Chùa Phước Minh, còn được người dân địa phương gọi chùa Bà Vú, tọa lạc ở ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, là điểm hành hương cổ kính, mang nhiều nét riêng ở vùng sông nước cù lao Chợ Mới, An Giang.
Tượng gốm trang trí bên ngoài Bửu Tháp.
Đại đức Thích Thiện Kim, trụ trì chùa cho biết, Hòa thượng khai sơn Thích Kim Thành sáng lập chùa khoảng những năm 1925-1927 và đặt tên tự Phước Minh. Ban đầu chùa được dựng đơn sơ bằng tre lá trên nền đất đắp cao ven kênh Xẻo Vải. Ðến năm 1929, chùa được trụ trì Thích Kim Thành và các Phật tử xây cất mới. Ðến năm 2017 chùa xuống cấp nhiều, nên Ðại đức Thích Thiện Kim đứng ra xây lại chính điện, sân chùa khang trang như hôm nay.
Tương truyền rằng sau một thời gian lập chùa Phước Minh, thì một hôm có một người đứng tuổi đến tá túc ở chùa và chữa trị cho trẻ con bị bệnh trong xóm. Tất cả trẻ con được bà nhận nuôi và chữa trị đều mau chóng khỏi bệnh. Tiếng lành đồn xa, người ta từ đó gọi là bà là Bà Vú với sự kính trọng và nể phục. Nhiều bật cao niên trong vùng vẫn còn nhớ những mẩu chuyện về bà với phong thái quý phái, đầu đội khăn xếp hoặc mão có hoa văn rất đẹp. Hiện nay ở khu vực xung quanh chùa vẫn còn nhiều người xưa kia được Bà Vú nhận nuôi và đặt tên. Họ xem bà như người mẹ cả, mỗi dịp lễ kỵ đều đến chùa cúng bái rất trang nghiêm.
Theo những tư liệu còn lưu lại ở chùa thì Bà Vú tên thật là Nguyễn Ân, sinh khoảng năm Tân Hợi (1851), quê gốc ở Bạc Liêu, sau về Chợ Gạo, Tiền Giang sinh sống. Ðến khoảng năm 1927, bà đến chùa Phước Minh ở cù lao Giêng sống và hành đạo. Bà mất ngày 23 tháng 3 khoảng năm Ðinh Dậu (1957), thọ 107 tuổi. Bà yên nghỉ bên trong Tháp Cửu Trùng ở phía trước sân chùa Phước Minh ngày nay.
Bửu Tháp Cửu Trùng là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, đậm chất Bắc Bộ, khá lạ ở vùng sông nước Cửu Long. Bửu Tháp được ông Tạ Thắng Ðức (1898-1964) thiết kế và đứng ra xây dựng. Ðược biết ông Tạ Thắng Ðức là một điền chủ giàu có ở miệt Sóc Trăng, trong một lần lâm trọng bệnh, ông được chỉ đến xứ cù lao Giêng để được chữa trị. Ðược Bà Vú chữa trị, các Phật tử ân cần chăm sóc, ông Ðức sau khi khỏi bệnh đã xin ở lại chùa làm công quả. Ông cho người đem đất ruộng chia cho dân nghèo, chỉ chừa lại một phần cho con cháu. Gom góp tiền, ông thiết kế và cho người xây dựng cổng tam quan chùa và Bửu Tháp Cửu Trùng. Ðến nay, mộ ông Ðức vẫn còn ở khuôn viên chùa, đầu mộ hướng về phía Bửu Tháp.
Một góc chùa Bửu Tháp.
Bửu Tháp Cửu Trùng cao khoảng 19m, được xây dựng bằng chất liệu gạch đất nung và vôi vữa (vôi bột nung + nước ô dước + mật đường mía). Tháp gồm có 8 mặt tương xứng theo thuyết bát quái, mỗi mặt có ô thông gió hình chữ Thọ cách điệu. Tháp gồm 9 tầng, độ lớn của chín tầng nhỏ dần theo tứ tự từ dưới lên trên. Mỗi tầng có mái lợp ngói âm dương, đầu mái cong vút, đắp phù điêu hình đầu chim phụng. Ðỉnh tháp có tượng bông ben với tám tượng rồng chầu về tám góc, trên là một cái bát quái. Tháp được quét vôi, xung quanh có hàng rào, nhiều năm trôi qua rêu phong rất cổ kính.
Bên trong Bửu Tháp là mộ Bà Vú. Mộ được trang trí bởi gạch men cùng nhiều tranh kiếng vẽ cảnh “Bát quái”, “Bát tiên”, “Ðiện Ngọc Hoàng”, “Long Lân Quy Phụng” và nhiều tranh phong cảnh. Trên mộ đắp thảm bát quái và đài sen cách điệu hình đèn kéo quân, mỗi mặt là một di ảnh của bà được lồng trong tranh kiếng và trang gỗ chạm trổ tinh xảo.
Phía trước Bửu Tháp hiện nay còn một cổng tam quan, 3 cửa là ba vòm cung với 6 nóc cổ lầu. Tả hữu có tượng chim phụng, trên cùng có tượng “Long chầu nguyệt”. Ở chính giữa và hai bên có tranh kiếng vẽ cảnh “Bát tiên quá hải”, “Long Lân Quy Phụng” và “Phước Lộc Thọ”… cùng biển đề chữ Hán đắp nổi “Phước Minh Tự”.
Vì sao cổng tam quan và Bửu Tháp Cửu Trùng nơi đây lại mang đậm chất Bắc Bộ? Ðến nay vẫn chưa ai lý giải được. Song ở giữa một vùng sông nước cù lao, giữa những tán cây xanh là một ngọn tháp rêu phong cao vút; cổng tam quan uy nghiêm, cổ kính cùng những câu chuyện cứu giúp người từ lâu đã tạo nên sự phong phú cho bề dày văn hóa địa phương, là chỗ dựa tâm linh và niềm tự hào của cư dân xứ sở.
Bài, ảnh: ÐỨC VINH