22/09/2019 - 07:40

Ngăn nhũng nhiễu, giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Trong 8 tháng năm 2019, số vốn doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh mới trên địa bàn TP Cần Thơ tăng 69,7% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 8 tháng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 925 DN các loại hình, đạt 54,41% kế hoạch năm, tổng vốn đăng ký 8.462 tỉ đồng, vượt gần 20,1% kế hoạch đề ra. So với cùng kỳ năm ngoái, số DN đăng ký mới bằng 92,96% nhưng số vốn tăng 69,7%. Thành phố còn thu hút thêm 5 dự án đầu tư ngoài nhà nước, nâng tổng số dự án đang hoạt động trên địa bàn là 103 dự án thuộc lĩnh vực kinh tế - thương mại - du lịch - dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư, tái định cư, vốn đầu tư trên 63.324,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các khu chế xuất và công nghiệp hiện có 243 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký 1,736 tỉ USD. Trên địa bàn thành phố hiện có 86 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn 719,4 triệu USD…

Để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thu hút nhà đầu tư, DN đến thành phố làm ăn, sinh sống, các sở, ngành và quận huyện thành phố đã thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó giao trách nhiệm và quy trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị khi thực hiện xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh Cần Thơ, xử lý công việc liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Đơn cử mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Theo đó, Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan công quyền. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những tiêu chí để xem xét khi đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu.

Kế hoạch của UBND thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; niêm yết công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và DN liên quan đến lĩnh vực hoạt động quản lý. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có nghĩa vụ theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sẽ bị công khai danh tính trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng và kịp thời đưa ra khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước...

Trên thực tế, để có môi trường minh bạch, đòi hỏi lực lượng thực thi công vụ phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn để giải quyết công việc hiệu quả và tâm sáng. Bởi trong các lần khảo sát về môi trường đầu tư, kinh doanh tại các DN trên địa bàn của các tổ chức, hiệp hội, thì DN vẫn phản ánh sự ngán ngại khi tình trạng nhũng nhiễu, làm khó DN của một số cán bộ của tổ chức công vẫn còn tồn tại. Có DN cho biết trong năm phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước… Do vậy, sự quyết tâm của chính quyền trong tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch là lực đẩy rất quan trọng để mời gọi DN, nhà đầu tư vào thành phố.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết