19/12/2022 - 13:15

Nghi ngờ sốt xuất huyết, đến ngay cơ sở y tế 

Bài, ảnh: H.HOA

Khi bị sốt, mệt mỏi, nhức đầu… nhiều người lầm tưởng mình bị cảm cúm, sốt siêu vi, nên chủ quan tự mua thuốc uống. Bệnh ngày càng nặng, đến lúc không chịu nổi mới nhập viện và được chẩn đoán sốt xuất huyết (SXH) thì bệnh đã trở nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ kiểm tra lăng quăng tại trường học.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ kiểm tra lăng quăng tại trường học.

Anh Huỳnh Văn Nám, ở trọ tại đường Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vừa xuất viện sau 4 ngày điều trị bệnh SXH ở Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Trước khi nhập viện, anh Nám bị sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nên tự mua thuốc tây uống, nhưng bớt sốt rồi sốt lại. Sau 4 ngày sốt, anh Nám mệt lả, đau nhức toàn thân, không ăn ngủ được… nên gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán anh bị SXH. Anh Nám cho biết: "Tôi tưởng mình bị sốt thông thường, nếu biết SXH thì đã đi bệnh viện sớm hơn". Cũng lầm tưởng mình bị cảm, sinh viên Từ Thái Bảo, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ ở nhà uống thuốc. Đến lúc sốt quá cao, người thân đưa đi cấp cứu. Bảo phải nằm viện điều trị SXH 7 ngày.

Hay một người dân ngụ ở đường Võ Trường Toản cho biết: "Con gái tôi bị sốt, cháu tưởng mình bị cảm cúm nên tự mua thuốc uống. Uống bớt rồi sốt lại. Sợ bị COVID-19, cháu mua que về test, kết quả âm tính. Cháu vẫn cố gắng đi làm, chồng thấy mệt đưa đi bệnh viện khám, xét nghiệm; đang chờ kết quả xét nghiệm thì cháu đột ngột mệt nhiều, phải đưa vào cấp cứu, nằm viện điều trị SXH đến 2 tuần. Bác sĩ nói may là còn đưa đến bệnh viện, chậm trễ hơn là hết cứu". 

Hiện nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng để hạn chế diễn tiến nặng có thể xảy ra. Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.

Việc điều trị SXH phải tuân theo phác đồ chuẩn. Khi xác định dương tính với SXH, người bệnh sẽ được kê đơn điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú tùy thuộc vào tình trạng bệnh. “Tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị SXH tại nhà. Nguyên nhân là bệnh SXH do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này” - BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I khuyến cáo.

Theo tài liệu hỏi đáp về bệnh SXH của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, các triệu chứng điển hình của SXH là sốt cao 40 độ C, thường kèm theo ít nhất 2 triệu chứng như đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn hoặc nôn, nổi hạch, đau cơ, xương hoặc khớp, phát ban… Các triệu chứng của bệnh SXH giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong. Triệu chứng kéo dài từ 2-7 ngày. Người bệnh cần nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước, có thể uống Paracetamol để giảm sốt và làm dịu đau cơn khớp. Khi tiến triển nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng từ 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngoài ra cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo: đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi, bồn chồn… Đây có thể là dấu hiệu của SXH nặng, cần ngay lập tức đến cơ sở y tế.

Theo thống kê về tình hình dịch bệnh SXH của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, từ đầu năm 2022 đến ngày 14-12-2022, thành phố ghi nhận 6.668 ca SXH, tăng 5.871 ca SXH so với cùng kỳ 2021. Không có ca tử vong. Trong mùa dịch SXH, nếu sốt 2 ngày, khó hạ sốt, sốt tái đi tái lại thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, xét nghiệm. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, các ca tử vong do SXH phần lớn do đến viện muộn.

Muỗi vằn truyền bệnh SXH thường đốt vào ban ngày, tập trung vào sáng sớm và chiều lúc trời chạng vạng. Người dân cần dùng các loại nhang muỗi, bình xịt, vợt diệt muỗi; thoa thuốc muỗi… vệ sinh môi trường trong và ngoài nhà, thu gom, loại bỏ vật phế thải; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thay nước bình hoa…
Chia sẻ bài viết