02/11/2009 - 22:25

Người mua đất làm nghĩa trang từ thiện

Ngày nay, nhiều người thường ví von rằng “tấc đất tấc vàng”, nhưng đối với ông Phan Văn Tư, ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, thì không hẳn như thế. Thương người đã khuất vì nghèo khó không có nơi chôn cất, thế là ông tìm mua một mảnh đất trống, cao ráo, để làm nghĩa trang từ thiện. Nghĩa cử cao đẹp của ông thể hiện đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, vốn có từ ngàn xưa của dân tộc ta...

* Lá lành đùm lá rách

Sau hơn nửa giờ hỏi thăm nhà ông Phan Văn Tư ở khu vực Thới Trinh A (phường Thới An, quận Ô Môn) chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thế nhưng, khi vừa nói thêm: “Ông này thường làm từ thiện, hay giúp đỡ người nghèo gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống...” thì được một thanh niên chạy xe ôm, tên Minh Trí dẫn đường: “Kiếm nhà ông Tư Đồ Bộ hả, theo tui”. Trên đường đến nhà ông Tư, chúng tôi được Minh Trí kể nhiều về ông, nhất là câu chuyện kết thân giữa họ, thật nồng ấm và cảm động lòng người...

...Ngày trước, sau khi chấp hành hình phạt tù về tội cố ý gây thương tích, Minh Trí trở về địa phương sinh sống bằng nghề chạy xe hon-đa ôm. Trong một dịp tình cờ, anh đã quen biết được ông Tư Đồ Bộ. Những lúc rảnh rỗi, anh thường cùng ông Tư đi làm công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khó. Dần dà, hai người kết thân với nhau. Kể đến đây, đôi mắt Minh Trí ánh lên niềm vui, niềm lạc quan trong cuộc sống. Anh nói: “Tôi là người có tì vết trong quá khứ, nhưng ông Tư chẳng những không khinh thường mà còn khuyên bảo, động viên tôi cố gắng làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông hay nói: “Ở đời, ai không mắc sai lầm, nhưng người biết sai mà sửa thì mới là người tốt, là người có ích cho xã hội...”. Thú thật, mỗi khi nghe ông nói, tôi càng vững tin là mình còn cơ hội, để làm lại cuộc đời và trở thành người lương thiện. Từ đó, tôi kiên quyết không quay lại con đường cũ”...

Ông Tư đang đào đất đắp nền làm phòng thuốc nam ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An. 

Dáng người trung bình, gương mặt phúc hậu, ông Tư hay mặc đồ bộ, vì thế bà con địa phương thường gọi là ông Tư “Đồ Bộ”. Vốn trầm tính, ông Tư ít chịu nói về mình, mặc dù chúng tôi nhiều lần gợi chuyện. Hôm chúng tôi đến nhà, ông Tư đang tiếp chuyện với một bà lão tuổi hơn 70, trông rất lam lũ. Theo vợ ông Tư cho biết đó là bà Bảy, bà ngoại của anh Thảo, ngụ khu vực Thới Trinh, phường Thới An. Theo lời kể của bà Tư, tháng trước, anh Thảo uống thuốc trừ sâu tự vẫn. Gia cảnh nghèo khó, bà Bảy đến nhà cầu cứu ông Tư. Thương cho hoàn cảnh của bà, ông Tư giúp đỡ 500.000 đồng, để bà đưa cháu ngoại đi bệnh viện cấp cứu. Biết chuyện, một số người hàng xóm của bà Bảy tỏ vẻ trách móc: “Thằng đó thường phá làng, phá xóm, ông Tư giúp nó làm gì. Cứ để cho nó chết quách cho xong!”. Nghe nói thế, ông Tư chỉ mỉm cười. Nhưng, tận sâu trong đáy lòng, ông thầm nghĩ “thương người như thể thương thân” nên ông không đành lòng nhìn thấy một người sắp chết mà không cứu giúp, dù người đó có xấu xa đến đâu đi chăng nữa. Bà Bảy cho biết: “Nhờ có ông Tư thương tình giúp đỡ kịp thời, nếu không chắc nó đã đi theo ông bà rồi. Tôi không biết nói gì hơn, ngoài lòng cảm ơn sâu sắc, trước nghĩa cử cao đẹp của ông Tư”.

Để có nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, ông Tư cho biết cách làm: “Gia đình tôi cùng một số hộ tiểu thương ở chợ Thới An có lòng hảo tâm hàng tháng tự nguyện đóng góp đều đặn, mỗi gia đình từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, tổng cộng được khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này, chúng tôi giúp đỡ những cảnh đời cơ cực, đang gặp khó khăn, bệnh tật... để giúp họ vượt qua lúc khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

* Mua đất làm nghĩa trang từ thiện

Nói về nguyên nhân hiến đất làm nghĩa trang từ thiện, ông Tư kể: “Hồi đó, ở xóm có một cháu 18 tuổi bị bệnh chết, gia đình cứ để mãi không chôn. Hỏi ra mới biết vì gia đình nghèo khó không có đất chôn thi hài người chết. Tôi thầm nghĩ, người nghèo sống đã không đủ cái ăn, đến chết rồi cũng không có chỗ yên nghỉ, thì thật đau thương quá”. Thế là, năm 2004, ông Tư mua một phần đất diện tích hơn 9.500m2 đất (tọa lạc tại khu vực Thới Thuận, phường Thới An). Trong đó, có một khoảng đất gò, cao ráo, rộng khoảng 1.000m2, ông quyết định sử dụng phần đất này để làm nghĩa trang từ thiện. Ý nguyện của ông là hiến đất cho đời. Hễ ai có người thân qua đời, cứ đem đến mảnh đất ấy mà chôn cất, không phải trả một đồng xu nào cả. Ông chỉ có một yêu cầu là người “đến” trước phải nằm theo hàng, theo lối, theo thứ tự để dành chỗ cho người sau.

Rảo bước vòng nghĩa trang từ thiện, chúng tôi thắp nén hương cho những người đã khuất. Đến nay, nghĩa trang này đã có 30 ngôi mộ. Và, mỗi ngôi mộ là một câu chuyện thương tâm về số phận hẩm hiu, nghèo khó, vất vả trong cuộc sống mưu sinh... Đứng trước ngôi mộ mới đắp, ông Tư cho biết: “Đây là ngôi mộ của ông Phương “mù”. Sáng sớm, ông Phương lội đi xin ăn ở chợ Ô Môn. Tối đến, ông về ngủ phía trước hiên đình. Vào một ngày đầu tháng 8, ông Phương chết trong cơn mưa rả rích. Không con cái, không người thân thuộc, hay tin, tôi và một số người dân ở phường Thới An lo hòm gương, đồ tẩm liệm và đưa thi thể ông về đây chôn cất đàng hoàng”.

Đưa mắt nhìn lối vào phần đất nghĩa trang, ông Tư tỏ vẻ trăn trở: “Để đưa quan tài vào đây chôn cất thì chúng tôi phải đi vòng theo con rạch nhỏ, rồi lội bộ trên bờ đê khoảng vài trăm mét mới đến nghĩa trang. Để tiện cho việc đi lại, chúng tôi đang thương lượng với chủ đất tiếp giáp mua lối đi từ lộ vào thẳng nghĩa trang (khoảng vài chục mét). Nhưng đến nay, giữa hai bên chưa thỏa thuận được”. Theo ông Tư dự tính, sau này, ông sẽ xây dựng nhà thờ cúng, chọn một ngày nào đó trong năm làm lễ giỗ chung, để hương hồn người quá cố được ấm lòng, an tâm yên nghỉ nơi chín suối.

Ông Tư sinh ra và lớn lên ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ông nói: “Ngày xưa, gia đình tôi nghèo lắm. Anh em tôi ước có cái áo lành để thay nhau mặc mà không có được. Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất, dần dần gia đình tôi đã có của ăn, của để như ngày nay”. Phải chăng vì lớn lên trong nghèo khó nên khi có được cái ăn, cái mặc là ông tìm cách sẻ chia một cách chân tình như sẻ chia với quá khứ của chính mình. Vợ chồng ông Tư sinh được 2 đứa con, hiện đã trưởng thành và tạo dựng gia đình riêng tư. Ông bà Tư chung sống với người con út, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu bằng nghề buôn bán tạp hóa ở chợ Thới An. Ông Nguyễn Văn Thông, người dân ở phường Thới An, tấm tắc khen: “Ngày nay, hiếm có người nào được như ông Tư. Trong thân tộc còn khiếu kiện nhau giành từng tấc đất. Còn ông Tư dành cả ngàn mét vuông đất để làm nghĩa trang từ thiện...”.

Từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Tư càng hiểu rõ hơn tình đoàn kết và lòng thương yêu con người thể hiện trong tư tưởng, tình cảm của Bác. Từ tình thương bao la, vô hạn của Bác, ông Tư càng tâm đắc và nguyện sẽ dành nhiều thời gian, làm nhiều việc có ý nghĩa để xây dựng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng nhau tiến bộ, chung tay cùng xã hội chăm lo cho người nghèo, những mảnh đời không may, gặp bất hạnh trong cuộc sống, nhằm xoa dịu nỗi đau, giúp họ vượt qua bất hạnh, vững tin vươn lên trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thới An, cho biết: “Ông Phan Văn Tư là người đi đầu trong phong trào làm từ thiện xã hội trên địa bàn. Ông không chỉ giúp nhiều cảnh đời vượt qua khó khăn mà còn là người góp lửa cho phong trào làm từ thiện xã hội ở địa phương ngày một phát triển. Chính vì vậy, ông là người được bà con địa phương tín nhiệm, nhất là những lúc huy động lực lượng đi làm các công tác xã hội như làm đường, bắc cầu, hay đi tìm cây thuốc nam. Nghĩa cử cao đẹp của ông Tư không những mang ý nghĩa hết sức sâu sắc mà còn thể hiện đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” vốn có từ ngàn xưa của dân tộc ta...”.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết