15/04/2009 - 20:27

Đồng bằng sông Cửu Long

Người nuôi cá tra đã có lời, nhưng...

Hơn tháng nay hoạt động chế biến, xuất khẩu con cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón nhận nhiều thông tin có lợi. Đặc biệt là việc thành lập Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga, khi thị trường này “bật đèn xanh” cho một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong nước. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguyên liệu chế biến xuất khẩu khiến cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục tăng giá. Thị trường cá tra nguyên liệu trong thời gian tới sẽ không có lợi nếu người nuôi, doanh nghiệp và ngành chức năng không gắn với việc quy hoạch, quản lý chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu...

Cá tra nguyên liệu tăng giá

Đầu tháng 2-2009, giá cá tra nguyên liệu loại 1 tại ĐBSCL ở mức 15.700 - 16.000 đồng/kg. Trong tháng 3, giá cá tra nguyên liệu loại 1 tăng nhẹ và đứng mức 16.000 - 16.200 đồng/kg... Từ đầu tháng 4 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng và đứng mức 16.500 - 17.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân của việc tăng giá này do nhiều hộ dân không còn khả năng tái đầu tư cho vụ nuôi mới vì thua lỗ, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến...

 Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Trong khi nhiều thông tin tốt về thị trường cá tra nguyên liệu: Nga tuyên bố “bật đèn xanh” cho một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường nước này. Tiếp sau đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát ký quyết định thành lập Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam thương lượng để thống nhất với phía đối tác Nga về sản lượng, chất lượng, giá cả của sản phẩm cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh xuất khẩu sang thị trường nước này. Thương vụ đầu tiên của Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga đạt kết quả khả quan: trong tháng 4 - 2009, thị trường Nga nhập gần 7.000 tấn cá tra phi lê của Việt Nam.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Chính phủ cũng đã có những giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ, khuyến khích nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phát triển. Cụ thể như: Công bố dự án quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010; trong tháng 3-2009, tại An Giang Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ cá tra, ba sa tìm cách phát triển bền vững cho ngành thủy sản đồng bằng.

Người nuôi đã có lời, nhưng chưa hẳn hết lo

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, TP Cần Thơ, cho rằng: Nếu mức giá cá nguyên liệu 16.000 - 16.500 đồng/kg, với điều kiện nuôi tốt, cá đạt chất lượng cao, đảm bảo người nuôi có lời từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Hải, đó là chuyện nuôi cá tra ở mấy tháng trước. Bởi hiện nay, tỷ giá USD/VND đang tăng. Nhiều nhà máy chế biến thức ăn thủy sản ở ĐBSCL đã ký hợp đồng nhập khẩu nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản tháng 5-2009 với mức giá tăng cao hơn những tháng trước; tăng mạnh nhất là bột đậu nành từ 360USD/tấn lên 400- 420 USD/tấn. Chính vì thế, những tháng tới đây giá thức ăn thủy sản sẽ tăng.

Theo thông tin từ các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, hiện nay việc xuất khẩu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các thị trường đều giảm số lượng nhập khẩu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây cũng là lý do khó có thể tăng giá sản phẩm cá tra xuất khẩu trong thời gian tới. Mặt khác, dù thị trường Nga đã chấp nhận con cá tra Việt Nam, nhưng để xuất khẩu được sản phẩm sang thị trường này không dễ. Bộ NN&PTNT đã có quy định chặt chẽ kiểm soát chất lượng cá xuất khẩu. Theo đó, tỷ lệ mạ băng hàng đông lạnh không quá 20%; không được gia công ở ngoài các cơ sở nằm trong danh sách được phép xuất thủy sản vào Nga; nếu có 3 lô hàng liên tiếp bị khách hàng Nga cảnh báo nhiễm khuẩn, phía Việt Nam sẽ ngưng cho doanh nghiệp đó xuất khẩu... Mặt khác, hiện nay, các nước nhập khẩu thủy sản tiến hành kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định những rào cản kỹ thuật... đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn. Chính vì thế, rất ít khả năng giá các sản phẩm xuất khẩu từ con cá tra trong thời gian tới sẽ tăng, dẫn đến khó có khả năng tăng giá cá tra nguyên liệu.

ÔNG DƯƠNG NGỌC MINH, TRƯỞNG BAN ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG THỊ TRƯỜNG NGA:

Nga là thị trường tiềm năng đang rộng mở

(TTXVN)- Hiện nay, các sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều thị trường tuy mới mở nhưng có mức tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn như Trung Đông, trước kia kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5 triệu USD/năm nhưng năm 2008 đã tăng lên 100 triệu USD. Trước đây, nhà xuất khẩu Việt Nam hầu như chưa từng nghĩ đến thị trường Đông Âu, nhưng nay thị trường này đã trở thành bạn hàng đầy tiềm năng. Đây thực sự là tín hiệu vui cho con cá tra, ba sa Việt Nam sau những thăng trầm ở các năm trước.

Riêng thị trường Nga, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD. Dự kiến, trong năm 2009, cá tra, ba sa xuất khẩu vào thị trường này sẽ đạt 200 triệu USD và tiếp tục tăng mạnh trong những năm về sau. Đây là thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần quan tâm đúng mức...

Những phân tích trên cho thấy, thị trường cá tra nguyên liệu vẫn còn diễn biến theo hướng không có lợi, đặc biệt là đối với cho người nuôi. Để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, ông Nguyễn Ngọc Hải cho rằng: “Người nuôi cá tra không nên phát triển nuôi một cách ồ ạt như những năm vừa qua để tránh dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa. Chỉ nên phát triển nuôi cá tra đối với những hộ đã có được hợp đồng liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp”. Muốn làm được vấn đề này, theo ông Hải, trước hết Nhà nước cần vào cuộc thật sự trong việc phát triển nghề nuôi chế biến và xuất khẩu cá tra. Thể hiện ở việc quy hoạch và tuân thủ theo quy hoạch đối với vùng nuôi; kiểm soát, xử phạt mạnh tay đối với những doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Bên cạnh các vấn đề vừa nêu, sự trở lại của con cá tra lần này có lâu dài, bền bỉ hay không cần sự quyết tâm, cộng đồng trách nhiệm của các ngành hữu quan, các doanh nghiệp. Đặc biệt là cộng đồng chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp chế biến với người nuôi.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết