08/05/2017 - 13:44

Người chép sử bằng ảnh

Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức triển lãm ảnh "60 năm cầm máy của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh". Xem ảnh, thế hệ hôm nay hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, được nghệ sĩ Võ An Khánh chép lại bằng khoảnh khắc trong cả thời chiến lẫn thời bình.

250 tác phẩm được giới thiệu, dù chỉ là lát cắt nhỏ trong số hàng ngàn bức ảnh được nghệ sĩ Võ An Khánh sáng tác suốt 60 năm cầm máy, song cũng thể hiện tâm huyết của ông. Ngày khai mạc triển lãm, trên chiếc xe lăn, ông rạng rỡ và "trẻ" hơn so với tuổi 80 của mình. Trả lời báo chí, ông nói: "Đời cho tôi nhiều lắm, tôi mang nợ đến trả cả đời mà không hết. Vậy nên tôi không dám cho phép mình nghỉ ngơi, còn sống là còn cầm máy". Quả vậy, bên ngôi nhà nhỏ ở nội ô Bạc Liêu, lối xóm vẫn thấy ông lão ngồi xe lăn cầm máy ngắm hoa lá, chim muông… Tâm hồn thơ mộng luôn dạt dào trong ông- người nghệ sĩ từng xông pha chiến trường.

Nghệ sĩ Võ An Khánh (ngồi) và đại biểu xem triển lãm ảnh. Ảnh: NHƯ Ý

Bắt đầu cầm máy từ năm 1957, từng ở tuyến đầu của những chiến trường ác liệt vùng Tây Nam bộ, mỗi bức ảnh của nghệ sĩ Võ An Khánh là một câu chuyện, chân thật và sinh động. Có lần chúng tôi tham quan Di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước (Phú Tân- Cà Mau) và xem những bức ảnh của ông treo tại Nhà trưng bày, trong đó có ảnh "Phóng lựu đạn vào đồn địch bằng nạng giàn thun- một sáng kiến độc đáo của chiến tranh nhân dân" chụp vào năm 1972. Ai cũng khâm phục trước sáng kiến độc đáo và hiệu quả này. Câu chuyện cho thấy sức mạnh đằng sau những bức ảnh của Võ An Khánh. Hay tấm ảnh "Trạm quân y dã chiến" được Võ An Khánh chụp tháng 9-1970, ghi lại khoảnh khắc bác sĩ, y sĩ ta đang bì bõm trong rừng tràm ngập nước, phẫu thuật cho chiến sĩ bị thương. 30 năm sau, tháng 4-2000, bức ảnh được tờ The New York Times đăng lại và đánh giá xuất sắc. Còn với tác phẩm "Cứu trẻ em và phụ nữ" của nghệ sĩ Võ An Khánh, chụp vào tháng 1-1971, là câu chuyện về du kích ấp 7, Khánh Lâm- Cà Mau dùng súng trường bắn đuổi trực thăng Mỹ, để cùng moi hầm sập cứu 17 người toàn trẻ em và phụ nữ. Bức ảnh ghi lại cảnh 17 con người "từ cõi chết trở về" đầy thất thần, sợ hãi khiến người xem xúc động.

Ảnh chiến trường của nghệ sĩ Võ An Khánh còn là câu chuyện về những con người trong và sau cuộc chiến. Như bức "Đơn vị nữ pháo binh Cái Nước trên đường ra trận" (1973) với cô gái đi đầu là Huỳnh Thị Dung. 45 năm sau, thấy hình mình treo tại triển lãm, bà Dung đã bùi ngùi nhớ lại thời tuổi trẻ, nhớ đồng đội đã hy sinh và bà cũng không quên cảm ơn người cầm máy, mà bà gọi thân thương là chú Tám. Hay là bức ảnh về cô du kích xinh đẹp tên Huờn ở Cà Mau và bức ảnh dung nhan cô bị hủy diệt sau khi trúng bom napalm, khiến người xem xúc động. Rồi mấy mươi năm sau, nghệ sĩ Võ An Khánh lại về Cần Thơ, tìm nhân vật ảnh của mình năm xưa để thăm hỏi và ghi lại bức ảnh hiện tại của cô Huờn. Cô Huờn nói: "Cứ nghĩ chụp rồi thôi, không ngờ anh Tám còn nhớ tới mình".

80 tuổi đời, 60 năm cầm máy, nghệ sĩ Võ An Khánh đã dành cả đời mình cho nhiếp ảnh. Những tác phẩm của ông- những trang sử càng nhìn, càng quý sẽ còn sống mãi với thời gian, với thời kỳ hào hùng của Tổ quốc.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết