09/12/2011 - 15:36

Chính sách hỗ trợ giá điện

Người ở trọ vẫn chưa được hưởng quyền lợi

Điều tra * DÂN AN

Đa số người thuê trọ là sinh viên hoặc người lao động có thu nhập thấp. Nhằm giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho những người ở trọ, ngày 25-2-2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05/2011/TT–BCT, quy định về giá bán điện năm 2011, có hướng dẫn rõ mức hỗ trợ giá điện cho người lao động và sinh viên ở trọ. Thế nhưng, đến nay, giá điện ở nhiều nhà trọ vẫn cao hơn rất nhiều so với mức giá quy định của nhà nước. Đáng chú ý là nhiều người ở trọ không nắm được nội dung thông tư này, hoặc có nắm thì chủ cơ sở cho thuê nhà trọ cố tình không thực hiện. Từ đó, nhiều người ở trọ tiếp tục chịu thiệt thòi…

“Phép vua thua lệ làng”

Theo ông Hồ Ngọc Tường, Phó Trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương TP Cần Thơ, thông tư của Bộ Công Thương quy định cụ thể về giá bán điện, hướng dẫn cách thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho người lao động và sinh viên ở trọ rất rõ ràng. Theo đó, người lao động hoặc sinh viên thuê nhà trọ từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trọ trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) hoặc người lao động, sinh viên thuê nhà ký kết HĐMBĐ với bên bán điện (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà). Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà trọ theo đúng giá bán điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ phát hành. Như vậy, nếu người lao động, sinh viên được sự hỗ trợ của chủ nhà trọ thì có thể trực tiếp ký hợp đồng với bên bán điện hoặc gián tiếp thông qua chủ nhà trọ. Trường hợp người lao động hoặc sinh viên thuê nhà, thì cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Cụ thể, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo thông tư của Bộ Công thương, nếu được hỗ trợ thì sinh viên phải trả giá như sau: Nếu sử dụng từ 0 đến 100 kWh, giá 1.242 đồng/kWh; 101 đến 150 kWh, giá 1.304 đồng/ kWh; 151 đến 200 kWh, giá 1.651 đồng/ kWh; 201 đến 300 kWh, giá 1.788 đồng/ kWh; 301 đến 400 kWh, giá 1.912 đồng/ kWh, từ 401 kWh trở lên, giá 1.962 đồng/ kWh. Mức giá cao nhất là 1.962 đồng/kWh, thấp hơn rất nhiều so với mức giá sinh viên phải trả cho chủ nhà trọ dao động từ 3.500 – 5.000 đồng.

Để giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng, nhiều sinh viên sử dụng các loại đồ dùng tiết kiệm điện. Ảnh: DÂN AN 

Tuy thông tư có hiệu lực từ tháng 3-2011, nhưng đến nay, chính sách này vẫn còn khá mới mẻ và xa lạ với không ít người thuê nhà trọ. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người cho rằng mình không biết chính sách hỗ trợ giá điện. Chị Nguyễn Thị Ngân, nhân viên phụ bán tại một quán cà phê, cho biết: “Tôi thuê 1 phòng trọ ở đường Tầm Vu gần 2 năm qua, giá điện từ 2.500 đồng/kWh, đến nay là 4.000 đồng/kWh. Mỗi khi tôi kêu ca tiền điện cao, chủ nhà trọ trả lời thản nhiên: “Chịu thì ở, không thì dọn chỗ khác. Đã nói thế thì tôi còn biết sao hơn”. Không riêng người lao động, ngay cả sinh viên cũng “mù tịt” về chính sách này. Nguyễn Văn Thoàn, sinh viên Trường Đại học Tây Đô, cho biết: “Em thuê nhà trọ ở đường 3 Tháng 2 hơn hai năm nay. Ban đầu giá 2.500 đồng/kWh, nhưng qua nhiều lần Nhà nước điều chỉnh giá điện, chủ nhà theo “đà” tăng giá điện vùn vụt. Hiện tại giá điện ở nhà trọ của em là 3.500 đồng/kWh. Riêng chính sách hỗ trợ giá điện cho sinh viên, em không rành cho mấy. Thôi thì chủ nhà tính sao, đành chịu vậy”.

