TRẦN KIỀU QUANG
Chiếc chiếu gắn bó với con người từ thuở còn nằm nôi cho đến khi từ giã cõi đời, trong những sinh hoạt thường ngày, nên mới có câu “Sáng trăng trải chiếu đôi hàng/ Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ”. Nghề dệt chiếu vì vậy hình thành từ lâu đời với những câu chuyện thú vị.
Dệt chiếu ở Thường Thạnh, quận Cái Răng.
Ở Việt Nam, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống vốn có từ rất lâu và chưa xác định xuất hiện từ bao giờ, cũng như Tổ nghề thật sự là ai. Theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lê - Lý (thế kỷ X-XI), ở làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã bắt đầu dệt chiếu, rồi phát triển mạnh vào thời Hậu Lê (thế kỷ XV). Nghề dệt chiếu Hới thịnh đạt lúc bấy giờ là nhờ công lao của Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ (1457-?) người làng Hải Triều, huyện Ngự Thiêm, phủ Tân Hưng (nay là huyện Hưng Hà), tỉnh Thái Bình. Khi ông lớn lên, làng Hới đã có nghề dệt chiếu từ lâu. Nhưng chiếu dệt khung đứng, không có ngựa đỡ sợi. Khi đi sứ sang Trung Quốc, Phạm Ðôn Lễ đã tìm hiểu và học được bí quyết kỹ thuật dệt khung nằm, có ngựa đỡ sợi dọc, làm cho sợi đay căng, chao cói nhanh hơn và chiếu đẹp hơn. Ông đã phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật dệt mới cho nhân dân và cho cải tiến khung dệt. Dân làng tôn ông là ông Tổ nghề dệt chiếu, gọi ông là Trạng Chiếu và lập đền thờ sau khi ông mất(1).
Cũng như nhiều địa phương khác, nghề dệt chiếu ở Cần Thơ là một trong những nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành từ xa xưa. Ở Cần Thơ có nhiều gia đình làm nghề dệt chiếu và sống được bằng nghề này, vì vậy nhiều xóm nghề mọc lên. Hiện nay ở Cần Thơ có những xóm nghề dệt chiếu tiêu biểu ở Cái Chanh, Thạnh Hòa (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng), ở Kinh E (huyện Vĩnh Thạnh)... Nghề dệt chiếu ở Cần Thơ chủ yếu được trao truyền từ người này qua người khác, theo cách cầm tay chỉ việc. Ða số các xóm nghề dệt chiếu ở Cần Thơ do các di dân mang vào từ khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Chiếu được dệt ở Cần Thơ đáp ứng nhu cầu của thị trường về độ bền và đẹp; bỏ mối cho các tiệm tạp hóa, các sạp ở chợ, thương lái các nơi và những người bán lẻ chở xe đi bán khắp nơi. Có khi bán lấy tiền mặt, có khi đổi lúa, các hình thức giao thương này từng một thời sôi nổi ở Cần Thơ.
Nguyên liệu chính của nghề dệt chiếu là cây lác và cây bố. Cây lác có 2 loại: lác nước mặn và lác nước ngọt. Lác nước mặn dệt chiếu chắc, bền và đẹp hơn. Ban đầu lác mọc hoang. Ðể chủ động nguồn nguyên liệu, người ta bứng gốc về cấy dọc theo bãi bồi ven sông, rạch. Sau cấy khoảng 3 tháng, thu hoạch bằng cách dùng phảng phát ngang trên gốc; gốc lác còn lại sẽ nảy mầm, lên cọng cho những vụ thu hoạch sau. Sau vài ba vụ, lác xấu dần, cọng ngắn; người trồng phải bứng gốc, cấy lại gốc mới. Lác được phân loại ngắn, dài; sau đó, dùng dao nhỏ, nhọn chẻ lác, phơi 2-3 nắng cho khô, giũ sạch, bó lại, cất trữ trong bồ gọi là bồ lác, để dùng dần dần. Cây bố được trồng theo phương pháp cuốc đất, rải hạt. Khoảng 3-4 tháng thu hoạch, cây cao khoảng 2m, tuốt lấy phần vỏ từ gốc đến ngọn. Vỏ cây bố lại được tách ra thành 2 phần: phần trong màu trắng đục (ruột bố) và phần ngoài (vỏ bố); cả hai được phơi khô. Ruột bố phơi khô phải xé ra thành sợi nhỏ, lúc đầu dùng tay để xé, sau này mới có bàn cào răng nhỏ. Sợi ruột bố ngắn được xe lại (chắp trân) thành sợi dài, cuộn thành bánh. Chắp trân ban đầu cũng dùng tay, sau này mới có máy, dân nghề gọi là bàn chắp trân hay máy xe đay. Còn vỏ bố dùng đánh dây, quai chèo, đan võng… Dây trân được luồn qua bàn dập (lược, go) theo nguyên tắc sao cho khi thợ chuồi luồn cọng lác vào, thợ dập dập mạnh bàn dập vào, cọng lác sẽ được giữ chặt trên dưới. Toàn bộ dàn dây trân, bàn lược được căng trên hai cây đòn tròn, kéo thẳng trên 4 cây cọc ngắn ở bốn góc(2).
Dụng cụ dùng để dệt chiếu khá đơn giản lại rẻ tiền, gồm: khung dệt với những bộ phận tách rời nhau như cọc nêm, thanh đòn, bàn dập, ghế ngồi, cây chuồi và những dụng cụ hỗ trợ khác như: dao cạo bố, bàn xé bố, bàn chắp trân, dao chẻ lác, trái chỉ… Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo và lòng yêu nghề. Từng động tác phải được kết hợp hài hòa giữa hai người. Một người cầm bàn dập, người kia quấn đầu cọng lác vào đầu nhọn của cây chuồi để đưa xuyên qua hàng sợi dọc. Ðộng tác đưa cọng lác cũng giống như lao thoi để đưa sợi ngang trên khung dệt vải. Cứ trở đầu, một cọng lác mắc phía ngọn, rồi một cọng lác mắc phía gốc đưa vào liên tiếp như thế, chiếu dệt sẽ rất cân đối và phẳng mặt. Mỗi cọng lác xâu qua dây trân, người ta lại bẻ biên bằng chính đầu cọng lác ở hai bên gọi là làm diềm. Bàn dập trên khung dệt cùng lúc thực hiện hai chức năng, một là tạo sợi dọc thành long mốt, chia đều sợi dọc, hai là nêm chặt sợi ngang, tức là thực hiện việc đan xéo cọng lác với sợi trân, theo tay điều khiển của người thợ để tạo ra chiếc chiếu theo đúng yêu cầu nhà thiết kế.
Ðiểm đặc biệt của chiếu Cần Thơ là chuyên về chiếu trơn bởi sợi lác nước ngọt ở đây nhỏ, mịn và có độ trắng, sáng bóng cao. Ngoài chiếu trơn, ở Cần Thơ trước đây người ta còn dệt chiếu cổ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Chiếu cổ có bề ngang khoảng 6 tấc dùng trải trên giường thờ, bàn thờ trước khi dọn mâm trong các đám tiệc. Thợ chiếu ở Cần Thơ đôi khi cũng có dệt chiếu bông theo yêu cầu của khách với nhiều loại hoa văn, con cờ, mặt gối, mặt đệm, con lươn… bằng các màu xanh, đỏ, tím, vàng và màu trắng của lác tạo ra 5 màu, tượng trưng cho ngũ hành(3).l
----------
(1) Nguyễn Thị Vân Huệ, Nghề dệt chiếu thủ công truyền thống, http//www.baotangphunu.com. Ngày truy cập 16-3-2022.
(2) Ngọc Anh (2015), Làng nghề dệt chiếu Kinh E, Vĩnh Thạnh, báo Cần Thơ, số ra ngày 24 tháng 5, tr.8.
(3) Tư liệu Bảo tàng Cần Thơ.