Nếu nhìn vào kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm, chắc hẳn mọi người đều lạc quan cho rằng, ngành tôm sẽ về đích sớm và vượt xa mục tiêu 4 tỉ USD trong năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp thì không nghĩ như vậy, bởi thị trường không đơn giản là phép tính cộng mà luôn tiềm ẩn những biến số khó lường và một trong những biến số đó đã bắt đầu lộ diện trong 2 tháng cuối của quý II-2022.
Thiếu tôm nguyên liệu
Lượng tôm về nhà máy không còn nhiều, thiếu tôm nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.
Biến số đầu tiên và cũng là thách thức lớn đặt ra cho các doanh nghiệp chính là việc thiếu tôm nguyên liệu. Thật ra, tình hình thiếu tôm nguyên liệu đã lờ mờ xuất hiện từ những ngày đầu tháng 5, khi số diện tích thả tôm còn chưa nhiều nhưng độ mặn trên các cửa sông đã về 0 phần ngàn và bệnh phân trắng, EHP xuất hiện nhiều tại các vùng nuôi, khiến nhiều diện tích phải “thu hoạch non”, còn số khác thì tạm ngưng chưa dám thả giống. Tại hội nghị khách hàng nuôi tôm do Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tổ chức tại Sóc Trăng vào ngày 3-7-2022, anh Công một hộ nuôi tôm ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cho biết, dù nuôi theo mô hình ao tròn nổi nhưng tôm nuôi của anh cũng bị bệnh phân trắng rất nhiều. Quay sang anh bạn đứng kế bên, anh Công cho biết thêm: “Như ông này, thả 2 triệu post mà thu chỉ có 8 tấn tôm cỡ 46-50 con/kg vì dính bệnh phân trắng”.
Theo báo cáo của 4 tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nuôi của 4 tỉnh này đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, sản lượng tôm 6 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau ước đạt 118.245 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; Bạc Liêu là 64.740 tấn, tăng trên 11%; Kiên Giang là 56.050 tấn, tăng 6% và Sóc Trăng là 51.554 tấn, tăng 13,46% so với cùng kỳ. Còn theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm tăng đến 33% so với cùng kỳ. Hay nói cách khác, nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp đã gần như không còn sau khi dồn lực tăng tốc ở 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, diện tích đang nuôi tôm hiện không nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định: “Sẽ thiếu tôm nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm”.
Nhiều thách thức
Theo đánh giá chung của VASEP, do thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu, nên xuất khẩu tôm trong tháng 5 và 6 có dấu hiệu chững lại so với 4 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 6, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận chỉ ở mức 1 con số. Riêng về khó khăn trong 6 tháng cuối năm, VASEP nhận định rằng, lạm phát giá và thiếu nguyên liệu chính là bài toán khó cho doanh nghiệp ngành tôm. Ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản Tài Kim Anh, ở Khu Công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng, cho rằng, ngành tôm sẽ đối diện với nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm, như thiếu tôm nguyên liệu dẫn đến giá cao, chi phí sản xuất tăng, tăng lương cho người lao động, lãi suất tăng, ngân hàng thắt chặt tín dụng… Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, bên cạnh những khó khăn trên, con tôm Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh lớn từ tôm của Ecuador, Ấn Độ ở thị trường Mỹ, nên ít nhiều tác động tiêu cực đến mặt bằng giá chung. Thứ hai, là vấn đề lạm phát cũng tác động đến tâm lý người tiêu dùng làm sức cầu không tăng như kỳ vọng nên giá tiêu thụ cũng khó có thể cải thiện theo hướng tăng thêm.
Cao điểm của ngành tôm thường rơi vào 6 tháng cuối năm, kể cả thu hoạch và chế biến, xuất khẩu. Hay nói cách khác, cả sản lượng thu hoạch lẫn chế biến, xuất khẩu đều sẽ tăng mạnh trong giai đoạn này và có tính quyết định đến hiệu quả của cả mùa tôm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tình hình thu hoạch tôm vẫn diễn ra khá yên ắng, dù theo lịch thời vụ, tháng 7-8 là cao điểm thu hoạch của mỗi vụ tôm. Ngay cả những nông dân nuôi tôm quy mô lớn theo quy trình công nghệ cao cũng thừa nhận, năm nay sẽ không có vụ thu hoạch rộ như mọi năm. Không những vậy, tôm cỡ lớn (20-40 con/kg) cũng không có nhiều, thay vào đó là tôm cỡ trung và cỡ nhỏ.
Trước những thách thức trên, ông Tài cho biết, sẽ tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp lại sản xuất, chuyển sang ưu tiên chế biến hàng giá trị gia tăng để giảm áp lực tôm nguyên liệu và tiết giảm các chi phí không cần thiết. Còn theo ông Hồ Quốc Lực, sách lược công ty là tăng cường tiêu thụ các thị trường phù hợp thế mạnh và có tỷ suất lợi nhuận tốt, đồng thời tiếp tục thả nuôi vụ 2 trên nền tảng tin tưởng vào quy trình nuôi đang có của mình. Với thế mạnh trình độ chế biến và linh hoạt thị trường, khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỉ USD đối với ngành tôm trong năm 2022 là không khó, nhưng cái khó là làm sao vượt qua được thách thức trên để tạo được bước nhảy xa hơn như kỳ vọng.
Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