09/06/2013 - 21:01

Người giữ hồn “Chằm - riêng - chà - bây”

Nghệ nhân Lý Sêm dạy Chà- bây đon- vêng cho trẻ em trong xóm.

Ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) nằm giữa mênh mông đồng lúa, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Chỉ trừ ngày mùa thu hoạch hay đám tiệc, lễ tết cổ truyền, còn ngày thường thì xóm làng khá vắng lặng. Nhưng những ngày đầu tháng 5, cả ấp dường  như vào hội khi cái tin lão nông Lý Sêm - đoạt giải Nhất liên hoan dân ca Việt Nam - toàn quốc được truyền từ nhà này sang nhà khác. Chúng tôi đã ngồi cạnh ông trong căn nhà gỗ cũ kỹ để lắng nghe nỗi niềm đam mê, những trăn trở với Chà- bây đon- vêng-  cây đàn gia  truyền- đã gắn chặt với  ông từ thuở ấu thơ cho đến tận  bây giờ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống với loại hình nghệ thuật dù kê độc đáo của dân tộc, ngay từ  nhỏ  Lý Sêm đã đắm mình với những làn điệu cổ truyền. Ở tuổi thiếu niên ông đã thành thạo các điệu múa chằn, múa khỉ, rom - vong, lăm - leo, chơi được nhiều loại nhạc cụ trong bộ ngũ âm Khmer hay dàn nhạc dây như: Truô sô (đàn Cò), Truô nguôk (đàn Gáo), thổi sáo, thổi kèn... đặc biệt là cây đàn Chà- bây đon- vêng, tạm dịch là cây đàn cán dài, một ngón nghề độc đáo được chính cha ông truyền dạy. Ông kể: “Lúc đó tôi khoảng chín mười tuổi gì đấy thì được cha tôi dạy cho loại nhạc cụ này. Đây là cây đàn thường sử dụng theo kiểu độc tấu, một người vừa tự đàn tự hát, để  bộc lộ tâm tư tình cảm của mình, truyền tải những đạo lý tốt đẹp đến người nghe nên rất phù hợp để  thể hiện các điệu  ru hay  kể chuyện. Và sự kết hợp giữa cây đàn Chà - bây đon-vêng với lời hát kể của người đàn sẽ tạo nên tiết mục được gọi là Chằm - riêng - chà - bây. Mặc dù cha tôi dày công truyền dạy, nhưng phải mấy tháng liền tôi mới có thể sử dụng thành thạo Chà - bây đon - vêng. Để rồi từ đó tôi gắn chặt với Chà - bây đon - vêng cho đến bây giờ và có lẽ sẽ mãi đến ngày nhắm mắt”.

Đam mê, biết được nhiều loại nhạc cụ, đặc biệt là tuyệt kỹ Chà- bây đon- vêng nên chưa đầy 30 tuổi Lý Sêm đã là trưởng đoàn dù kê của ấp. Những năm 80 của thế kỷ trước, sân khấu dù kê dần mai một, mỗi ấp không còn một đoàn như trước nữa. Đoàn dù kê Giồng Chát của Lý Sêm cũng không thoát khỏi qui luật tan rã. Không còn đêm đêm bước lên sân khấu biểu diễn, Nhưng Chà- bây đon- vêng, cây đàn tri kỷ vẫn luôn vang vọng trong tay ông vào mỗi buổi chiều tà, hay khi xóm làng có đám tiệc. Cứ thế, mấy mươi năm qua Lý Sêm vừa đàn vừa hát trong nỗi đam mê, trong niềm thôi thúc bất tận. Những năm gần đây, cùng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, được sự động viên của chính quyền địa phương, Lý Sêm bắt đầu ôm Chà - bây đon - vêng đến với các hội thi, hội diễn bằng những tiết mục hát ru Chằm - riêng- chà - bây độc đáo. Đặc biệt là tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng được huyện Trần Đề tổ chức vào đầu năm 2013, cũng với Chà - bây đon - vêng, nhưng thay vì kể một câu chuyện cổ xưa, một triết lý nhân sinh tốt đẹp như lệ thường thì lần này, ông hát ru một bài do mình tự sáng tác nói về cuộc sống hôm nay.

Ông Lý Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Liêu Tú, kể: “Bữa đó ông Lý Sêm  vừa đàn vừa hát một bài tự mình sáng tác, nói về phong trào xây dựng Nông thôn mới và hiệu quả từ chương trình 134, 135 của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc đã làm thay đổi rõ nét đời sống bà con  Khmer địa phương”. Với tiết mục đầy tính sáng tạo và giải diễn viên xuất sắc tại hội diễn này,  Lý Sêm đến với Hội diễn cấp tỉnh và  tiếp theo là Liên hoan dân ca Việt Nam - khu vực Nam bộ  được tổ chức vào trung tuần tháng 4 năm 2013 ở tỉnh Long An. Là thí sinh cao tuổi nhất, ông đã làm mọi người ngỡ ngàng khi ở tuổi 80 vẫn vừa đàn vừa hát, vẫn trầm bổng, mượt mà với làn điệu hát ru cổ truyền của dân tộc. Để rồi Lý Sêm với Chằm - riêng - chà -bây đã được chọn là 1 trong  5 tiết mục đặc sắc nhất đại diện cho khu vực Nam bộ tham dự vòng chung kết toàn quốc. Và tại sân chơi của cả nước vừa kết thúc vào những ngày đầu tháng 5- 2013, Lý Sêm một lần nữa tỏa sáng khi chinh phục Ban giám khảo, khán giả để giành 1 trong 7 giải Nhất của liên hoan. Vui đấy nhưng người nghệ nhân này lại lo sợ tuyệt kỹ của mình thất truyền, nhất là giờ đây ông đã vào tuổi 80. “Tôi vừa buồn vừa lo vì  nhạc cụ này hiện  rất ít người biết sử dụng, nhất là lớp trẻ lại không  thích,  tôi sợ nó mai một rồi một ngày nào đó mất đi” - ông nói.

Nhiều năm qua, những lúc rảnh rang, dưới mái hiên nhà, hay chiều tà nơi gốc cổ thụ đầu xóm, ông lại gom bầy trẻ lại rồi dạy cho chúng cách bấm nốt lên dây đàn… Và  cùng với Chà- bây đon- vêng, ông lại cất lời  ru để kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ xưa được ông bà truyền lại, những bài học làm người, những nét đẹp của dân tộc. Ông  hướng chúng đến với những điều tốt lành và mong muốn ít nhiều những đứa trẻ trong xóm cũng biết và có thể chơi được Chà - bây đon - vêng, để những tiết mục Chằm - riêng- chà- bây độc đáo sẽ còn vang vọng mãi.

Bài, ảnh: QUỐC KHỞI

 

Chia sẻ bài viết