21/01/2017 - 16:25

Nghi thức đón giao thừa trong đêm trừ tịch

Nguyễn Ngọc

Tết Nguyên đán là tiết lễ đầu tiên trong năm, bắt đầu từ lễ trừ tịch, đón giao thừa. Nguyên nghĩa là khởi nguồn, Đán có nghĩa là buổi sáng sớm. Tết Nguyên đán có nghĩa là một buổi sáng khởi nguồn cho một năm. Người Việt xem đây là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm, ngày của đoàn tụ, sum họp.

Thời khắc kết thúc năm cũ, mở đầu năm mới người ta gọi là giao thừa. Theo Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh, giao thừa có nghĩa cũ giao lại, mới tiếp lấy. Ở xã hội hiện đại, chúng ta có vô vàn câu trả lời cho câu hỏi: "Làm gì vào lúc giao thừa?". Nhưng người xưa, chỉ có một việc là làm lễ đón giao thừa, còn gọi đêm trừ tịch.

Đêm trừ tịch đối với bao thế hệ người Việt thật thiêng liêng.

Ý nghĩa của lễ đón giao thừa, đêm trừ tịch

Trừ tịch, theo "Việt Nam phong tục" của cụ Phan Kế Bính (viết năm 1915, cách nay hơn trăm năm): "Ba mươi tháng Chạp là ngày trừ tịch. Tịch là chiều hôm, trừ hết năm cũ sang năm mới. Lại có nghĩa là một ngày trừ khử ma quỷ. Nguyên tục này bên Tàu, ngày xưa cứ về hôm ấy thì dùng 120 đứa trẻ con độ 9 - 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi, vừa đánh để trừ khử ma quỷ, cho nên gọi là trừ tịch". Có trừ tịch thì mới có nguyên đán- một buổi sáng khơi nguồn cho năm mới.

Cũng theo cụ Phan Kế Bính, viết về Tết Nguyên đán cách nay hơn thế kỷ: "Mùng một đầu năm là Tết Nguyên đán. Tết này ăn to hơn cả các Tết trong năm. Trước Tết nửa tháng, nhà nào, nhà nấy rộn rịp sắm Tết, nào người mua tranh, mua pháo, nào người mua vàng hương, mã mùng, đường mứt, bánh trái… Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Những người đi buôn bán hoặc làm ăn xa xôi, đâu đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết. Cách Tết vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh, treo liễn, trang hoàng lịch sự".

 Lễ Trừ Tịch trong thời khắc Giao thừa của người Việt. Ảnh: Thái Lộc/Tuổi Trẻ.

Cụ Phan Kế Bính còn kể rằng, nửa đêm 30 rạng ngày mùng Một, ở thành phố, nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Về dân thôn thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành khiển (quan văn của thiên đình), Hành binh (võ quan) và Phán quan (vai trò như thẩm phán tòa án) được Ngọc Hoàng cử trông coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế tiễn đưa ông cũ mà đón ông mới.

Thời khắc giao thừa

Giao thừa là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 (tháng đủ) hoặc 29 (nếu tháng thiếu) của tháng Chạp và giờ Tý, ngày mùng Một, tháng Giêng năm sau.

Những năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng tính giao thừa lấy mốc 0 giờ. Thực ra đó mốc đổi ngày tính theo dương lịch. Còn âm lịch, mốc chuyển ngày giữa giờ Hợi ngày trước và giờ Tý ngày hôm sau dịch chuyển theo mùa.

Trong cách tính giờ trong âm lịch, có người ngộ nhận nên cứ lấy giờ chẵn tính đúng giờ theo can chi, cộng trừ 1 giờ hiện đại để làm mốc giới hạn. Cụ thể: 0 giờ là giờ chánh giờ Tý (mốc tính từ 23 giờ ngày hôm trước đến 1 giờ sáng ngày hôm sau); chánh giờ Sửu 2 giờ sáng (từ 1 đến 3 giờ); hay đúng Ngọ 12 giờ trưa (mốc 11 giờ đến 13 giờ)… Cách tính ấy chỉ đúng vào tháng 4 và tháng 6 mà thôi. Theo cách tính giờ âm lịch theo mùa, tháng Giêng giờ Tý bắt đầu từ 23 giờ 30 đến 1 giờ 30.

Như vậy người Việt trước đây đón giao thừa sớm hơn hiện nay 30 phút.

Nghi thức cúng giao thừa trong đêm trừ tịch

Theo Toan Ánh, một nhà nghiên cứu phong tục, thì nghi thức gồm thức cúng và văn khấn. Người gia trưởng (ở gia đình), thôn trưởng (ở đình làng) được xem là người chủ tế.

Thức cúng, gồm một bàn hương án được kê ra giữa sân, trên hương án có đỉnh trầm hương, hoặc lư hương thắp hương tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm (hoặc bình hương) có 2 ngọn đèn cầy hoặc đèn dầu. Lễ vật chính là đầu heo hoặc con gà luộc kèm theo xôi. Bên cạnh đó là trầu cau, hoa quả, bánh chưng, mứt kẹo, trà, rượu… đặc biệt có vàng mã và bài vị của Đại vương Hành binh, Hành khiển, Phán quan của năm mới.

Ngày nay, tại tư gia hoặc đình làng còn lễ này nhưng đơn giản hơn nhiều. Người ta kê một cái bàn, có nơi cái ghế trên để cái mâm. Đỉnh trầm thay bằng lon gạo cắm nhang, đốt một cây đèn cầy. Trong các lễ vật nêu trên có gì cúng nấy nhưng không đầy đủ như ngày xưa. Có người cũng chẳng biết năm nay ông nào hành binh hành khiển, mà có kiếm bài vị của ông ấy cũng không có ai biết viết chữ Nho.

Trong Nam bộ, lễ giao thừa kết hợp với lễ dựng nêu, nên có thêm lá bùa dựng nêu vẽ tứ tung, ngũ hoành, hình bát quái, với bốn chữ Nho: Trinh, Lợi, Ngươn, Hanh. Đó chính là 4 chữ hào từ của quẻ Thái trong Kinh Dịch. Lễ dựng nêu thuần Việt cũng được đạo Lão hóa từ lúc nào.

Lễ giao thừa, hay trừ tịch vốn là đón ông Hành binh, Hành khiển của năm mới, vì thế theo Toan Ánh, văn khấn như sau:

"Nước Đại Việt, năm Đinh Dậu, ngày mùng Một, xuân tiết.

Đệ tử (hay con là: tên họ, quê quán, hiện cư ngụ tại), cùng toàn thể gia quyến đồng cúi đầu kính bái.

Kính cẩn dâng lễ vật gồm có hương đèn, trà rượu, trầu cau, hoa quả và phẩm vật thủ vĩ (hoặc gà luộc) dâng lên tôn thần.

Vọng bái:

Trước bệ ngọc,

- Đức Tề Vương hành khiển, Ngũ Miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan tại vị!

- Đức Thành hoàng bổn cảnh tại vị

- Đức Thổ địa nơi đây tại vị

Cầu chư vị chứng giám!

Chư vị phù hộ cho toàn gia chúng tôi, từ già đến trẻ quanh năm được tăng phúc tăng thọ, người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông".

Mỗi năm khác nhau ứng với hành khiển, hành binh, phán quan trong bảng ở cuối bài.

Song song đó, gia chủ cũng cúng ông Địa, ông Táo, lời khấn tương tự như vậy.

Sau nghi thức này mới cúng gia tiên.

Ngày xưa cúng giao thừa từ 23 giờ 30, khi vào giờ Tý, kéo dài đến 0 giờ 30, chánh Tý thì xem như thời khắc giao thừa đã xong, năm mới bắt đầu.

Có người làm lễ xuất hành (thường coi tuổi và hướng xuất hành đầu năm). Chủ yếu chọn hướng xuất hành, rồi đi đến một ngôi chùa, ngôi miếu nào đó để cầu cho gia đạo bình an. Có thể hái lộc và xin một nén hương (xin lửa) về đốt hương trước bàn thờ gia tiên. Cách làm này cũng là cách tự xông đất đầu năm, để lỡ có người nặng bóng vía chúc Tết sớm vô tình xông đất sẽ xui cả năm.

 

Chia sẻ bài viết