12/05/2018 - 16:01

Nền tảng để hội nhập 

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính và cung cấp dịch vụ công ở Cần Thơ đã và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh các chương trình chung của quốc gia và thành phố; nhiều sở, ban, ngành, đơn vị chủ động tăng cường ứng dụng CNTT qua những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trên bước đường hội nhập.

Chủ động đổi mới

Nông dân Cần Thơ đã không còn xa lạ chuyện truy cập Internet để tìm hiểu tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất thực tế. Anh Nguyễn Hùng Thoại, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Hội hướng dẫn nhiều hội viên cách sử dụng Internet để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”. Gần đây, nông dân thị trấn Phong Điền đang gầy dựng, phục hồi vườn cam mật, sầu riêng sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh; 2 tổ hợp tác trồng cam mật, sầu riêng đã được thành lập. Bên cạnh những kinh nghiệm, kỹ thuật hiện có, các nhà vườn còn tích cực tra cứu những kỹ thuật mới cùng cách phòng trị bệnh thông qua website của Hội Nông dân thành phố.

Các máy chủ và phần mềm công nghệ điện toán đám mây được đặt tại Trung tâm dữ liệu của TP Cần Thơ.

Hội Nông dân thị trấn Phong Điền  là một trong rất nhiều đơn vị trực thuộc Hội Nông dân TP Cần Thơ được thụ hưởng lợi ích từ các chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động hội. Tiêu biểu là chương trình tăng cường CNTT cho nông dân trồng lúa 13 tỉnh thành ĐBSCL do Trung ương Hội phối hợp với Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam tổ chức năm 2014-2015; đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn” do Hội Nông dân thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Khoa CNTT và Truyền thông của Trường Đại học Cần Thơ thực hiện năm 2015. Từ 2 chương trình, đề tài này, các cơ sở hội của quận, huyện được trang bị 23 bộ máy vi tính có kết nối Internet, phục vụ hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, website của Hội Nông dân thành phố có những phần mềm chuyên dụng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động.

Trong xu thế phát triển chung, Ban Tôn giáo TP Cần Thơ nhận thấy việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng là bức thiết, mang tính chiến lược. Cơ quan đã chủ động đăng ký thực hiện đề tài “Hệ thống thông tin tôn giáo tỉnh Cần Thơ” (giai đoạn 1, ứng dụng năm 2004) và dự án “Hệ thống thông tin tôn giáo, tín ngưỡng TP Cần Thơ (giai đoạn 2, ứng dụng năm 2015). Anh Trần Quang Vinh, Chuyên viên quản trị mạng của Ban Tôn giáo thành phố, cho biết: Trên cơ sở kế thừa, phát triển ý tưởng của đề tài giai đoạn 1, dự án giai đoạn 2 đã nâng cấp nhiều chức năng phù hợp với nhu cầu quản lý. Dự án đã thiết lập website riêng của đơn vị; xây dựng phần mềm quản lý thông tin cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn TP Cần Thơ; đồng thời có bản đồ GIS định vị và hiển thị tất cả cơ sở thờ tự của các tôn giáo và một số cơ quan liên quan trên địa bàn thành phố. Kết quả của dự án đã được chuyển giao và triển khai đến các Phòng Nội vụ ở các quận, huyện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng; cải cách thủ tục hành chính; công tác tuyên truyền cũng nhanh chóng, hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP Cần Thơ, hằng năm, thành phố đều có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đề tài, dự án KHCN ở nhiều lĩnh vực, trong đó, CNTT đã và đang được nhiều sở, ngành, đơn vị quan tâm, tăng cường thực hiện, số lượng đề tài, dự án ngày càng tăng. Bên cạnh Hội Nông dân, Ban Tôn giáo, còn có nhiều đơn vị khác như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ… đã xây dựng được những phần mềm chuyên biệt, triển khai và ứng dụng hiệu quả các đề tài, dự án ứng dụng CNTT. Hiện có một số đề tài đang trong quá trình thực hiện ở các lĩnh vực văn hóa, y tế…

Có thể thấy, chủ động đổi mới, ứng dụng CNTT của nhiều đơn vị nhà nước là bước đi phù hợp với xu thế chung; theo kịp tiến trình Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến.  