Có nhiều lý do khiến người lao động, sinh viên chưa nắm rõ hoặc thậm chí chưa biết về thông tư của Bộ Công thương, như: công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành về chính sách hỗ trợ giá điện còn hạn chế; bản thân người thuê nhà trọ chưa nắm bắt, theo sát những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ nhà trọ “làm lơ” không muốn cho người ở trọ biết chính sách hỗ trợ giá điện để hưởng mức chênh lệch. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nắm được chính sách hỗ trợ giá điện, nhưng cũng đành “bó tay”, vì “phép vua thua lệ làng”. Huỳnh Kim Tuyến, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Thực tế, nếu chúng em có than phiền giá điện cao thì chủ nhà trọ tỏ vẻ bực bội và nói nếu không đồng ý thì dọn đi nơi khác. Chỗ nào giá điện cũng cao nên sinh viên đành chấp nhận”.

Ông Hồ Ngọc Tường, Phó Trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương TP Cần Thơ, đề nghị : “Nếu chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn quy định, người lao động và sinh viên cần thông báo ngay đến Phòng Kinh tế nơi mình đang thuê trọ để có hướng xử lý”. Người lao động hoặc sinh viên muốn biết thêm thông tin về chính sách hỗ trợ giá điện, có thể liên hệ Phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương TP Cần Thơ theo số điện thoại: 07102. 210 225.

Không riêng Tuyến mà nhiều người ở trọ khác tự thỏa thuận với chủ nhà trọ về giá điện, nếu đồng ý với giá do chủ nhà trọ quy định thì ở trọ, nhưng phần thiệt thòi thường nghiêng người ở trọ. Chính sách hỗ trợ về giá điện rất rõ, nhưng chủ nhà trọ không thực hiện nên nhiều người lao động và sinh viên vẫn chưa được hưởng quyền lợi của mình. Nhiều người ở trọ còn cho rằng, cứ sau mỗi lần nhà nước tăng giá điện, thì các chủ nhà trọ cũng tăng giá điện. Cô N.T.H.T, chủ nhà trọ ở đường Nguyễn Văn Linh, cho biết: “Bên cạnh tiền thuê phòng trọ, thì tiền điện cũng là phần thu nhập đáng kể của chúng tôi, hơn nữa chúng tôi kinh doanh nên cũng phải có phần dôi dư chứ!”. Bên cạnh đó, theo ông Hồ Ngọc Tường, có một số chủ nhà trọ còn trục lợi từ chính sách này. Họ khai báo để được ưu đãi về giá điện nhưng vẫn thu tiền điện với giá cao hơn quy định, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của nhiều người lao động, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Pháp luật quy định mức xử phạt đối với những cá nhân cố tình bán lại điện cho cá nhân khác với mức giá cao hơn luật định từ 2 – 4 triệu đồng. Nhưng thời gian qua, các cấp, các ngành chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở...

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm...

Theo số liệu của Phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương TP Cần Thơ, tính đến ngày 15-5-2011, toàn thành phố có 684 khách hàng đăng ký áp định mức cho người thuê nhà trọ. Đây là con số quá thấp so với thực tế. Điển hình như quận Bình Thủy có 996 nhà trọ, nhưng chỉ có 172 nhà trọ đăng ký áp định mức. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động và sinh viên ở trọ, thời gian qua, Sở Công Thương TP Cần Thơ thường xuyên phối hợp với ngành điện thành phố tuyên truyền, hướng dẫn chủ nhà trọ làm thủ tục đăng ký với các cơ sở điện lực tại các quận, huyện để áp định mức. Phòng Kinh tế ở các quận, huyện cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các cơ sở cho thuê nhà trọ, qua đó thông báo, hỗ trợ thủ tục cho các chủ nhà trọ, đồng thời nên niêm yết công khai giá điện người ở trọ được hỗ trợ theo hướng dẫn của Thông tư 05, cũng như phổ biến chính sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh để người dân biết... Tuy nhiên, thực tế nhiều lao động, sinh viên thường tự thỏa thuận giá điện với chủ nhà trọ, với mức giá cao hơn quy định.

Nhằm giúp người ở trọ được hưởng chính sách hỗ trợ giá điện của Nhà nước, sắp tới Sở Công Thương thành phố sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra giá điện ở các cơ sở cho thuê nhà trọ. Nhưng theo ông Hồ Ngọc Tường, khi kiểm tra, cũng chủ yếu vẫn là nhắc nhở, tuyên truyền để chủ nhà trọ nâng cao nhận thức cùng chia sẻ khó khăn với người lao động và sinh viên. Nếu nhắc nhở quá 2 lần, mà chủ nhà trọ còn tái phạm thì sẽ xử phạt theo quy định. Tuy vậy, ông Tường cũng nhắc nhở, người lao động và sinh viên cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật, cụ thể là chính sách hỗ trợ giá điện để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện, các cấp chính quyền cũng cần phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện, nhằm chia sẻ, đảm bảo quyền lợi của sinh viên, người ở trọ...

Chia sẻ bài viết