06/12/2013 - 08:09

Người chuyên “gỡ khó” cho nông dân

Đó chính là ông Nguyễn Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng, người có giải pháp xuất sắc vượt qua 146 giải pháp đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng chế năm 2013 với sáng chế "Máy gặt đập lúa". Đây là cuộc thi mang tầm quốc tế do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Ông cũng là tác giả của nhiều sáng chế rất hữu ích, thiết thực với người nông dân.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, như bao đứa trẻ khác, hồi ấy ông vừa đi học, vừa phụ giúp gia đình việc đồng áng. Từ nhỏ chứng kiến tận mắt những vất vả của người nông dân nên khi trưởng thành, có được kiến thức về khoa học, ông Thắng tìm tòi, nghiên cứu…, áp dụng những kiến thức học được để sáng chế ra những chiếc máy đơn giản, trọng lượng nhẹ nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao, phục vụ sản xuất cho nhà nông. Sản phẩm đầu tiên của ông là chiếc máy sạ hàng, giúp người nông dân tiết kiệm lúa giống. Tiếp đến là máy phun xịt dung dịch, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu cho nhà nông. Thời đó, ông thành lập Công ty Nhựa Hoàng Thắng ở TP Hồ Chí Minh chuyên sản xuất các loại máy trên. Sau một thời gian, vì đường chuyên chở máy về miền Tây khá xa nên năm 2003 ông chuyển công ty về Cần Thơ trụ sở đặt ở Quốc lộ 91, khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ông Thắng tiếp tục sản xuất các loại máy, nghiên cứu chế tạo máy gặt, đập lúa liên hợp.

Máy gặt đập lúa của ông Nguyễn Hoàng Thắng trình diễn cho nông dân xem. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lao động nông thôn càng ngày càng khan hiếm, thanh niên bỏ đồng ruộng lên thành thị kiếm sống. Trong khi, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân gieo sạ hàng loạt để tránh dịch, bệnh. Vào vụ lúa chín, hàng loạt cánh đồng không thu hoạch kịp thời, lúa phải chín rục ngoài đồng do không tìm được nhân công thu hoạch. Tệ hại hơn khi mưa gió ập xuống cây lúa bị ngã đổ làm cho nông dân thêm thiệt hại. Ảnh hưởng thời tiết chênh lệch khá cao giữa ngày và đêm sẽ tạo nên các vết nứt trên hạt gạo làm giảm chất lượng hạt gạo, giá trị xuất khẩu không cao… Trăn trở từ thực tế, ông Thắng thai nghén ý tưởng tạo ra một sản phẩm giúp cho người nông dân thay thế được công lao động, giảm chi phí hao hụt, nâng cao năng suất. Máy gặt đập lúa là thành quả của ông Thắng sau 4 năm (2006-2010) miệt mài nghiên cứu với bao công sức đầu tư. Đây là chiếc máy gặt đập liên hợp dễ sử dụng, có thể hoạt động trên ruộng lúa bị nghiêng ngả, ngập lún, giảm tỷ lệ hạt hư hỏng sau khi thu hoạch thấp hơn và giữ hạt lúa sạch. Cấu thành máy nhẹ nên di chuyển trên địa hình sình, lầy dễ dàng hơn những máy khác. Ông Nguyễn Hoàng Thắng cho biết: Máy gặt đập lúa của ông sáng chế hoạt động như những loại cùng loại trên thị trường. Điểm khác biệt là cấu tạo bên trong, buồng đập của máy, gồm: sàn, trục, răng đập có bố trí răng vũ. Với cấu tạo này, máy giúp đập hạt lúa ra khỏi bông lúa một cách nhanh và nhẹ nhất. Dù giảm sức đập nhưng vẫn tuốt ra nhiều hạt lúa, tiết kiệm nhiên liệu, vừa giảm thất thoát lúa. Sau khi đập sạch bông lúa, các răng vũ bên trong máy làm thay đổi đường đi, bông lúa bung ra, tuốt sạch các hạt lúa còn sót lại; đồng thời giúp hạt lúa thoát ra khỏi sàn nhanh hơn, tránh theo rơm ra ngoài gây thất thoát. Máy gặt đập của ông được Trung tâm giám định máy nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giảm thất thoát dưới 3% (tỷ lệ này của các loại máy ngoại nhập là 3-5%). Ước tính, năng suất lúa trung bình của vùng ĐBSCL khoảng 8 tấn/ha, sử dụng máy này giảm thất thoát khoảng 240 kg/ha, với giá lúa ước khoảng 5.000 đồng/ký, nông dân sẽ tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng máy gặt đập trên 3,6 triệu ha lúa ở vùng ĐBSCL, qua một mùa vụ tiết kiệm một khoản tiền đáng kể. Có những tính năng ưu việt và vượt trội so với các loại máy ngoại nhập, song giá bán máy gặt đập liên hợp này trên thị trường chỉ 300 triệu đồng/cái, chỉ bằng nửa giá tiền so với các loại máy ngoại nhập. Chính vì vậy, máy gặt đập lúa của ông Thắng xuất sắc giành giải nhất về giải pháp sáng chế trong Cuộc thi Sáng chế năm 2013. Về thành tích đạt được, ông Thắng chia sẻ: "Khi sáng chế máy gặt đập lúa, tôi chỉ nghĩ làm thế nào để giúp bà con nông dân giải quyết được vấn đề nhân công và giảm hao hụt, chưa từng nghĩ sẽ đoạt giải thưởng này. Đây là bất ngờ lớn và là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những nỗ lực của tôi".

Để gặt được "trái ngọt" như hôm nay, ông Thắng trải qua con đường lắm chông gai. Ông Thắng cho biết: Là cuộc thi sáng chế nên những sản phẩm tham dự phải có tính mới và hữu dụng. Suy nghĩ tìm tòi ý tưởng mới đã khó, tạo ra một sản phẩm càng khó khăn gấp nhiều lần. Không chỉ vậy, để có sản phẩm hoàn thiện ứng dụng vào thực tế cần phải trải qua các công đoạn thử nghiệm, thực nghiệm trên các cánh đồng. Phải tính làm thế nào để sản xuất máy có giá thành rẻ, nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. Khó khăn nhất là giới thiệu sản phẩm đến người nông dân. Bởi thông thường người nông dân "nhìn thấy mới tin". Vì vậy, công ty phải mang máy đi khắp nơi để trình diễn cho bà con thấy được quy trình hoạt động, hiệu quả và độ bền của máy. Tuy nhiên, đến mùa vụ, có nơi nông dân đã thuê máy gặt, công ty phải đưa máy đi nơi khác, có được nơi trình diễn phải năn nỉ và trả tiền cho nông dân để được vào gặt lúa. Qua mỗi lần thực nghiệm, chỉ cần có sai sót hoặc chưa hài lòng ông phải bỏ máy cũ, làm lại máy hoàn toàn mới. Điều khó khăn là mỗi lần chỉnh sửa, nâng cấp thì phải đợi đến mùa vụ thu hoạch lúa mới thử nghiệm được nên khiến cho việc chế tạo máy kéo dài thời gian và tốn không ít chi phí... Dù khó khăn chồng chất, nhưng ông Thắng vẫn quyết tâm vượt qua để cho ra sản phẩm hoàn thiện phục vụ bà con nông dân.

Với những sản phẩm như: dụng cụ gieo hạt thẳng hàng, thiết bị phun xịt dung dịch, máy gặt đập lúa..., Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng đã đồng hành cùng bà con trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, là người bạn tin cậy của nông dân khu vực ĐBSCL. Song, đây chưa phải là điểm dừng vì ông Thắng cho biết: Hiện máy móc của công ty phục vụ bà con từ khâu gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch, chỉ còn khâu bảo quản. Hai năm qua ông đã "đâm chồi" ý tưởng sáng chế máy sấy lúa di động để bà con không phải mất công đem lúa đến nhà máy sấy lúa. Máy này có thiết kế gọn, nhẹ, di động có thể sấy được nhiều loại nông sản, chẳng hạn: lúa, cà phê, các loại hạt ngũ cốc và cả thủy sản… Ý tưởng này đã có giải pháp chỉ còn khâu "biến" thành sản phẩm thực tế. Tuy nhiên trong giai đoạn kinh tế khó khăn, ông chưa có điều kiện tài chính thực hiện bởi chi phí đầu tư gấp 2 lần máy gặt đập lúa. Và sản phẩm này chỉ thành hiện thực khi ông cân đối được tài chính và có sự hỗ trợ từ các cấp, ngành.

Việc đưa máy móc vào nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp là cần thiết để giúp người nông dân giảm đi thất thoát khi thu hoạch. Hy vọng trong tương lai gần, chiếc máy sấy di động của ông Nguyễn Hoàng Thắng sẽ có mặt trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa…

TUYẾT TRINH

 

Chia sẻ bài viết