27/06/2012 - 10:10

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

3- Châu Văn Liêm - người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Bên cạnh hình ảnh là một thầy giáo có tinh thần yêu nước, Châu Văn Liêm còn là một nhà cách mạng tích cực. Đồng chí đã đứng ra thành lập nhiều tổ chức yêu nước như “Việt Nam phục quốc Đảng” (tại Nam Nhã Đường Cần Thơ), “Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên” (1926), tiệm thuốc Bắc “Việt Hưng Đường” ở Thới Lai, Ô Môn. Bề ngoài, tiệm thuốc với danh nghĩa bán thuốc Đông y nhưng bên trong là nơi liên lạc, phổ biến sách báo tiến bộ.

Năm 1927 tại Long Xuyên, Châu Văn Liêm được đồng chí Nguyễn Ngọc Ba - một cán bộ của Kỳ bộ Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội Nam kỳ từ Sài Gòn về gần gũi, giúp đỡ, bồi dưỡng những nhận thức mới cho anh. Thay mặt tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đồng chí Ngọc Ba đứng ra kết nạp Châu Văn Liêm vào Hội.

Được trở thành hội viên, Châu Văn Liêm rất vinh dự, tự hào nhưng cũng nhận thấy trách nhiệm khá nặng nề. Đồng chí nghĩ rằng, chỉ có một tổ chức với đường lối đúng đắn dẫn dắt, có chương trình hành động cụ thể thì cách mạng Việt Nam mới thành công. Từ đó, đồng chí nguyện đem hết sức mình đấu tranh để góp phần xây dựng, phát triển Hội. Châu Văn Liêm hoạt động bí mật trên vị trí nhà giáo công khai ở Long Xuyên có rất nhiều thuận lợi. Đồng chí gần gũi và hiểu biết được cảnh nghèo khổ của nhân dân, luôn được nhân dân tin yêu, che chở. Từ thuận lợi đó, đồng chí đã tổ chức được nhiều hội viên và cơ sở hội.

Nhờ quá trình hoạt động tích cực của mình, tháng 3-1929, Châu Văn Liêm được chọn đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng - Bí thư Kỳ bộ Nam kỳ tại Hương Cảng (Trung Quốc). Sau đại hội, Châu Văn Liêm được cử làm thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”. Từ năm 1929 trở đi, các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân ngày càng có tổ chức và mang tính tự giác cao. Trước phong trào cách mạng ngày càng phát triển sâu rộng, cần có một tổ chức thích ứng hơn với tình hình mới, đòi hỏi có Đảng tiên phong đủ sức lãnh đạo công cuộc cách mạng trong nước - đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”, sau khi về nước, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một phiên họp vào ngày 7-8-1929 ở Sài Gòn, tại “Phong cảnh khách lầu”. Hội nghị đề xuất việc ra đời của một tổ chức mới là “An Nam Cộng sản Đảng” và được tất cả đại biểu nhất trí. Sau khi bế mạc hội nghị, đồng chí trở về địa phương tuyển chọn những hội viên Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội xứng đáng và chọn những người yêu nước, trung thành, tiêu biểu kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tại cơ sở thì thành lập Chi bộ Đảng. Đồng chí đã tổ chức kết nạp đảng viên và lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở cơ sở. Tại ngã tư Long Hồ (Vĩnh Long), đồng chí Châu Văn Liêm đã giới thiệu kết nạp Nguyễn Văn Nhung và Nguyễn Văn Thiệt vào An Nam Cộng sản Đảng, thành lập Chi bộ Đảng ở Long Hồ. Ba tháng sau, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng - cơ quan Trung ương của An Nam Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư tổ chức này.

Bấy giờ, ở nước ta có ba tổ chức Đảng cùng hoạt động, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Từ nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc theo dõi phong trào cách mạng trong nước và thấy đã đến lúc phải hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành một Đảng thống nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân, chống lại sự chia rẽ lực lượng cách mạng - đây cũng là điều Châu Văn Liêm hằng mong ước. Ngày 3-2-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản tổ chức hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng Cộng sản ở trong nước tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị này.

Thành công của hội nghị đem lại cho Châu Văn Liêm một nghị lực mới, đồng chí tâm đắc về những điều mà nhân dân Việt Nam từ lâu mong ước đã được Đảng thấu suốt, thể hiện ra đường lối, chủ trương để trở thành hiện thực. Sau hội nghị thành lập Đảng, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được giao nhiệm vụ tiến hành hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang đến Cà Mau.

Ngày 24-2-1930, cùng với Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam (vì lúc hội nghị hợp nhất Đảng, đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp). Sau khi hoàn thành việc thống nhất Đảng ở Nam Kỳ, Châu Văn Liêm nhận nhiệm vụ phụ trách liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn.

Bấy giờ, phong trào đấu tranh của quần chúng thuộc các tầng lớp nhân dân lao động nghèo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tại khu vực Gia Định - Chợ Lớn, các cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra liên tục. Ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm thuế, không bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Trong lúc đối mặt với quân thù Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng bạo tàn của tên cảnh sát thực dân Đờ rơi (Dreuil) ở tuổi 28 tràn đầy nhiệt huyết.

Hoài bão của đồng chí Châu Văn Liêm đã và đang được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện. Tiếp tục xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.

III- Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn và nguyện noi theo tấm gương sáng của đồng chí

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm trong bối cảnh cả nước và thành phố đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại cuộc đời cách mạng cao cả của người cộng sản kiên trung - Châu Văn Liêm, đó là hành động có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh và khẳng định những hy sinh cao cả của người đối với dân tộc ta; qua đó bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Tiếp nối truyền thống và khí phách của tiền nhân, mỗi người chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân; nghiêm túc trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tinh thần tự học tập, rèn luyện... gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống hàng ngày. Giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ ngày càng giàu mạnh.

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY

Chia sẻ bài viết