Trong kho tàng văn hóa của người Khmer Nam Bộ, các lễ hội mang tính truyền thống và đặc trưng như: Chôl Chnăm Thmây, lễ Nhập hạ, Sene Dolta, Ok-Om-Bok... mang ý nghĩa khác nhau. Trong đó, Lễ Sene Dolta tiêu biểu cho lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, gắn con người với gia đình và nguồn cội, thể hiện nét đẹp văn hóa, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Chùa Phật giáo Nam tông Khmer được trang hoàng đón Lễ Sene Dolta.
Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam Bộ, trước đây, mùa lễ Sene Dolta diễn ra trong trong thời gian nửa tháng với 4 nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), lễ cúng ông bà (Banh sene dolta), lễ hội linh (Banh phchum banh) và lễ tiễn đưa ông bà (Banh chuônh dolta). Ngày nay để phù hợp với cuộc sống hiện đại, lễ Sene Dolta chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có.
Lễ Sene Dolta năm 2024 của đồng bào Khmer Nam Bộ diễn ra từ ngày 1 đến 3-10-2024 (nhằm ngày 29, 30 tháng 8 và 1 tháng 9 âm lịch).
Về nguồn gốc lễ Sene Dolta, có hai truyền thuyết. Tương truyền, xưa kia phần đông người Khmer ở Nam Bộ trồng lúa nước từ tháng 4 và đến đầu tháng 8 âm lịch, thời gian này là vào mùa mưa, nước lũ dâng lên. Đến cuối vụ, bà con thường đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ già yếu, có khi đi vài ngày mới tới. Vì vậy, họ luôn cẩn thận chuẩn bị lương thực, thực phẩm mang theo dùng và phần quà bánh biếu. Khi đến nơi ở của ông bà, cha mẹ, có người thì vui mừng sum họp, có người thì đau buồn chia ly vì có khi đến nơi thì một trong những người thân đã mất vì tuổi già sức yếu hay bệnh tật mà do phận làm con ở xa, đường sá cách trở, lo bận mưu sinh, không thường xuyên đến thăm hỏi nên không hay biết. Dần dần, những người cùng đi hẹn gặp nhau ở một chỗ nào đó để làm lễ nhớ ơn ông bà, cha mẹ và chia buồn với người cùng cảnh ngộ.
Cũng có truyền thuyết lễ Sene Dolta được bắt nguồn từ sự tích Phật giáo kể về vua Ping-pis-sara theo lời dạy của đức Phật thỉnh mời các vị sư làm lễ hồi hướng, đọc kinh chuyền phước cúng dường thức ăn, quần áo đến những người đã quá cố. Từ sự tích trên, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tổ chức lễ Sene Dolta hằng năm thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo, nhờ chư vị sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ tộc quá cố được mau chóng có kiếp sống khác sung sướng hơn.
Nhạc ngũ âm được trình diễn trong mùa Lễ Sene Dolta.
Ngày nay, lễ Sene Dolta được người Khmer tổ chức với thời gian ngắn hơn, trong 3 ngày chính:
Ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón): Gia đình dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe chư vị sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị achar (người hướng dẫn lễ) lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những linh hồn cô đơn, không có con cháu.
Ngày thứ hai (ngày cúng chính): Vào buổi trưa, bà con người Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể), sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con phật tử trong phum sóc cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, họ làm lễ rước linh hồn ông bà về nhà, dâng mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.
Ngày thứ ba (cúng tiễn): Mỗi nhà chuẩn bị một mâm cơm, mời các vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, hai hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên) và các thức cúng mọi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… rồi người nhà thắp nhang, đèn mang thuyền thả ở dòng sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.
Lễ vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong lễ Sene Dolta tùy điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Trong dịp lễ này, con cháu cũng chuẩn bị các thức ăn ngon, lễ vật có ý nghĩa, dâng lên ông bà cha mẹ còn sống để tỏ lòng hiếu kính. Lễ vật thường là những món ăn bình dị, gần gũi hằng ngày, như trái cây vườn nhà, sản vật chợ quê. Trong các ngày lễ, đồng bào kể lại cho con cháu những câu chuyện tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố.
Tại các tỉnh thành vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh tập trung đông đồng bào Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang... những ngày lễ, các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer được trang hoàng; các hoạt động văn hóa, thể thao được diễn ra trong khuôn viên chùa ấm cúng, ý nghĩa. Tại An Giang, Hội đua bò Bảy Núi hằng năm thường được tổ chức trong dịp lễ Sene Dolta mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của cư dân làm lúa nước. Sân đua là một khoảng ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200m, ngang 100m có nước xăm xắp, có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn. Đoạn đường đua chính chỉ cần 120m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ, mỗi cây cách nhau 5m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó. Những con bò đua được tuyển chọn từ nhiều vùng miền để tham gia thi đấu. Đua bò gồm 2 vòng, vòng đầu (được gọi là vòng hô), người điều khiển bò đua di chuyển từ từ như màn chào khán giả trước khi bước vào vòng đua thực sự. Khi trọng tài phất cờ hiệu, các “nài” cho bò chạy nước rút hết tốc lực trong 120m cuối cùng (vòng thả) để về đích. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa “Hội đua bò Bảy Núi - An Giang” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
* * *
Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, những người quá cố đối với con cháu; vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống lao động sản xuất, văn hóa, tinh thần gắn với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng tại các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ.
Bài, ảnh: Tấn Lộc