07/12/2017 - 21:13

Nét đẹp một khu xóm 

Ngày qua ngày, họ cùng nhau làm bánh mì chay phát miễn phí ở các bệnh viện, quyên góp giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ với nhau những vui buồn, đoàn kết thực hiện tốt các phong trào ở địa phương… Cuộc sống nơi xóm nhỏ ở hẻm 170 đường Hoàng Quốc Việt (tổ 9, khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều) vừa bình dị, vừa ấm áp tình người.

Bà con trong hẻm 170 đường Hoàng Quốc Việt cùng nhau làm bánh mì chay để phát miễn phí tại các bệnh viện. Ảnh: CTV

Rằm tháng Mười vừa qua, gia đình chị Lâm Thị Kiều Oanh cùng bà con lối xóm làm 700 ổ bánh mì chay đem phát cho những người có nhu cầu ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Để làm nên số bánh mì đó, gia đình chị Oanh cùng mọi người đã chuẩn bị khá nhiều ngày. Đầu tiên là góp tiền, mỗi người một ít: 50, 100, 200, 300 hay 500 ngàn đồng tùy theo điều kiện kinh tế và lòng hảo tâm. Sau đó, chị Oanh đặt mua bánh mì, thực phẩm, rau củ.

Trước rằm 1 ngày, bà con tập trung tại nhà chị Oanh bắt đầu chế biến thức ăn chay. Khoảng 2 giờ 30 sáng, mọi người cùng nhau thức sớm, đến nhà chị Oanh để xẻ bánh mì, kẹp thức ăn chay. Đến 5 giờ sáng, mọi người chia thành 2 nhóm (3-4 người mỗi nhóm) mang bánh mì đến các bệnh viện, phát cho bệnh nhân, người nuôi bệnh tại bếp ăn từ thiện.

Bà Nguyễn Ngọc Phương, 52 tuổi, kể: “Từ lúc chế biến thức ăn chay đến khi hoàn tất công đoạn cuối cùng, lúc nào cũng có khoảng mười mấy người cùng làm. Vui lắm! Nói chung là tất cả đều hết lòng vì việc thiện”.

Đây không phải lần đầu, mà việc phát bánh mì chay miễn phí ở các bệnh viện đã thực hiện 2 năm nay. “Mỗi năm, chúng tôi làm 3 lần: rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy và rằm tháng Mười, mỗi lần từ 500-700 ổ bánh mì. Năm đầu tiên, gia đình tôi tự làm với nhau. Mấy dì, mấy cô trong xóm biết chuyện nên muốn cùng thực hiện. Từ đầu năm 2017 đến nay, việc phát bánh mì chay đã trở thành việc chung của xóm và rất nhiều người nhiệt tình tham gia. Tôi rất vui vì đã kết nối được nhiều người cùng chia sẻ với cộng đồng”, chị Lâm Thị Kiều Oanh chia sẻ.

Tình cảm xóm giềng của bà con trong hẻm còn được thể hiện qua việc quan tâm, giúp đỡ nhau. Có ai bệnh nặng mà gia cảnh khó khăn, mọi người lại chung tay đóng góp, hỗ trợ điều trị bệnh. Những lúc như thế, chị Oanh là cầu nối giữa mọi người: vận động tiền rồi mang đến trao cho người bệnh.

Ngoài ra, do chị Oanh bán tạp hóa ở nhà nên được nhiều người hảo tâm gửi chị mua gạo, nước tương, dầu ăn, đường, bột ngọt... gói thành các phần quà gửi tặng những hộ nghèo trong xóm, khu vực và cả những nơi khác. Có những người chuyên đặt mua gạo chỗ chị rồi nhờ chị giao đến bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, chùa Giác Quảng…

Ngoài chị Oanh, trong xóm còn có những người chuyên làm từ thiện như ông Lương Văn Khải, bà Diệp Như Ngân (bà Sáu). Bên cạnh tham gia phát bánh mì từ thiện với chị Oanh, ông Khải cứ 2-3 tháng lại tặng gạo cho 15 trẻ mồ côi ở phường An Bình, mỗi phần10kg; bà Sáu thì thu gom quần áo cũ, làm gối, mang tặng cho bà con nghèo ở các tỉnh thành, trong những lần đi theo các đoàn bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí ở vùng sâu, vùng xa.

Bà Sáu cho biết: “Bà con trong xóm rất ủng hộ những việc thiện, có quần áo cũ là gom về cho tôi, góp tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn mà tôi chia sẻ…”.

Theo ông Lâm Văn Gặt, tổ trưởng tổ 9, khu vực 4, phường An Bình, tổ có 88 hộ dân sinh sống, tình làng nghĩa xóm rất chan hòa, đầm ấm. Bà con có tinh thần đoàn kết trong mọi phong trào như: giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chung tay vì cộng đồng… Qua đó, hình thành nên nét đẹp của khu xóm và góp phần phát triển phong trào văn hóa ở cơ sở. 

***

Chia tay những người dân trong khu xóm đặc biệt ấy, tôi nhớ mãi những lời nói chân chất, nụ cười hồn hậu, ánh mắt ấm áp cùng những nghĩa cử đẹp của họ. Họ đã cùng nhau chia sẻ, lan tỏa những việc làm bình dị mà vô cùng ý nghĩa.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết