15/02/2020 - 20:59

Ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, năm 2019 tín dụng duy trì mức tăng trưởng khá cao 17,65% (năm 2018 tăng trưởng 14,88%) và tăng cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành (13,7%); hiệu quả dòng vốn tín dụng được nâng cao, nợ xấu giảm, tín dụng trung và dài hạn tăng nhanh (23,11%). Năm 2020, Chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Khách hàng đến giao dịch tại Argribank Chi nhánh Cần Thơ.

Chất lượng tín dụng được nâng cao

Hệ thống Ngân hàng TP Cần Thơ hiện có 46 chi nhánh TCTD và 7 quỹ tín dụng nhân dân. Năm 2019, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố đạt 91.328 tỉ đồng; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 48.279 tỉ đồng, tăng 13,18%; trung dài hạn 43.049 tỉ đồng, tăng 23,11% so với cuối năm 2018. Nợ xấu là 1.166 tỉ đồng, chiếm 1,28% tổng dư nợ cho vay, giảm so với các năm trước (năm 2017 là 2,01%, năm 2018 là 1,98%). Mặt bằng lãi suất cho vay đều giảm so với năm trước, cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 6,5%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 7,0% - 9,0%/năm; trung, dài hạn từ 9%-11%/năm. Thực hiện Quyết định số 2416/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN, các ngân hàng đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,0%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong huy động vốn, tổng vốn huy động đáp ứng 88,93% tổng dư nợ cho vay (đạt 81.900 tỉ đồng)…

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Tín dụng trong năm qua tăng trưởng cao, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn duy trì ổn định, tích cực, đúng định hướng điều hành của NHNN, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (DN) được các TCTD quan tâm và đồng hành. Bên cạnh đó, Tổ hỗ trợ DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng luôn lắng nghe để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN trong quan hệ vay vốn với ngân hàng.

Theo ông Trần Quốc Hà, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần chấn chỉnh như: Một số TCTD trên địa bàn chưa tích cực hạ lãi suất theo chủ trương chung, còn cho vay vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, Chi nhánh sẽ chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và đề xuất với UBND thành phố, các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời tiếp tục hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, góp phần ngăn chặn nợ xấu phát sinh, đảm bảo chất lượng tín dụng.

Nỗ lực gỡ khó cho DN

Năm 2020 được dự báo sẽ có nhiều thách thức và khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất. Vừa qua, trong cuộc họp của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với các sở, ngành thành phố về tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế của thành phố, lãnh đạo các sở, ngành đã cho biết ngành du lịch, xuất khẩu nông thủy sản, vận tải… bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Lãnh đạo ngành thuế cũng cho biết, số đơn vị kê khai thuế giảm 70% trong tháng 1 và tháng 2-2020; điều này tác động trực tiếp đến thu ngân sách của thành phố và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện chủ động phòng, chống dịch; tăng cường các giải pháp phát triển để hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế của thành phố. Trong đó, vốn cho sản xuất kinh doanh và các giải pháp mở rộng thị trường cần tập trung.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến cuối tháng 1-2020 đạt 92.100 tỉ đồng, tăng 0,85% so với tháng 12 năm 2019. Phần lớn các lĩnh vực ưu tiên đều có dư nợ tăng so với cuối năm 2019. Cụ thể như: cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 27.000 tỉ đồng, chiếm 29,32% tổng dư nợ, tăng 1,09% so với tháng 12-2019. Cho vay xuất khẩu 11.500 tỉ đồng, tăng 1,74%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 18.800 tỉ đồng, tăng 1,13% so với tháng 12-2019… Bên cạnh đó, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng khác cũng tăng so với cuối năm 2019, như: cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản dư nợ 8.500 tỉ đồng, tăng 1,72%; trong đó dư nợ nuôi trồng, chế biến cá tra là 5.000 tỉ đồng, tăng 1,98% so với tháng 12-2019; cho vay thu mua lúa, gạo 7.300 tỉ đồng, tăng 1,36% so với tháng 12-2019.

Theo ông Trần Quốc Hà, để đảm bảo vốn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ DN, Chi nhánh đã yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thống đốc NHNN. Ngoài ra, bước đầu theo Chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD thống kê bước đầu mức độ ảnh hưởng để có giải pháp xử lý và hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - DN để hỗ trợ thiết thực cho sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết