27/08/2022 - 23:31

Nét đẹp “Từ quê làng biên giới” 

CÁT ÐẰNG

“Từ quê làng biên giới” là tuyển tập thơ văn của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tỉnh An Giang, do NXB Ðà Nẵng ấn hành quý II-2022. Các tác giả đã mang đến những tác phẩm hồn hậu, nghĩa tình của người miền Tây sông nước.

Tuyển tập gồm 9 truyện ngắn và 21 bài thơ của 16 tác giả là những cây bút đã thành danh của An Giang. Mỗi người một phong cách tạo nên một tuyển tập đa dạng, đủ sắc màu và lôi cuốn.

Mở đầu, nhà văn Ðoàn Văn Ðạt với câu chuyện về những người đau đáu về cội nguồn, lặn lội nhiều nơi, mất nhiều thời gian, công sức để viết nên gia phả dòng tộc. Từ đó, quá trình Nam tiến, mở cõi khai hoang của tiền nhân được tái dựng qua truyện “Tắm mát dòng kinh”. Con kinh đó cũng là nơi bắt đầu, khơi nguồn cho những câu chuyện về sau… Ðó là những chuyện tình dang dở vì chiến tranh để mấy chục năm sau gặp lại, tóc ai cũng phai màu nhưng vẫn vẹn nguyên những ký ức, tình cảm năm xưa (“Lời thề không thiêng”, “Hoa rừng”). Ðó là nỗi niềm của một thần y phải sống xa cố hương nhưng luôn hướng về Nam, đến chết cũng mong được mang xương cốt về quê hương Ðại Việt (“Có ai từ Nam sang”). Hay câu chuyện đầy day dứt của người mẹ đơn thân và đứa con lai trong “Ðò dọc sông trôi”… Có những câu chuyện ấn tượng với người đọc bởi sự huyền ảo, ly kỳ như “Hồng sa mạc”, “Sức hút của một tấm lưng” hay đầy bất ngờ như “Ði một ngày đàng”.

Tuy viết đề tài khác nhau nhưng điểm chung của các tác giả chính là sự nhân văn, là nét đẹp tình người trong mỗi tác phẩm. Dù là một lão nông cả đời chưa đi khỏi lũy tre làng hay một thần y tiếng tăm thì cái đích cuối cùng mà họ hướng đến chính là cứu người, là lòng nhân ái không thể thấy chết mà không cứu. Mặc dù cái giá phải trả chính là sự tự do, là tiền bạc hay danh dự thì họ vẫn chấp nhận. Hay đơn giản hơn chỉ là cái tình của người yêu hết lòng hết dạ, chờ đợi và làm những điều tốt nhất cho người mình yêu… Vì lẽ đó, mỗi câu chuyện đều đọng lại trong lòng người đọc sự bình dị, chân phương nhưng ấm áp.

Ở mảng thơ, dấu ấn của đất và người An Giang được khắc họa chi tiết với những hình tượng cụ thể, vừa đẹp, vừa nao lòng. Nỗi buồn của chiến tranh để lại, của những làng quê giáp biên giới Tây Nam đầy tiếng vọng của quá khứ, nhưng cũng ươm mầm xanh cho tương lai:

Ngọn gió chiến tranh tan tác đồng bưng

Khô cháy chồi lá Thất Sơn nắng ơi là nắng

Trên ngọn cây trụi trần sót lại

Cha gọi đời sau tạo nhánh đâm chồi”

(“Thơ trên đồi vọng thức”, trang 148)

Buồn nhưng không bi, không lụy, những vần thơ vẫn lấp lánh niềm tin, hy vọng và cả những đổi thay diệu kỳ trên quê hương xứ sở. Ðặc biệt, tuyển tập mở đầu bằng truyện ngắn tìm về nguồn cội, phả hệ thì khép lại bằng bài thơ “Ký ức người phương Nam” như một lời nhắn nhủ: vùng đất này vẫn luôn gìn giữ quá khứ, trân trọng hiện tại và vươn đến tương lai bằng những gì tốt đẹp nhất. Bởi sau khi bậc tiền nhân mở cõi, cha ông chống giặc, con cháu dựng xây, nơi đây đã và đang khoác áo mới với hạnh phúc nhẹ nhàng:

Trăm năm quê. Nay thành phố cao tầng

Mỗi bước về bằng mươi năm đi bộ

Rẽ qua ngã ba tráng lệ

Con đường mang ẩn số rừng xa

Trước mặt sông sóng lửng lơ là

Xa cách tự gần rút chặt vào nhau

Thương nhớ tự lành thâu đêm chồng vợ

Hạnh phúc lóng nước khua đôi…”

(“Ký ức người phương Nam”, trang 153)l

Chia sẻ bài viết