04/03/2024 - 17:42

Nghĩa tình ở xứ cù lao 

Tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Diệp Bần Cò mang tên "Nghĩa tình" (NXB Đồng Nai) bàng bạc những câu chuyện tình người, tình xứ sở, ngay trên quê hương anh - mảnh đất Cù Lao Dung bần soi bóng nước. Gấp quyển sách lại, người đọc phải gật gù mà rằng: "Đúng là nghĩa tình thiệt!".

Tập truyện "Nghĩa tình".

"Nghĩa tình" mở đầu tập truyện ngắn với truyện ngắn cùng tên. Tác giả mở đầu bằng cách kể về quê hương: "Rạch Bần Cò quanh co và hẹp. Vậy mà xuồng ghe không ngớt qua lại mỗi khi con nước lớn…". Từ đó, câu chuyện về ông Sáu Đất cứ miên man theo mạch văn chậm rãi, hiền hậu. Ông Sáu Đất quê Bình Định, trôi dạt về xứ cù lao, nhận cù lao làm quê hương. Ở đó, ông sống bằng nghĩa tình của người cù lao và rồi, ông lại cho đi bằng chính nghĩa tình mà ông đã nhận. Cách đối đãi với chàng trai tên Phước là ví dụ. Truyện không có nhiều cao trào, cũng không có bất ngờ, nhưng khiến người đọc say sưa bằng cái tình dung dị ấy.

Chia tay ông Sáu Đất, bạn đọc lại gặp trong "Nghĩa tình" những mẫu người như thế. Đó là một vị Sư Bà trong "Tình lỡ" hay ông lão đờn kìm, ông Hai Củi trong "Xóm Củi"… Đó còn là cô gái Thủy Liễu lòng trung trinh tiết liệt trong "Mỗi mùa bông bần nở", mà vẻ đẹp tâm hồn cô chân chất, nồng nàn như bông thủy liễu (tên gọi khác của cây bần) trên đất cù lao.

Nhân vật trong "Nghĩa tình" không có quá nhiều cá tính, mà là sự đôn hậu bao trùm. Bối cảnh trong "Nghĩa tình" bàng bạc xứ sở cù lao với bần, rạch, sông… Cái hay của tác giả Diệp Bần Cò là không làm người đọc chán. Như thấy cái nghĩa xứ sở, cái tình cù lao qua 10 truyện ngắn. Và, cũng phải công nhận rằng, người đọc có thể cảm nhận được nghĩa tình của chính tác giả gửi gắm qua con chữ.

Bút danh Diệp Bần Cò là chọn lựa của thầy giáo sinh năm 1977 Đỗ Ngọc Diệp khi khởi sự văn chương. Đơn giản, đó là anh Diệp ở rạch Bần Cò, bút danh đặt nên bằng niềm tự hào về quê hương của anh, xứ sở Cù Lao Dung xanh ngát những rặng bần, soi mình trên sông nước. Trong tác phẩm của mình cũng vậy, anh không viết đâu xa mà từ những điều bình dị ngay chính quê hương mình. Như trong phần "Lời bạt" cho tập truyện, nhà văn Võ Diệu Thanh đã viết: "Đọc "Nghĩa tình" của Diệp Bần Cò không hình dung nơi đó có biển. Tôi nghe ngọt lành chân chất một miền Tây của những cánh cò, của những cánh đồng, những bưng đìa và những dòng kênh ăn thông với những con sông no dòng nước ngọt. Bởi tôi thấy một Cù Lao Dung thấm ngọt trong giọng văn chân chất của tác giả Diệp Bần Cò".

Tác giả Diệp Bần Cò hiện là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, và là Phân Hội trưởng Phân Hội Văn học tỉnh Sóc Trăng. Anh từng là đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, năm 2011; Giải Nhì Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2010; Giải Ba (không có Nhất và Nhì) Cuộc thi Truyện ngắn tỉnh Sóc Trăng mở rộng năm 2010…

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết