19/01/2021 - 09:15

Nghị lực của ông Tám thương binh 

Rời chiến trường với tỷ lệ thương tật 81%, tưởng chừng ông Lê Văn Tám sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng với nghị lực phi thường, ông Tám đã vượt qua mất mát, đau thương, vươn lên trong cuộc sống.

Dù bom đạn lấy đi một phần cánh tay nhưng bằng nghị lực của mình, ông Tám có thể làm được tất cả mọi việc như người bình thường.

Năm 1983, ông Tám lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia và hoàn thành xuất sắc vai trò trinh sát tại Lữ đoàn trinh sát Mặt trận 779 (Quân khu 7). Một ngày giữa tháng 2-1986, trong một lần làm nhiệm vụ, ông Tám không may bị thương ở tay phải. Do điều kiện khó khăn tại chiến trường, vết thương dần hoại tử, các bác sĩ phải cắt bỏ một phần cánh tay bị thương của ông. Mất đi một phần thân thể, sau đó ông Tám được xuất ngũ trở về quê nhà ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Ông Tám kể, những ngày đầu trở về quê hương, ông rất mặc cảm khi thân thể không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, ông quyết không đầu hàng số phận mà tập để quen dần với cuộc sống khó khăn hiện tại. Hằng ngày, ngoài miệt mài tập luyện cầm, nắm và di chuyển các vật dụng sinh hoạt bằng tay trái và một phần tay phải còn lại, ông còn chú tâm tham gia học nghề tại các lớp hướng nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang tổ chức. Nhờ các lớp hướng nghiệp này mà ông có được nghề sửa điện, nước.

Hơn 10 năm qua, nghề sửa điện nước giúp ông có cuộc sống ổn định. “Do thân thể khiếm khuyết nên lúc đầu bà con ngại thuê tôi sửa chữa điện, nước. Tuy nhiên, sau khi tôi chứng minh được tay nghề của mình thì bà con ai cũng tin tưởng. Hiện nay gia đình nào ở địa phương bị hư hỏng điện, nước đều gọi điện thoại “đặt hàng”’ để tôi đến kiểm tra, sửa chữa. Do lịch hẹn dày đặc nên mấy hôm nay tôi đành khất lại vì một mình không làm xuể” - ông Tám kể.

Tiếng lành đồn xa, bây giờ khách hàng của ông Tám không chỉ là những gia đình trong xã, mà còn ở các xã lân cận. Ðể có được niềm tin của khách, khi làm việc ông Tám luôn đặt cái tâm lên trên hết. Kiểm tra các thiết bị, dây dẫn diện hay đường ống nước, phát hiện bị hư, ông mới báo giá cụ thể. Khi khách hàng thống nhất, ông sẽ tiến hành sửa chữa và luôn hoàn thành đúng tiến độ nên ai cũng hài lòng.

Hơn 20 năm qua, ngoài việc sửa điện, nước thì đặt trúm lươn là nghề mang lại thu nhập ổn định nhất cho ông Tám. Ông Tám cho biết mỗi ngày ông bắt được 3-4kg lươn đồng, với giá bán hiện nay khoảng 300.000 đồng/kg, ông kiếm được khoảng 1 triệu đồng. “Nghề đặt trúm bắt lươn đồng vừa nhàn, không mất nhiều thời gian nhưng có thu nhập cao. Tuy vậy nghề này không phải ai cũng làm được. Bởi từ khâu làm trúm, tạo mồi, rồi tìm mương nước để đặt… tất cả được xem là “bí quyết” riêng của mỗi người” - ông Tám cho biết.

Theo ông Tám, nhờ siêng năng lao động bằng những công việc vừa sức mà hàng chục năm qua, gia đình ông có cuộc sống ấm no. Với nguồn thu nhập ổn định, ông Tám không chỉ lo cho người con duy nhất việc học hành đàng hoàng, mà mới đây từ số tiền dành dụm, ông đã cất được căn nhà mới khang trang.

Ông Phan Văn Vững, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho biết: Ông Tám là công dân gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; dám nghĩ, dám làm và cần cù chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình. Việc ông vượt qua khó khăn của bản thân, nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống là một tấm gương điển hình cho lớp trẻ phấn đấu noi theo.

Bài, ảnh: THANH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết