16/11/2017 - 16:04

Ông Hồng Văn My, Nguyên Trung úy Đại đội phó Đại đội C823, Thành đội Cần Thơ:

Ngời sáng tinh thần chiến đấu ngoan cường 

Chú My nhớ về những đồng đội cùng tham gia chiến đấu năm xưa.

Tôi tham gia hoạt động cách mạng ngày 20-2-1965, đã sống và chiến đấu trực tiếp trên tuyến Lộ Vòng Cung trong giai đoạn 1965-1968. Tôi đã  chứng kiến cuộc sống, chiến đấu với bao gian khổ, hy sinh, mất mát mà các cán bộ, chiến sĩ ta đã trải qua ở “vành đai lửa”.

Thiếu thốn trăm bề

Nỗi đau mất mẹ và em gái do địch bắn chết đã thôi thúc tôi gia nhập đơn vị địa phương quân Ô Môn (thuộc F14 Đặc công) vào năm 21 tuổi. Đa số các trận đánh của đơn vị gắn liền với Lộ Vòng Cung. Lúc đó, hầu như ngày nào cũng có tiếng bom đạn nổ vang rền. Ban ngày thì địch bắn phá liên tục, ban đêm thì trực thăng quần thảo trên đầu, chúng chiếu đèn thấy căn chòi nào là bắn, ném lựu đạn căn chòi đó. Các trận càn quét của địch cũng diễn ra thường xuyên.

Trong điều kiện chiến đấu ác liệt như vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ ta rất mưu trí, sáng tạo, tùy theo địa hình mà có những cách đánh khác nhau. Lúc thì kích mìn để làm nổ xe địch, lúc thì đánh trực tiếp tiêu diệt địch. Tôi làm nhiệm vụ cứu thương nên trong các trận đánh, tôi đều theo sát đơn vị để trực tiếp cứu chữa cho các chiến sĩ. Việc cứu chữa cho thương binh trên chiến trường phải linh hoạt, nhiều lúc nẹp cây không có phải dùng súng trường để nẹp cố định vết thương ở chân, tay cho chiến sĩ. Những trường hợp máu chảy nhiều phải kịp thời cầm máu, khiêng về  đơn vị để cứu chữa. Thời điểm đó, thiếu ăn là chuyện thường xuyên, một tháng có đến 15 ngày thiếu đói, đa phần phải ăn độn khoai, củ chuối. Còn thuốc men cho chiến sĩ cũng thiếu thốn tứ bề. Địch kiểm tra rất nghiêm ngặt. Một người dân thường mà mua 2 lọ kháng sinh là đã bị bắt. Vì vậy, có những lúc tôi và tổ y tế phải dùng nghệ, mật ong để chữa lành vết thương cho chiến sĩ. Hay sử dụng nước dừa thay nước biển. Dù cuộc sống vô cùng gian khổ, thiếu thốn nhưng đồng đội rất thương yêu nhau. Lúc thiếu lương thực thì phần thức ăn luôn ưu tiên cho các chiến sĩ bị thương để họ mau bình phục. Bên cạnh đó, nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, vẫn bám trụ vùng đất này để bảo bọc và tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng…

Một trận đánh ác liệt

 Kể về Lộ Vòng Cung thì phải nói đến sự ác liệt của các trận đánh. Có một trận đánh mà tôi nhớ mãi không quên đó là trận đánh “Đoàn Bình Định” đóng tại rạch Cái Đình, ấp Thới An, xã Giai Xuân (lúc trước là huyện Châu Thành, sau là huyện Vòng Cung cũ) vào năm 1967. Lực lượng nầy thường mặc đồ đen, mang súng ngắn. Chúng đóng quân trong nhà dân để nắm tình hình, tác động tư tưởng, chiêu dụ, lấy lòng  dân. Chúng có khoảng 60 tên và có một đại đội Bảo An  yểm trợ  khoảng 120 tên. Khi ấy, đơn vị Tiểu đoàn Tây Đô (do đồng chí Bành Tửu là Tiểu đoàn trưởng) nghe thông tin “Đoàn Bình Định” đến đóng quân  nên đưa 2 đội trinh sát của Tây Đô và F14 địa phương quân Ô Môn cùng cán bộ xã Giai Xuân phối hợp nghiên cứu, nắm đầy đủ tình hình hoạt động của chúng, từ nơi đóng quân, quân số, vũ khí trang bị, việc bố trí ăn ở, đường đi nước bước… Điều nghiên xong, Tiểu đoàn Tây Đô đưa lực lượng cùng với địa phương quân F14 về đóng ở ấp Trường Tây (rạch Ba Mít), xã Trường Thành, Thới Lai.

 Lúc này, quân Tây Đô có 120 đồng chí, F14 địa phương quân Ô Môn 25 đồng chí. Hai đơn vị lên phương án đánh khoảng 11 giờ, nhưng trước giờ xuất quân, địch đã đưa máy bay ném bom nhiều đợt, trúng vào đội hình của ta, làm chìm 3 xuồng hậu cần chở  đạn dược, khí tài và một số đồng chí hy sinh. Khi bom vừa dứt, ta triển khai phương án vượt lộ Vòng Cung (cách đồn cầu Nhiếm 800m, cách Trung đoàn của Sư 21 là 1.200m) đánh địch đóng phía trên rạch Tre. 12 giờ khuya, ta tiếp cận trận địa, đưa từng mũi nhọn tiêu diệt địch. Đến 2 giờ sáng, ta thu được nhiều vũ khí, bắt sống nhiều tù binh. Tuy nhiên, ta không ngờ khi ta đi điều nghiên đã bị lộ, cho nên địch đã điều một tiểu đoàn Bảo An 400 quân củng cố công sự vững chắc. Khi ta tiếp cận đưa nhiều mũi nhọn đánh vào chúng, chúng phản kích quyết liệt. Ta tổ chức đánh nhiều đợt nhưng không chiếm được trận địa. Đến 4 giờ 30 sáng thì chỉ huy ra lệnh rút quân. Ta rút quân từ rạch Cái Đình về tới lộ Vòng Cung chưa được nửa đường thì trời đã sáng. Đường đi rất khó khăn, quân ta khiên võng, kè, cõng nhiều thương binh nên di chuyển rất chậm. Khi gần tới lộ Vòng Cung thì gặp Trung đoàn của Sư 21 (gần 400 tên) án ngữ, chặn đường vượt qua sông về căn cứ của ta. Phía sau lưng một tiểu đoàn Biệt động theo lối mòn tấn công quân ta. Lúc này, Chỉ huy của ta tổ chức chiến đấu, tập trung hỏa lực đánh bật địch chiếm một khoảng không gian rộng, mở đường đưa bộ đội vượt sông trở về căn cứ.

Trong trận đánh nầy, địch chết và bị thương khoảng 50-60 tên, ta hy sinh cũng nhiều. Qua trận nầy, ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong tổ chức, tác chiến. Sau trận này, tôi được điều đi học lớp đào tạo y tá 6 tháng và trở về đơn vị chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chia sẻ bài viết