 Hướng tới những ứng dụng chung cho thành phố

Bên cạnh những đề tài ứng dụng dùng riêng cho từng đơn vị, còn có những đề tài CNTT mang lại lợi ích chung cho thành phố. Điển hình như đề tài “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trên nền tảng mã nguồn mở phục vụ xây dựng mô hình triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của TP Cần Thơ” do Tiến sĩ Ngô Bá Hùng, Phó Trưởng Khoa CNTT và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2017.

Chuyên viên Ban Tôn giáo TP Cần Thơ sử dụng phần mềm quản lý thông tin cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn TP Cần Thơ. 

 

Theo Tiến sĩ Ngô Bá Hùng, TP Cần Thơ đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý hành chính, đẩy nhanh tiến trình thực hiện dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4. Trong quá trình triển khai, thành phố gặp một số vấn đề khó khăn khi thực hiện theo mô hình truyền thống; hạ tầng CNTT rải rác ở các quận huyện dẫn đến có nơi bị thiếu năng lực, có nơi thừa mà khó chia sẻ với nhau. Đội ngũ chuyên viên vận hành, bảo trì các server ở các đơn vị cũng là trở ngại. Vì thế, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tìm hiểu, thử nghiệm, áp dụng công nghệ điện toán đám mây nhằm triển khai tốt các ứng dụng CNTT cho các cơ quan hành chính nhà nước. Công nghệ điện toán đám mây tập trung tất cả các nguồn lực tính toán như máy chủ, mạng… về một trung tâm dữ liệu rồi cấp phát dần cho các đơn vị, tùy theo nhu cầu nhiều hay ít, nếu dư thì có thể thu hồi lại để cấp phát cho đơn vị khác. Qua đó, giúp các đơn vị khai thác một cách hiệu quả trang thiết bị, hạ tầng đã đầu tư, tiết kiệm chi phí. Các đám mây còn giúp triển khai các ứng dụng nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm di dời và triển khai thành công phần mềm một cửa điện tử của Sở TT&TT, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh lên điện toán đám mây. Ông Võ Văn Nga, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, huyện không phải trang bị thêm máy móc, hạ tầng CNTT. Các đồng chí ở bộ phận một cửa vẫn thực hiện phần mềm y như trước, sau khi lưu trữ sẽ được chuyển tải về máy chủ đặt ở Sở TT&TT nên việc khai thác, quản lý dữ liệu rất tốt, đảm bảo nhanh chóng”. Anh Lê Hồng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông Cần Thơ, Sở TT&TT, thành viên Ban chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Công nghệ điện toán đám mây đã triển khai theo các chuẩn chung, đáp ứng được các tiêu chí bảo mật và quy trình đảm bảo an toàn thông tin. Hệ thống được triển khai tập trung tại Trung tâm dữ liệu của thành phố và vận hành trên mạng truyền số liệu chuyên dùng nội bộ của thành phố nên sẽ đảm bảo an toàn thông tin khi triển khai trên diện rộng cho các đơn vị. Chúng tôi đang đề xuất thành phố nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”.

Một đề tài khác vừa được nghiệm thu và có tính ứng dụng cao là “Ứng dụng GIS trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị tại TP Cần Thơ” do Trung tâm Địa Tin học- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ thực hiện. Tiến sĩ Lê Văn Trung, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Dựa trên nhu cầu ứng dụng GIS quản lý hạ tầng thoát nước của Sở Xây dựng, Công ty Cấp thoát nước TP Cần Thơ và phòng quản lý đô thị tại 3 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, đề tài đã đề xuất mô hình tổng thể theo định hướng hệ thống GIS đa ngành nhằm tạo nền tảng để phát triển hệ thống GIS quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Cần Thơ kết nối với MGIS. Qua đó, hỗ trợ, phối hợp quản lý đô thị thông minh trong gắn kết với các nhiệm vụ điều hành, tác nghiệp của các sở, ngành, quận, huyện”. Hiện kết quả đề tài đã được chuyển giao cho Sở Xây dựng, làm nền tảng cho các nghiên cứu, ứng dụng GIS tiếp theo cho thành phố.

***

Những thành công đạt được từ các đề tài, dự án trên là cơ sở cho việc nâng cao ứng dụng CNTT vào hoạt động hành chính nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết