24/01/2016 - 16:07

NGƯỜI CÓ NIỀM ĐAM MÊ ĐẶC BIỆT VỚI NGHỀ NÔNG

Ông Phạm Văn Đông-người đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố nhiều năm liền, lý giải thành công mà ông có được là nhờ có niềm đam mê đặc biệt với nghề nông. Xuất thân từ gia đình nghèo, ra riêng được cha mẹ cho vỏn vẹn 3 công đất, sau hơn 30 năm cật lực lao động, ông Phạm Văn Đông (Năm Đông, ngụ khu vực Thới Thạnh Đông, phường Thới Long, quận Ô Môn) đã có trong tay hơn 40 công đất, thu nhập hàng năm vài tỉ đồng...

Khi chúng tôi đến thăm, vườn quýt đường nhà ông đang vào vụ thu hoạch, mấy ngày qua thương lái tìm đến tận nhà trả giá khá cao, từ 30.000 -33.000 đồng/kg vì quýt vườn ông Năm Đông đẹp, trái to, vị ngọt thanh. Ông Năm Đông tính nhẩm, với 60 tấn quýt này, ông thu về gần 2 tỉ bạc, trừ chi phí đầu tư suốt 3 năm qua để thuê và cải tạo đất, lên liếp ông lãi khoảng 800 triệu đồng. Khi tôi hỏi, nghe tiếng ông Năm Đông thành công với nghề nuôi cá tra, lợi nhuận hàng năm hơn 2 tỉ đồng, giờ gặp ông lại là chủ vườn quýt, điều gì khiến ông chọn cây quýt để đầu tư? Ông Năm Đông cười, bồi hồi nhớ chuyện xưa. Thuở ông mới ra riêng, ông cũng từng chọn cây quýt để khởi nghiệp và từng thất bại thê thảm, điều đó khiến ông đau đáu, để giờ qua hơn 20 năm, khi đã thành công với nghề nuôi cá tra, ông quyết định quay lại với loại cây trồng nhiều duyên nợ với mình-điều mà chúng tôi gọi vui là "để đòi lại" món nợ năm xưa...

Ông Năm Đông (ảnh phải) cùng cán bộ Hội Nông dân phường Thới Long tham quan vườn cam sành, quýt đường đang vụ thu hoạch.

Mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Hồi mới ra riêng, với 3 công đất ruộng không hiệu quả, ông Năm Đông cải tạo trồng quýt. Thời điểm đó, do chưa am hiểu điều kiện thổ nhưỡng, thiếu thông tin khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm nên quýt vườn nhà ông cũng không đạt năng suất cao. Tuy vậy, cây quýt vẫn là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình. Năm 1997, vườn quýt đang cho trái thì bị cơn bão số 5 ập đến, thế là ông Năm Đông trắng tay. Phải mất một thời gian, ông mới nguôi ngoai nỗi buồn này. Đến năm 1999, qua tìm hiểu, ông Năm Đông quyết định gom hết vốn liếng đầu tư đào ao nuôi cá da trơn (cá tra) và nặng nợ với nghề này như một cái nghiệp không thể dứt. Thời điểm đó, ông thiếu vốn, nhờ có chị bạn làm nghề bán thức ăn cho ông mua chịu đến vụ thu hoạch cá mới trả. Ông Năm Đông nhớ lại: "Với diện tích 1.000m2 mặt ao, tôi thả nuôi khoảng 30.000 con cá da trơn. Qua mấy tháng vất vả, tôi thu về hơn 20 tấn cá. Tôi còn nhớ như in lúc đó cá đạt giá 12.000 đồng/kg, trừ chi phí tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Trong khi thời điểm đó, vàng chỉ hơn 200.000 đồng/chỉ". Với số tiền lãi "khủng", ông Năm có thể mua khoảng 100 cây vàng. Có tiền, ông mua luôn 40 công đất và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Năm nào cũng "trúng mùa-trúng giá", thu nhập của ông có năm lên đến vài tỉ đồng. Đến năm 2012, khi nghề nuôi cá trơn bắt đầu có dấu hiệu chựng lại và đi vào thoái trào, ông Năm Đông vẫn giữ vững nguồn thu nhập ổn định, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỉ đồng/năm. Đó là vì ông có bí quyết riêng? Ông Năm Đông bảo, nhờ mối quan hệ rộng, bạn làm ăn của ông đều là những người "đam mê" và có duyên nợ với con cá da trơn nên thời điểm thị trường suy sụp, ông bắt đầu chuyển hướng kinh doanh. Ông liên hệ với doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu ổn định và nhận nuôi gia công. Mỗi ký cá, doanh nghiệp cung cấp cho ông 1,6 kg thức ăn kèm 5.000 đồng chi phí thuốc men, chăm sóc cá. Nếu biết cân đối, gia giảm thức ăn, thuốc men, tiết kiệm được phần chi phí này thì sau vài tháng, khi cá đạt trọng lượng 700-800gram hoặc 1.000 gram-1.050gram, trừ tất cả chi phí sản xuất, ông Năm Đông lãi mỗi ký cá khoảng 2.000 đồng. Trung bình mỗi năm ông xuất khoảng 1.000 tấn cá, cầm chắc 2 tỉ đồng trong tay. Bên cạnh đó, ông Năm Đông còn tận dụng diện tích xung quanh nhà và ao cá để trồng cam sành và dừa xiêm. Chỉ riêng số cam sành và dừa, mỗi năm ông Năm Đông thu về ngót nghét 400 triệu đồng.

