02/05/2010 - 20:58

Ngọt nồng cơm rượu Cần Thơ

Xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) hiện có hơn 70 gia đình làm nghề cơm rượu. Trong đó, có không ít gia đình nhiều thế hệ đã gắn bó với nghề này từ hàng chục năm nay. Với đôi bàn tay khéo léo và sự siêng năng, cần cù của những phụ nữ nơi đây, nghề cơm rượu vừa góp phần đem lại nguồn thu nhập ổn định vừa tạo hương vị truyền thống ngọt ngào, nồng ấm đặc trưng cho quê hương Cần Thơ.

Những viên cơm rượu được gói trong những mảnh lá chuối xanh để giữ nguyên hình dạng và độ thơm nồng sau khi thành phẩm.

* Tiếng thơm...

Góp mặt vào văn hóa ẩm thực vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều năm nay, tiếng thơm của cơm rượu xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt (cũ) nay là huyện Cờ Đỏ, ngày càng vang xa. Tháng 11 năm 2009, TP Cần Thơ đã đăng ký xây dựng thương hiệu 6 sản phẩm đặc trưng vùng sông nước miền Tây. Trong đó, cơm rượu xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ vinh dự là 1 trong số 6 sản phẩm đặc trưng này. Điều này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển làng nghề cơm rượu truyền thống nơi đây. Ấp Thạnh Phước và Thạnh Phước 2 là 2 ấp liền kề nhau của xã Trung Thạnh hiện có hơn 70 gia đình làm cơm rượu từ nhiều năm qua, hình thành làng nghề đặc trưng của xã Trung Thạnh nói riêng, TP Cần Thơ nói chung.

Ngày cuối tháng 4-2010, chúng tôi đến ấp Thạnh Phước 2, tìm gặp bà Hà Thị Đào (bà con lối xóm quen gọi là bà Ba Tại), 70 tuổi, được xem là người làm cơm rượu lâu đời nhất ở đây. Tên tuổi của bà được nhiều người biết đến còn vì cơm rượu do bà làm ra có hương vị đậm đà rất riêng. Trong lúc trò chuyện, nhắc lại lịch sử xuất hiện nghề này ở đây, bà Ba nói: “Tôi không biết trước đây ai đã truyền nghề cho mẹ tôi và các cô, các chị ở xóm này. Nhưng từ lúc mới về làm dâu, tôi đã thấy mẹ chồng chèo xuồng đi đến các nơi như: Cờ Đỏ (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Rạch Giá (Kiên Giang)... bán những ổ cơm rượu do chính bà làm ra. Không lâu sau, tôi được mẹ chồng truyền nghề lại và kể từ đó, tôi đã gắn bó với nghề này đến giờ”. Lúc còn trẻ, bà Ba cũng như nhiều phụ nữ khác trong xóm, thức dậy từ lúc trời còn khuya để vò cho xong những ổ cơm rượu trước khi trời sáng. Cứ mỗi sớm tinh mơ, bà lại tất tả bưng thau cơm rượu đã được làm từ 3 hôm trước đi bán dọc theo các chợ, bến xe và những khu vực đông dân cư ở Long Xuyên, Rạch Giá... đến khi hết cơm rượu (khoảng 16-17 giờ) mới quay về. Hình ảnh những người phụ nữ đội hoặc bưng thau cơm rượu ngọt nồng từ vùng quê của Thốt Nốt đi bán dạo dần trở thành hình ảnh quen thuộc của nhiều người lao động ở các địa phương lân cận. Bà Ba Tại đi bán cơm rượu dạo từ trẻ cho đến lúc hơn 60 tuổi mới nghỉ. Từ đó, bà bắt đầu nhận đặt hàng của các mối bán cơm rượu lẻ. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, số lượng cơm rượu bà làm ra mỗi ngày một nhiều hơn do cơm rượu ngày càng được nhiều người ưa thích.

Muốn làm cơm rượu được ngon, theo bà Ba Tại, trước tiên phải chọn loại nếp thật rặt (không lộn hạt gạo tẻ nào) và loại men thật ngon (men khô và thơm) lấy từ Long Xuyên về. Nếp đem ngâm từ chiều hôm trước, đến sáng hôm sau đem xôi cho chín, sau đó rút nếp lại với nước sạch, để thật ráo rồi tiếp tục xôi lần thứ 2. Men cà nhuyễn, trộn đều vào mâm xôi. Muối hột rang hết nổ, sau đó đem nấu kỹ, lược lại nhiều lần cho nước muối thật sạch và trong thì mới có thể dùng để thấm tay trong lúc vò cơm rượu. Lá chuối xiêm lau thật sạch rồi xé nhỏ để gói cơm rượu, giúp các viên cơm rượu không bị dính, nát lúc múc ra chén. Với lại, mùi thơm của lá chuối hòa quyện với mùi thơm cơm rượu tạo ra một hương vị rất độc đáo. Bà Ba Tại chia sẽ: “Làm cơm rượu, mỗi khâu đều phải chú ý giữ vệ sinh thật sạch sẽ, có vậy thì cơm rượu thành phẩm mới thơm ngon. Gia đình tôi chỉ cho phép người lớn vò cơm rượu chứ không để trẻ con vò”. Gia đình bà hiện tại có 5 người cùng tham gia vò từ 5-6 ổ cơm rượu/ngày (mỗi ổ cơm rượu làm từ 5 lít nếp). Công việc bắt đầu từ 1 giờ khuya và hoàn thành khoảng 5-6 giờ sáng. Cơm rượu sau khi vò xong, để vào sọt tre hoặc nhựa đã lót sẵn lá chuối, rồi đậy nhiều lớp lá chuối cho thật kín, để qua 3 đêm là có thể đem bán. Cơm rượu thành phẩm có màu trắng đục, nổi rõ trên những mảnh lá chuối xanh, nước cơm rượu xăm xắp, thật trong, có vị ngọt thanh, thơm nồng.

Với tiền lời từ 15.000 đến 20.000 đồng/ổ (đối với những gia đình làm cơm rượu bỏ mối cho các mối bán lẻ) hoặc từ 30.000 đến 40.000 đồng/ổ (đối với những gia đình vừa làm, vừa bán), nghề làm cơm rượu đã góp phần ổn định cuộc sống người dân nơi đây. Mỗi ngày, đối với những gia đình làm cơm rượu với số lượng nhiều, số tiền lời kiếm được, có thể trang trải đủ các chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Bà Hà Thị Đào (bà Ba Tại) với công đoạn ủ kín những ổ cơm rượu vừa làm xong.

* Bước chuyển của làng nghề

Trải qua hàng chục năm phát triển nghề cơm rượu, hiện nay, xóm nghề cơm rượu Trung Thạnh đã có sự thay đổi khá rõ rệt, từ khâu làm ra sản phẩm đến khâu tiêu thụ trên thị trường. Trong số hơn 70 gia đình làm nghề cơm rượu, đến nay, đã có hơn 10 hộ chuyên làm cơm rượu thuê, bỏ mối cho những người bán lẻ.

Như phần lớn các gia đình làm nghề cơm rượu ở ấp Thạnh Phước, gia đình anh Lê Văn Thanh - chị Võ Thị Chon vào ban ngày khá vắng vẻ vì chị Chon đi bán cơm rượu ở trung tâm TP Cần Thơ. Sau thời gian vừa làm, vừa bán, mất nhiều thời gian, không đem lại nhiều thu nhập, chị Chon quyết định thuê làm cơm rượu, chị chỉ chuyên đi bán. Chị cùng một vài chị em khác ở cùng xóm đến trung tâm TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều) mướn nhà trọ làm chỗ trú chân sau một ngày đi bán cơm rượu khắp các con đường nội ô. Mỗi tuần, chị tranh thủ về nhà 1 lần. Cách 1 ngày, chồng của chị đi lấy khoảng 4 ổ cơm rượu rồi gởi theo xe đò đến trung tâm thành phố cho chị. Từ ngày đi bán cơm rượu, thu nhập của gia đình anh chị được cải thiện hơn. Anh Thanh cho biết: “Nghề bán cơm rượu là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình tôi. So với làm thuê, mức thu nhập từ bán cơm rượu ổn định hơn rất nhiều, có thể trang trải tương đối đầy đủ các chi phí ăn uống hàng ngày của gia đình”. Hiện tại, theo ước tính của các gia đình có người đi bán cơm rượu ở trung tâm TP Cần Thơ, cả xóm nghề có hơn 10 chị đang ở trọ tại quận Ninh Kiều, kiếm sống bằng nghề bán cơm rượu Trung Thạnh và mặt hàng này có mặt trên hầu khắp các ngõ hẻm, con đường của trung tâm thành phố.

Tên tuổi cơm rượu xã Trung Thạnh ngày càng được nhiều người biết đến, đem đến nguồn thu nhập ngày càng cao và ổn định cho các gia đình từ lâu gắn bó với nghề làm ra món ăn quê hương độc đáo, khi đặc sản này bước đầu xuất hiện trong siêu thị ở TP Cần Thơ. Chị Phan Thị Tuyết Nhung, ngụ ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, chuyên nghề bán cơm rượu, khoảng 2 năm nay đã đưa cơm rượu vào bán ở siêu thị Maximark Cần Thơ. Trong một lần tình cờ, nhân viên của siêu thị ăn cơm rượu của chị bán ở khu vực gần đó, thấy ngon nên ngỏ ý mua cơm rượu của chị bày bán trong siêu thị. Kể từ đó, chị cung cấp cơm rượu liên tục hàng tháng cho siêu thị Maximark.

Điều đáng mừng hơn, các gia đình gắn bó với nghề làm cơm rượu của xã Trung Thạnh đều có ý thức giữ gìn nghề truyền thống. Bà Ba Tại cho biết: “Tôi năm nay đã 70 tuổi nhưng tôi không hề nghĩ sẽ bỏ nghề. Đến lúc tôi trăm tuổi, các con và cháu tôi vẫn có thể tiếp tục kế thừa nghề làm cơm rượu của gia đình”. Hiện tại, anh Trịnh Văn Đạt, con trai út của bà, cùng vợ và các con đã được mẹ truyền đạt bí quyết làm cơm rượu ngon và có thể làm được cơm rượu thành phẩm ngon như cơm rượu của bà Ba Tại.

Chị Nguyễn Thị Tảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Thạnh cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì xã nhà có đến 2 món ăn được TP Cần Thơ chọn đăng ký thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng sông nước miền Tây là cốm và cơm rượu. Tuy nhiên, vì hầu hết các gia đình làm cơm rượu theo hướng tự phát, đầu ra chưa ổn định nên thu nhập chưa cao. Để giải quyết vấn đề trên, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đang có kế hoạch thành lập tổ hùn vốn phụ nữ tiết kiệm dành cho các chị em làm nghề cơm rượu. Bên cạnh đó, UBND huyện Cờ Đỏ cũng đang có chính sách hỗ trợ các gia đình thành lập làng nghề truyền thống của xã, góp phần giữ gìn và phát triển làng nghề ngày càng vững mạnh, giúp bà con có thu nhập cao hơn”.

Bài, ảnh: ANH SƠN 

Chia sẻ bài viết