08/08/2023 - 16:13

Người đang dùng thuốc cần cảnh giác với thời tiết nóng bức 

HOÀNG ÐIỂU (Miami Herald)

Những người dùng thuốc điều trị bệnh tim, huyết áp cao, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và các bệnh khác có thể đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe vì thời tiết nóng bức. Các chuyên gia y tế cho biết điều cần thiết là phải biết nhiệt độ có thể tương tác với một số loại thuốc như thế nào, để từ đó tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe.

Theo các chuyên gia, một số loại thuốc làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến cơ thể khó đổ mồ hôi hơn, dẫn đến kiệt sức hoặc sốc nhiệt, trong khi thuốc khác lại khiến làn da nhạy cảm hơn với ánh nắng, dẫn đến phát ban và tăng nguy cơ cháy nắng.

Tiến sĩ Linu Samuel, Giám đốc Y khoa của Tổ chức Y tế Chuyên sâu Delicated Senior Medical Center (Mỹ) cho biết trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Ðiều này đặc biệt đáng lo ngại cho những người đang dùng thuốc ảnh hưởng đến khả năng đổ mồ hôi của cơ thể. Ví dụ như thuốc dị ứng, về cơ chế hoạt động là làm giảm lưu lượng máu. “Nhưng bằng cách giảm lưu lượng máu, nó cũng làm giảm khả năng đổ mồ hôi qua da, từ đó có thể khiến cơ thể tăng nhiệt và tăng nguy cơ tiếp xúc với mức nhiệt cao hơn” - ông giải thích. Trong khi đó, thuốc lợi tiểu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước - có khả năng dẫn đến các bệnh liên quan đến nhiệt như kiệt sức vì nóng hoặc say nắng.

Tuy vậy, để phòng ngừa những nguy cơ nói trên, Tiến sĩ Samuel cho rằng người bệnh không nhất thiết phải ngừng dùng thuốc, bởi thuốc được kê đơn là để chữa bệnh. “Cách tốt nhất nên làm là tiếp tục dùng các loại thuốc đó, đồng thời đảm bảo rằng bạn luôn bổ sung đủ nước, uống nhiều nước trong ngày, để cơ thể không bị mất nước” - ông khuyến nghị. Ðiều cần thiết nữa là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong những giờ nắng nóng cao điểm - thường là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mặc quần áo nhẹ và thoáng khí để giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ.

Ngoài ra, Tiến sĩ Samuel cũng khuyên mọi người nên để thuốc ở nơi thoáng mát để đảm bảo hiệu quả. “Cũng có một số loại thuốc như insulin và các sản phẩm dạng insulin được yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ mát, chẳng hạn như tủ lạnh. Vì vậy, để những thứ đó trong xe có thể làm hư hỏng hoặc thay đổi hiệu quả của chúng” - ông nói. Theo Hệ thống Y tế Mount Sinai, nhiệt độ cực cao cũng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của que thử đường glucose, được bệnh nhân tiểu đường sử dụng để theo dõi lượng đường trong máu.

Khi nhiệt độ tăng cao, các chuyên gia y tế cho biết điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp và đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của các loại thuốc, gồm đọc kỹ hướng dẫn để bảo quản thuốc đúng cách hoặc tham khảo ý kiến dược sĩ/bác sĩ điều trị.

 Thuốc nào làm tăng rủi ro sức khỏe khi nắng nóng?

Một số loại thuốc, như Benadryl, có thể làm giảm khả năng đổ mồ hôi và tăng thân nhiệt, trong khi những loại khác - như thuốc chống trầm cảm Prozac và thuốc chữa ADHD như Adderall và Ritalin - có thể tạo ra mồ hôi quá nhiều, dẫn đến mất nước. Các loại thuốc như levothyroxine, dùng để điều trị tuyến giáp hoạt động kém, có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể. Tất cả những tác dụng phụ này có thể làm tăng nguy cơ kiệt sức vì nóng và say nắng.

Tiến sĩ Aisha Subhani, trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết các loại thuốc khác có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc ức chế beta để điều trị huyết áp cao và bệnh tim, thuốc điều trị bệnh Parkinson (hội chứng liệt rung) và một số loại thuốc không kê đơn như ibuprofen, thuốc nhuận tràng và thuốc kháng histamine để điều trị dị ứng và cảm lạnh.

Ngoài ra, thời tiết oi nóng cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về da như mặt ửng đỏ, sạm nám và mụn. Chẳng hạn, các thuốc điều trị mụn trứng cá như accutane và tetracycline có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với ánh nắng, làm tăng nguy cơ bị cháy nắng và nổi mẩn ngứa.

Chia sẻ bài viết