10/01/2019 - 08:32

Ngành công thương phấn đấu đạt tăng trưởng cao 

Thời gian qua, các cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại-dịch vụ tại TP Cần Thơ không ngừng được đầu tư nâng cấp, phát triển. Ngành công thương đã nỗ lực chủ động phối hợp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương mại dịch vụ, khuyến khích khởi nghiệp và thu hút đầu tư...

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

 

 

Kết quả tích cực

 Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 8 khu công nghiệp tập trung: gồm Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B, Thốt Nốt giai đoạn 1, Thốt Nốt giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Ô Môn. Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã thu hút được 240 dự án, thuê 399,78 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,68 tỉ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 1,002 tỉ USD chiếm 59,70% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện thành phố cũng có 18 siêu thị, trung tâm thương mại, trên 67 cửa hàng tiện ích và 107 chợ truyền thống tại các quận, huyện.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, sản xuất công nghiệp của thành phố năm qua  đạt mức tăng trưởng khá tốt và có một số sản phẩm đạt tăng trưởng khá cao như: may mặc, thủy sản đông lạnh, thức ăn thủy sản, dược phẩm, bia đóng lon… Nguyên nhân tăng của các sản phẩm do doanh nghiệp đã áp dụng các dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất để hạ giá thành sản xuất, nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm và không ngừng quan tâm phát triển hệ thống phân phối, tạo thuận lợi đầu ra sản phẩm. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ trong năm 2018 đã tăng 8,15% so với năm trước, vượt so với mức kế hoạch được giao là 7,3%. Trong đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: công nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 9,91%, sản xuất đồ uống tăng 8,53%, sản xuất trang phục tăng 32,96%, hóa dược và dược liệu tăng 7,41%...

Với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở hoạt động thương mại-dịch vụ, Cần Thơ thu hút  nhiều người tiêu dùng và khách du lịch trong và ngoài nước đến thành phố tham quan và mua sắm hàng hóa, nhất là người dân tại các tỉnh ĐBSCL. Nhìn chung, giá cả hàng hóa trong năm  tương đối ổn định, lượng hàng hóa dồi dào phong phú, đảm bảo nhu cầu sản xuất, mua sắm và tiêu dùng của người dân. Công tác kiểm tra, quản lý thị trường được tăng cường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng chủ động có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Năm 2018, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 120.510 tỉ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ, vượt 2,47% kế hoạch năm (kế hoạch là 117.600 tỉ đồng).

Hoạt động xuất khẩu của thành phố trong năm qua cũng rất thành công khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt mức cao kỷ lục từ trước trên nay, với ước thực hiện là 2.070,65 triệu, tăng 13,17% so năm trước, vượt 15,68% so với kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.650 triệu USD, tăng 14,61% so với năm trước, vượt 17% so với kế hoạch; dịch vụ thu ngoại tệ ước đạt 420,57 triệu USD, tăng 7,88%  so với năm trước, vượt 10,68% so với kế hoạch. Theo Sở Công thương, xuất khẩu tăng do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có đầu ra tốt và thành phố cũng tiếp tục  thêm được các sản phẩm xuất khẩu mới và thị trường mới. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực của thành phố là gạo và thủy sản tăng 4,59% so với năm trước, còn hàng may mặc tăng 24,78%, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến tăng 25,64%, lông vịt tăng 80,37%...

Trong nhiều năm qua, TP Cần Thơ luôn duy trì cán cân xuất khẩu siêu. Năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của thành phố ước thực hiện 450,27 triệu USD, tăng 5,23% so với năm trước, vượt 12,57% so với kế hoạch. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là  máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nguyên liệu vải, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thuốc trừ sâu…

Nỗ lực duy trì mức tăng trưởng cao

Ngành công thương phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm 2019  tăng 8,20% so với ước thực hiện năm 2018. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 8,30%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,50%, cung cấp nước và quản lý xử lý rác thải tăng 6,30%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2019 đạt 132.862 tỉ đồng, tăng 10,25% so với ước thực hiện năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ phấn đấu đạt 2.200 triệu USD, tăng 6,28% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1.750 triệu USD, tăng 6,06% và dịch vụ thu ngoại tệ đạt 450 triệu USD, tăng 7,14% so với ước thực hiện năm 2018. Theo ông Trần Thủ Nguyễn, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH trái cây Mekong,  bên cạnh nhiều cơ hội do hội nhập mang lại, năm nay việc xuất khẩu các loại nông sản của TP Cần Thơ và cả nước nói chung dự  báo cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là bối cảnh cuộc “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và Trung Quốc  diễn biến phức tạp.  Để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm trái cây sấy khô, cùng với việc khai thác tốt thị trường truyền thống là Trung Quốc, Công ty đang tích tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới.

 Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, tích cực “đồng hành” cùng doanh nghiệp và người dân trong tháo gỡ khó khăn và quan tâm tạo các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương thành phố cũng  rất mong có sự phối hợp tốt của các doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển chung. Sở  đã giao các chỉ tiêu cụ thể cho từng phòng và đơn vị trực thuộc sở và yêu cầu phải có kế hoạch thực hiện cụ thể cho cả năm và từng quý, từng tháng để đảm bảo hoàn thành. Đồng thời, yêu cầu phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục.

Để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2019, Sở Công thương TP Cần Thơ cũng xác định tiếp tục khai thực hiện tốt các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành, lĩnh vực đã được Trung ương và thành phố phê duyệt. Tích cực phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan  để xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư  phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại và dịch vụ logistics. Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và khả năng cạnh tranh khi gia nhập thị trường quốc tế. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại...  

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết