên 6.000 tư liệu”.

Trên căn gác nhỏ, tại gian nhà thờ, ông Dụy đặt những cái kệ và xếp đầy những cuốn album tư liệu đặc biệt về Bác Hồ, Tướng Giáp và hàng trăm tập sách, hàng ngàn trang viết tay về chính trị, văn hóa, khoa học…  Riêng với những tư liệu liên quan đến Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dụy dùng bìa cứng đóng thành cuốn sách lớn và bảo quản rất cẩn thận. Trong nguồn tư liệu về Việt Nam phát triển (giai đoạn từ 1955), ông Dụy còn lưu giữ nhiều bài viết hay về sự đổi mới phát triển kinh tế, giáo dục, y tế… nước nhà trên các báo.

Nói về vấn đề giáo dục, ông Dụy chia sẻ: “Khi còn sống, trong 6 vấn đề cấp bách mà bác Giáp nêu ra, vấn đề thứ 6, bác Giáp nhấn mạnh về giáo dục và y tế vì đây là hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người”. Ông Dụy mở cho chúng tôi xem cuốn tư liệu “tình yêu” - chuyên lưu giữ những bài viết trên các báo về chuyện tình của các lãnh tụ, anh hùng, cán bộ chủ chốt của đất nước qua các thời kỳ. Trong đó có các bài viết về tình yêu gia đình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tình yêu thời chiến của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, tình cảm gia đình của nữ tướng Nguyễn Thị Định…

Nhiều người khi đến xem tủ sách gia đình của ông Dụy đã trầm trồ thán phục, không chỉ bởi số lượng, sự kỳ công của việc sưu tầm, bảo quản mà còn bởi khối tư liệu quý, bài báo, hình ảnh về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về quá trình đấu tranh và phát triển của đất nước ở các mặt trận kinh tế, văn hóa, giáo dục… từ giai đoạn đầu đến thời điểm hôm nay. Đặc biệt, bản thân ông Dụy chính là tấm gương giáo dục hết sức cụ thể để thế hệ trẻ thêm tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYÊN

Chia sẻ bài viết