19/04/2020 - 12:14

Ngành xuất bản sẽ chuyển mình? 

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, nhưng với ngành xuất bản, điều đó không hẳn xấu. Mặc dù dịch bệnh làm giảm hiệu quả kinh doanh trực tiếp, nhưng thay vào đó thị trường trực tuyến khởi sắc và tăng vọt. Điều này tạo bước đệm và thử thách để ngành xuất bản chuyển mình.

Giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, nhiều người lựa chọn đọc sách để giải trí, khiến thị trường sách gia tăng.

►Thị trường trực tuyến tăng đáng kể

Tháng 3, Waterstones - chuỗi nhà sách lớn nhất của Vương quốc Anh đóng cửa vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Thay vào đó, doanh số bán trực tuyến đã tăng 400% trong một tuần. Bán chạy là các tác phẩm kinh điển: “One Hundred Years of Solitude”, “El amor en los tiempos del cólera” của nhà văn Gabriel García Márquez, “Beloved” của Toni Morrison, “The Great Gatsby” của F. Scott Fitzgerald... Tiểu thuyết hiện đại “The Mirror and the Light” mới phát hành tháng 3 cũng bán rất chạy. Các dòng tiểu thuyết thuộc dystopia (chỉ xã hội phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ), như “The Handmaids Tale” của Margaret Atwood cũng được độc giả ưa chuộng. Theo báo cáo của Nielsen BookScan - cơ quan giám sát bán sách chính thức của Vương quốc Anh, doanh số các bộ tiểu thuyết: “War and Peace”, “The Lord of the Rings”, “In Search of Lost Time” rất cao. Nielsen BookScan ghi nhận doanh số trực tuyến sách giáo dục cho trẻ em tăng 234%, sách giáo khoa và hướng dẫn học tập tăng 77%, tiểu thuyết bìa mềm tăng 35%, sách nghệ thuật và thủ công tăng 38% và doanh số bán truyện viễn tưởng tăng 35%.

Ngoài mua sách trực tuyến, đã xuất hiện nhiều nhóm đọc sách trên mạng xã hội ở rất nhiều quốc gia. Cửa hàng sách của Blackwell ở Oxford đã ra mắt một nhóm đọc sách trên Facebook, họp trực tuyến mỗi thứ hai hằng tuần để thảo luận về những tiểu thuyết nổi tiếng, bắt đầu với “Pride and Prejudice” của Jane Austen. Bên cạnh đó, những người tham gia có thể đặt câu hỏi cho các tác giả tại chương trình phát trực tiếp trên Instagram hằng tuần. Yiyun Li, nhà văn người Mỹ gốc Hoa đã lập một câu lạc bộ sách ảo để cùng đọc bộ tiểu thuyết sử thi “War and Peace”.

Hãng Amazon (Mỹ) ghi nhận một sự thay đổi lớn về thị trường trực tuyến giữa lúc dịch COVID-19. Trong khi các đơn vị kinh doanh khác đang phải gồng mình chống chọi với việc duy trì thì Amazon có vẻ vẫn “sống khỏe” và có phần quá tải khi các đơn hàng tăng vọt. Amazon cần đến 100.000 lao động vào tháng trước và mới đây đăng tuyển thêm 75.000 người.

►Sự chuyển dịch đã được dự báo

Thực tế, ngành xuất bản đã có sự thay đổi trong khoảng 2 năm nay: không còn đứng im lệ thuộc vào thị trường kinh doanh truyền thống, mà đã từng bước chuyển dịch về nền tảng số. Một thống kê tại Mỹ - thị trường sách lớn nhất toàn cầu, cho thấy: tính đến năm 2018, doanh thu của ngành xuất bản sách tại Mỹ ở mức 25,8 tỉ USD, tổng số sách tiêu thụ đạt gần 2,71 tỉ bản. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp doanh số bán sách qua các kênh bán lẻ trực tuyến cao hơn so với các kênh bán lẻ truyền thống, đạt lần lượt là 8,03 tỉ USD và 6,9 tỉ USD. 

Cùng với sự phát triển của công nghệ, bạn đọc đang dần hướng tới các nền tảng đọc sách trực tuyến thay vì mua sắm tại các hiệu sách truyền thống. Theo thống kê, 75% người trưởng thành ở Mỹ đọc ít nhất một cuốn sách trong một năm, trong khi 98% người đọc cho rằng thói quen đọc sách hàng ngày đem đến niềm vui. Theo đó, chi tiêu cho việc đọc sách của mỗi người Mỹ ước tính khoảng 110 USD mỗi năm. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều người phải ở nhà và phụ thuộc vào các dịch vụ chuyển phát tận nơi; thị trường sách trực tuyến cũng được đà lên cao. Không chỉ riêng Amazon, nay Walmart cũng tham gia lĩnh vực này.

Tại châu Á, Nhật Bản đứng đầu về ngành xuất bản và tiêu thụ sách. Năm 2018, số lượng sách ở quốc gia này bán được là 572 triệu cuốn, với doanh thu khoảng 7 tỉ USD. Tăng trưởng ngành xuất bản là 2,3% và lợi nhuận đạt được tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2017. Những năm gần đây, thị trường xuất bản Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng với cuộc cách mạng số và thói quen đọc sách của người dân dần thay đổi, khiến sách in và sách điện tử có nhiều khác biệt. Cụ thể, năm 2014 được xem là năm sách in đạt doanh số cao nhất với 16 tỉ USD, còn sách điện tử khá khiêm tốn 1,1 tỉ USD. Tuy nhiên, từ năm 2015, sách in đã giảm nghiêm trọng và đến năm 2018, nó chỉ mang về khoảng 12,9 tỉ USD, trong khi đó sách điện tử lại tăng mạnh là 2,4 tỉ USD.

Sự chuyển đổi của các thị trường sách đứng đầu toàn cầu cũng cho thấy thay đổi của độc giả, họ đang dần chuyển sang môi trường đọc thuận lợi và tiết kiệm hơn.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Nytimes, The Guardian)

Chia sẻ bài viết