Trở thành tỉ phú, ông có vốn liếng trong tay hàng chục tỉ đồng, cộng với hơn 4 hecta đất vườn, ao cá và bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm làm ăn. Cứ ngỡ, ông Năm Đông sẽ điềm nhiên hưởng thụ thành quả sau nhiều năm lao động vất vả, vậy mà ông vẫn nuôi ý định ấp ủ từ nhiều năm trước là sẽ trồng thành công cây quýt đường trên vùng đất Thới Long. Ông Năm Đông chịu khó bỏ công sang tận Đồng Tháp để tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng quýt ở một số người bạn làm ăn, người quen. Trở về, ông thuê đất để trồng khoảng 1hecta quýt đường và 1,2 hecta cam sành. Sau 3 năm đầu tư, vườn quýt đường của ông đã cho trái chiếng. Ngay vụ đầu tiên đã trúng đậm, được mùa, được giá. Không chỉ khiến người khác cảm phục ý chí nghị lực và đầu óc kinh doanh nhạy bén hiếm có, ông Năm Đông còn được bà con xa gần yêu quý bởi bản tính khẳng khái, luôn sẵn sàng cứu giúp người hoạn nạn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn. Mỗi năm, số tiền mà ông đóng góp để làm đường, xây cầu và cất nhà, chăm lo cho bà con nghèo gần trăm triệu đồng...

Trước khi chia tay, ông Năm Đông cho biết, mình còn một kế hoạch dài hơi và lớn lao hơn, đó là kết hợp với những người bạn làm ăn thuê những diện tích đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang hoặc bà con khai thác không hiệu quả để cải tạo lại và trồng những cây đặc sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Thật đáng quý biết bao tấm lòng của một con người trót nặng nợ với nghề nông và cũng thật đáng quý thay tấm lòng của người con dành cho quê hương, xứ sở. Ông Năm Đông bảo, mình có niềm đam mê rất lớn đối với nghề nông, dù làm vườn hay nuôi cá, một khi ông đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Đó cũng là kinh nghiệm, là bí quyết mà ông Năm Đông muốn chia sẻ với những bạn trẻ, những ai đang tìm hiểu, muốn làm giàu trên chính quê hương với nghề nông- vốn được xem là nghề chịu nhiều rủi ro, luôn được nhắc đến với "điệp khúc" quen thuộc là "trúng mùa, rớt giá, đầu ra bấp bênh...".

Bài, ảnh: TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết