09/06/2019 - 08:01

Ngành thời trang đối mặt nhiều khó khăn 

Năm 2019 được dự đoán là không mấy dễ dàng với ngành thời trang và thực tế đang diễn ra cho thấy không ít thương hiệu điêu đứng, đóng cửa hàng loạt cửa hàng, thậm chí tuyên bố phá sản. Đứng trước sức ép này, ngành công nghiệp thời trang phải tìm kiếm hướng đi mới, những chiến lược cạnh tranh phù hợp với thị trường.

Các cửa hàng của Topshop sẽ phải đóng cửa tại Mỹ.

Các cửa hàng của Topshop sẽ phải đóng cửa tại Mỹ.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành thời trang toàn cầu ngày càng có sự phân cực rõ ràng: một bên là các hãng thời trang, nhà bán lẻ với mô hình kinh doanh lấy số lượng làm lợi nhuận; và một bên là các nhãn hiệu, thương hiệu giữ mức bình ổn bằng chiếc lược hình ảnh, chất lượng. Tuy nhiên, thách thức chung của ngành thời trang trong bối cảnh thị trường hiện tại là sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngoài cạnh tranh giữa các thương hiệu, các công ty thời trang còn bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng thương mại giữa các cường quốc và sự phát triển nhanh của thương mại điện tử. Phân tích của hãng tư vấn McKinsey & Company về tình hình ở 500 công ty thời trang, trong đó có khoảng 300 công ty được niêm yết công khai, cho thấy chỉ có khoảng 20% có thể mang đến lợi nhuận cho ngành thời trang, trong đó đa phần là những công ty thương hiệu hàng đầu. Một số thương hiệu thời trang thành công đáng chú ý có Inditex (công ty mẹ của Zara), H&M, Nike, Adidas, tập đoàn thời trang cao cấp LVMH, Richemont. Tuy doanh thu của họ không phải lúc nào cũng cao vượt trội so với các hãng khác, nhưng hoạt động hiệu quả và có lợi thế từ quy mô lớn.

Zara được đánh giá là hãng hoạt động hiệu quả tốt, còn Nike và Kering - công ty sở hữu Gucci và Balenciaga, là nhà xây dựng thương hiệu có những thành tích nổi bật trong ngành thời trang. McKinsey & Company cũng chỉ ra rằng, các thương hiệu cao cấp tập trung vào giá trị sản phẩm đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, những nhà sản xuất tầm trung phải chật vật cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại. Còn các công ty bán lẻ lại càng điêu đứng và thua lỗ. Phân tích còn cho thấy các công ty kinh doanh không hiệu quả đã gây thiệt hại 34% lợi nhuận của ngành. Số lượng các công ty thua lỗ lại ngày càng tăng, chỉ riêng giai đoạn 2010-2017, số công ty thua lỗ đã tăng gấp đôi. Theo một báo cáo gần đây từ Coresight Research, khoảng 5.994 cửa hàng của các công ty bán lẻ ở Mỹ sẽ đóng cửa trong năm 2019, cao hơn con số 5.864 cửa hàng trong năm ngoái.

Một trong những thương hiệu đóng cửa vì thua lỗ gây chấn động đó là Topshop, thương hiệu thời trang bình dân của Anh. Sau 10 năm có mặt tại Mỹ, Topshop đã đệ đơn phá sản tại Mỹ và chuẩn bị đóng cửa toàn bộ 11 cửa hàng của hãng tại đây. Chưa hết, Topshop lại tiếp tục có động thái đóng cửa thêm 2 cửa hàng tại quê nhà Anh quốc. Tuy đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Mỹ, nhưng Topshop (cùng với dòng thời trang nam giới Topman) vẫn sẽ tiếp tục duy trì hình thức bán hàng online cũng như phân phối sản phẩm qua các đối tác bán buôn tại Mỹ, ví như Nordstrom. Ông Ian Grabiner, Giám đốc điều hành Arcadia (tập đoàn sở hữu Topshop), cho biết: “Trong xu hướng bán lẻ đối mặt nhiều thách thức, người tiêu dùng thay đổi thói quen và cạnh tranh trực tuyến ngày càng tăng, chúng tôi đã nghiêm túc xem xét tất cả các lựa chọn chiến lược để có thể đưa ra quyết định phù hợp. Đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết trong thời điểm này”.

Một thương hiệu thời trang khác cũng điêu đứng như Topshop là Payless ShoeSource. Payless ShoeSource đang đóng hàng loạt các cửa hàng ở Bắc Mỹ vì thua lỗ. Payless ShoeSource vừa cập nhật số liệu sắp tới hãng có thể đóng cửa đến 2.500 cửa hàng trên toàn cầu. Ngay cả thương hiệu thời trang cao cấp của Victoria Beckham cũng thua lỗ trong những năm gần đây.

Trước tình hình này, các nhãn hiệu, thương hiệu công ty thời trang đang có những thay đổi mới về chiến lược kinh doanh. Nhiều chi nhánh đã có dịch vụ vận chuyển từ cửa hàng, chương trình thu thập dữ liệu từ Internet, cũng như điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với xu hướng của thời trang. Đó là những công cụ cần thiết cho các thương hiệu để tồn tại. Zara, H&M, Nike, Adidas…đều có những chiến lược thương mại điện tử phù hợp và thu lợi rất nhiều từ điều này. Đây là chiến lược tiếp cận người mua nhanh và hiệu quả nhất hiện nay.

BẢO LAM (Tổng hợp Quartz, Business of Fashion, Variety)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ngành thời trang