24/07/2023 - 12:59

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông 

Bài, ảnh: VŨ TRỌNG

Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới (Chỉ thị số 23-CT/TW). Theo đó, Ban Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị số 23-CT/TW vào thực tiễn, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này. 

Công nhân đang thi công chốt đèn tín hiệu giao thông trên quốc lộ Nam Sông Hậu.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường; hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm TTATGT từng lúc, từng nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; TNGT giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn…

Trong 10 năm qua, TP Cần Thơ đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiều giải pháp, kế hoạch thiết thực bảo đảm TTATGT. Thành phố tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông đường bộ. UBND TP Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp ngăn chặn TNGT trên địa bàn thành phố do uống rượu, bia; rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông và tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư, xây dựng, phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, tập trung các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm; khảo sát, xác định các điểm đen, điểm tiềm ẩn về TNGT, điểm phức tạp về TTATGT; khảo sát và đề xuất điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa; điều chỉnh việc lắp đặt dải phân cách tách dòng, phân làn xe... Từ đó, góp phần giảm TNGT cả 3 tiêu chí so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng.

Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn thành phố có giảm nhưng chưa bền vững; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế; các vụ TNGT vẫn còn xảy ra trên các tuyến quốc lộ và đường giao thông mới được đầu tư nâng cấp... Ðể tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông trong tình hình mới, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã kiến nghị Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm trang cấp phương tiện, trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, chế độ chính sách phù hợp và nguồn kinh phí hoạt động. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị xử lý đối với các điểm mất ATGT, thường xảy ra TNGT trên các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT quản lý đi ngang qua địa phận TP Cần Thơ, nhất là các quốc lộ: 1A, 91, 91B, 80. Ðồng thời, tổ chức lại giao thông, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông.                

Tại hội nghị quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị 23-CT/TW vào thực tiễn, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Ðồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân; kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục kéo giảm TNGT, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông; xác định công tác bảo đảm TTATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông.

 

Chia sẻ bài viết