Truyện ngắn: PHONG LINH
Tiệm sách Nắp Biển nằm trong một con hẻm nhỏ của thành phố. Sau gần mười năm ấp ủ, tôi đã có thể mở một tiệm sách nhỏ của riêng mình, nơi có những cuốn sách do chính tôi lựa chọn. Mỗi ngày trước khi mở cửa, tôi thường có thói quen xếp lại sách, sau đó pha một ấm cà phê đặt trên bàn. Tôi đọc tiếp cuốn sách dang dở của ngày hôm qua và thưởng thức hương vị của cà phê nóng.
Từ ngày mở Nắp Biển, cuộc sống của tôi đã đổi khác. Sự đọc đã không còn là việc đơn độc, mà kết nối tôi với nhiều người trong thành phố nhỏ bé này.
Ông thường đến vào sáng chủ nhật, lật từng cuốn trong góc sách cũ. Những cuốn sách đã ố vàng, có vài chỗ chữ đã nhòe, và chăm chú đọc hết buổi, sau đó chọn mua vài cuốn rồi rời đi. Mấy tuần nay, cứ mỗi sáng chủ nhật, dù ngày mưa hay nắng, ông đều đến. Ông chỉ chào tôi rồi đi thẳng đến chỗ ngồi thường ngày. Tôi không làm phiền đến việc đọc của ông.
Có những khi tiệm khá đông khách, nói năng rộn ràng, trao đổi điều này điều kia về những cuốn sách, nhưng ông vẫn chăm chú vào cuốn sách của mình. Tôi không mấy khi thấy ông ngẩng lên. Thỉnh thoảng, ngừng lại giữa lúc đọc, ông khẽ gật đầu, mỉm cười.
Sáng chủ nhật tuần này ông cũng đến. Khi thấy tôi đang xếp lô sách mới lên giá, ông đến gần và hỏi: "Hôm nay cháu có cuốn nào giới thiệu cho bác không?".
Tôi ngạc nhiên. Ðây là lần đầu tiên ông hỏi tôi về sách, vì thường tôi cảm thấy ông có những cuốn sách của riêng mình, và khi đến đây ông biết ông cần đọc cuốn nào rồi. Tôi đang bối rối thì ông lại nói ngay: "Bác để ý thấy mỗi lúc rảnh, cháu đều đọc sách. Không phải chủ hiệu sách nào cũng đọc. Cho nên bác rất có niềm tin vào sự giới thiệu của cháu".
Tôi và ông đã bắt đầu câu chuyện như thế, và sau đó mỗi chủ nhật khi ông đến, tôi đều trao cho ông một cuốn sách mà tôi tin phù hợp với ông và ông cũng chia sẻ với tôi vài cuốn sách tâm đắc. Hóa ra, ông là một kỹ sư đã về hưu. Ông bảo, ngày còn trẻ, bận bịu đủ thứ, cuộc sống cứ cuốn đi mãi, thời gian để đọc thật sự rất ít. Ðến bây giờ về hưu, lại có thể quay về đọc mỗi ngày.
"Trước khi chết, bác muốn sống thật nhiều cuộc đời. Ðể sau này gặp lại, có thể kể cho bà ấy thật nhiều chuyện".
Ông cười. Nhưng nụ cười buồn bã.
Người vợ yêu thương của ông vừa mới mất. Hằng ngày ông đều lẩn quẩn ở nhà, làm vườn và đọc sách, để ở bên cạnh vợ. Ông kể rằng, trước đây, liên miên với các công trình, suốt ngày xa nhà. Một tay vợ ông đã nuôi dạy những đứa con và quán xuyến nhà cửa. Giờ ông về hưu, con cái đã lớn, ông bà tưởng rằng có thể ở bên nhau bầu bạn tuổi già, thế nhưng bà lại không hưởng hạnh phúc ấy được lâu.
Ðến khi đọc hết sách trong nhà, ông ra khỏi nhà vào ngày chủ nhật, đi bộ đến hiệu sách và mua thêm những cuốn sách mới, đủ để đọc trong tuần. Ông vẫn nghĩ đang đọc sách và chia sẻ những điều trong sách cùng người vợ của mình. Ðiều đó càng thôi thúc ông đọc.
Câu chuyện của ông khiến tôi chợt nghĩ về những đứa trẻ lớn lên trong thế hệ chúng tôi. Có lẽ vì đời sống phát triển quá nhanh với muôn vàn tri thức và tiện ích mới mẻ, khiến ước mơ bay xa trong sự nghiệp luôn thôi thúc và ai cũng muốn chu du khắp thế giới, nên chúng tôi bị cuốn trôi đi trong một dòng đời bất tận. Trôi quá xa bản thân mình, nhưng lại tự ru mình rằng đó là mở rộng tầm mắt. Thế nhưng, đời sống tình cảm của chúng tôi, cứ vội vã và thiếu thốn.
Khi đã quen với những buổi sáng chủ nhật ông sẽ đến, tôi thường chuẩn bị trước cà phê và sách đặt trên chiếc bàn ông hay ngồi. Tôi muốn làm điều gì đó, cho người khách đọc sách đặc biệt.
Nhưng chủ nhật này ông không đến. Ðến tận lúc đóng cửa tôi vẫn mong ông sẽ xuất hiện, nhưng hoàn toàn không. Trong lòng tôi như có gì đó hốt hoảng, nhưng tôi tự nhủ có thể tuần này ông có việc bận đột xuất, ai cũng có thể có những lúc không thực hiện đúng như lịch trình. Tôi tự nhủ như vậy. Một tuần nữa lại trôi qua, nhưng đến chủ nhật, ông vẫn không xuất hiện.
Tôi thật không yên tâm. Lần cuối cùng nhìn thấy dáng vẻ ông khi bước ra khỏi cửa tiệm, tôi nhớ ông vẫn nói: "Hẹn cháu cuối tuần sau". Ấy vậy mà hai tuần ông không đến Nắp Biển.
Buổi chiều, tôi đóng cửa Nắp Biển, lần tìm theo địa chỉ mà ông đã từng nhắc đến trong vài cuộc trò chuyện, đến nhà ông.
Căn nhà của ông nằm sâu trong hẻm. Trước nhà là một mảnh vườn khá rộng, trồng hoa hồng, đang vào mùa nở rực rỡ. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ai. Ðến khi hỏi vài người hàng xóm ở đầu hẻm, mới biết ông đã được đưa vào viện. "Tội nghiệp lắm, lúc vợ ông ấy mới mất, đêm nào ông ấy cũng lầm rầm nói chuyện một mình, rồi đi khắp ngõ kể chuyện nọ chuyện kia. Có lẽ ông ấy đau khổ vì vợ mất đột ngột. Cũng có một đợt đỡ lắm, thấy ông ấy bình thường, gặp chúng tôi nói chuyện rất trôi chảy nhưng tự nhiên cách đây hai tuần, ông ấy cứ đi trên đường, không chú ý gì đến xe cộ, nên một chiếc xe đâm vào. May mà không chết, nhưng xem ra đợt này nằm viện sẽ lâu" - người hàng xóm kể.
Những câu nói như thế vẫn còn vang lên cho đến tận khi tôi về đến nhà. Mọi thứ đều thật nặng nề. Tôi nên làm gì, hay đúng hơn tôi có thể làm gì?
Sau nhiều đêm nghĩ ngợi, không thể ngủ được, tôi quyết định đến bệnh viện nơi ông đang điều trị. Khi đến căn phòng theo chỉ dẫn, tôi thấy ông đang ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang, trông ông không có vẻ gì là không tỉnh táo. Vừa định tiến lại gần thì có một cô gái bước đến:
"Chị cần gì ạ?"
"Tôi đến thăm bác H"
"Chị là người quen hay đồng nghiệp cũ của ba em ạ?"
Hóa ra là con gái ông. Tôi kể cho cô chuyện ông thường đến tiệm sách của tôi, và cô trông có vẻ rất xúc động. Cô nói với tôi rằng: "Ba đã nhìn thấy mẹ em đột quỵ ngay trước mắt, mà không làm được gì, nên từ ấy ông rơi vào trạng thái như bây giờ. Bác sĩ bảo ông bị sốc tâm lý nặng. Giờ một ngày ông chỉ tỉnh táo được chút ít, còn đều nhờ vào thuốc chị ạ. Có đợt ba cũng đỡ lắm, nhưng vừa rồi, tới ngày giỗ mẹ là ba bệnh lại".
Cô lấy tay lau nước mắt, rồi nói cảm ơn tôi, nếu sau này tôi muốn cứ đến chơi. Lúc ông tỉnh táo, ông vẫn có thể nhận ra hiện thực và mọi người. Ông sẽ rất vui nếu có bạn tới thăm.
Cô gái dẫn tôi tới chỗ ông đang ngồi, gọi "Ba ơi ba" thì ông quay lại. Khuôn mặt ông trông già hẳn đi, mệt mỏi và hốc hác so với lần cuối tôi gặp ông. Ông nhận ra tôi và mỉm cười nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ấm áp. Tôi nhận ra điều đó, và chợt thấy lòng tôi thắt lại, nhưng cũng cảm động vô cùng.
Tôi đem đến cho ông tập thơ mới xuất bản của Du Tử Lê, tôi nhớ ông từng nói vợ chồng ông đều rất mê Khúc Thụy Du, phổ nhạc từ thơ của Du Tử Lê.
Ông nhận cuốn sách, rưng rưng nước mắt. "Chắc bà ấy sẽ thích lắm đây. Ngày xưa lúc giận nhau với tôi bà ấy đều chép thơ của Tử Lê. Chép thơ xong thì tâm tư cũng hết tức giận, lại thấy yêu nhiều hơn".
Tôi cách xa lứa tuổi của ông bà, lại không đọc nhiều văn học Việt nên cũng không có được cảm nhận tinh tế đến thế. Nhưng tôi tin, văn chương dù bằng cách này hay cách khác, đều có thể làm an dịu tâm hồn ta, làm ta bớt đi phần nào nỗi cô đơn chôn cất trong lòng.
Tôi nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ông và cảm nhận được sự ấm áp của bàn tay ấy. "Cháu tin rằng, bác gái đã sống một cuộc sống hạnh phúc, vì có tình yêu của bác". Ông cười thành tiếng. Tiếng cười trầm đục, nhưng thoảng nghe hạnh phúc.
Từ sau đó, mỗi sáng chủ nhật, tôi trở thành khách của ông. Mỗi tuần tôi mang tới cho ông một cuốn sách mới, nếu ông tỉnh táo thì tôi đọc cùng ông, sau đó đi dạo vài vòng trong khuôn viên bệnh viện. Vào những ngày ông quá mệt, hoặc không thể tỉnh táo, tôi thường đọc vài trang sách cho ông.
Tôi vẫn mong ông có thể dần thoát khỏi cú sốc sâu thẳm trong tâm hồn ấy, để sống những ngày thanh thản, nhưng đôi lúc trông thấy ông cười như trẻ thơ, nói chuyện với người vợ vô hình của mình, đọc thơ và nhìn vào không gian trống rỗng trước mắt một cách đầy yêu thương, tôi cảm thấy ông thật sự rất hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc mà những người như tôi hay những người con của ông, không thể nào hiểu được.