25/07/2010 - 20:31

Nên sớm thực hiện những giải pháp an toàn cho vùng sạt lở

Hằng năm, vào mùa mưa lũ, trên địa bàn TP Cần Thơ thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, rạch, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền và phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, làm 2 người chết (tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền). Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông, rạch, đang là nguy cơ tiềm ẩn ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Chính quyền địa phương, các ngành chức năng luôn lo lắng và tìm mọi biện pháp để phòng chống sạt lở trong thời gian tới.

* Nguy cơ sạt lở cao

Theo khảo sát của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), TP Cần Thơ có tổng chiều dài sông Hậu đi qua khoảng 65km, có 350km chiều dài kênh rạch cấp 1 (sông Cái Sắn, Tắc Ông Thục, kênh Đứng...), khoảng 800km kênh, rạch cấp 2. Dân cư sống tập trung dọc theo các con sông, rạch, do đó việc sạt lở bờ sông, kênh, rạch đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Tính đến tháng 6-2010, toàn hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Cần Thơ có 24 điểm sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 56km, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng con người. Các điểm sạt lở này đang có nguy cơ tiềm ẩn và gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian tới.

Thạc sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng, cán bộ chuyên môn thuộc Tiểu ban thủy động lực sông, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết: “Hiện nay, hiện tượng sạt lở bờ sông trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu tập trung ở những nơi dân cư đông đúc, nhà sàn ven sông, nhà lấn chiếm sông rạch không đảm bảo an toàn. Khi thực hiện các công trình bán kiên cố hay công trình kiên cố ven sông, đơn vị thiết kế, đầu tư chưa tính mức độ ảnh hưởng dòng chảy, của sự gia tải (nhà cao tầng) cộng với nền đất yếu nên đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra. Dòng chảy ở các đoạn sông cong, khúc khuỷu hay ở những nút hợp lưu dòng chảy dễ xảy ra sạt lở... Các địa điểm này có nguy cơ sạt lở rất cao trong thời gian tới”.

Bờ kè trước chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) đã được đầu tư xây dựng gần hoàn thành, có tác dụng bảo vệ tỉnh lộ 923 và tạo điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân khu vực này. 

Kết quả điều tra thực địa của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho thấy: Dọc theo 2 bên bờ sông Cái Sơn (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn còn các vết nứt và nhiều nơi sụp lún, tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở rất cao. Điển hình như ở bờ sông Cái Sơn thuộc tổ 9, khu vực 6, phường An Bình có hàm ếch ăn sâu vào đường giao thông và hàng cột điện; hay đoạn đường giao thông trước nhà số 308, đường Cái Sơn, phường An Bình, có nhiều vết nứt trên đường giao thông dọc theo sông Cái Sơn; ở những khu vực có nhà ven sông liền kề nhau đang có nguy cơ sạt lở rất cao, do đất vùng ven bờ không có khả năng chịu lực... Ông Nguyễn Văn Tui, ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Sống ở gần khu vực có nguy cơ sạt lở chúng tôi rất lo sợ. Vì sạt lở xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa và tài sản của gia đình và bà con lân cận. Nguy hiểm nhất là hàng cột điện cặp bờ sông tại khu vực này có nguy cơ bị sạt lở cao, vì bờ sông ở đây đã có dấu hiệu sạt lở. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm có biện pháp phòng chống, hạn chế sạt lở tại bờ sông Cái Sơn để người dân yên tâm sinh sống”.

Còn ở quận Bình Thủy, hiện có 5 khu vực bị sạt lở ở mức báo động cao. Trong đó, điểm nóng nhất là khu vực ven sông Trà Nóc (thuộc phường Trà Nóc và phường Trà An, quận Bình Thủy) với chiều dài gần 1km ở khu vực thượng và hạ lưu cầu Trà Nóc. Các khu vực trọng điểm đã từng xảy ra sạt lở ở cồn Sơn, cồn Khương và sông Bình Thủy cũng có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Quận Cái Răng có 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao là dọc theo sông Cần Thơ, sông Cái Răng và cồn Ấu. Điểm sạt lở nổi bật ở quận Ô Môn, Thốt Nốt là quốc lộ 91 (đường đi đến các tỉnh An Giang, Kiên Giang), quốc lộ 80 (huyện Vĩnh Thạnh) vì hai tuyến đường giao thông này nằm cách mép sông, rạch chỉ khoảng 1m, thậm chí có đoạn không tới 1m. Sự gia tăng của những chuyến xe siêu trường, siêu trọng, xe container, xe chở khách loại lớn chạy với tốc độ cao... đang đe dọa đến độ an toàn của bờ sông và quốc lộ 91, quốc lộ 80. Hiện nay, trên hai quốc lộ này xuất hiện nhiều vết nứt báo hiệu có nguy cơ sạt lở rất cao.

Ở huyện Phong Điền hiện có 3 điểm sạt lở trọng điểm dọc theo sông Cần Thơ. Những điểm sạt lở này có mức độ rất nghiêm trọng, nhiều khả năng uy hiếp đến cuộc sống nhân dân, đường sá và có khả năng tốn nhiều kinh phí, thời gian trong việc xây dựng bờ kè chống sạt lở. Thời gian qua, nổi bật nhất là vụ sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền (trên tỉnh lộ 923, huyện Phong Điền) cặp sông Cần Thơ vào ngày 6-3-2010 để lại hậu quả nghiêm trọng, làm hai bà cháu bị thiệt mạng. Các ngành chức năng từ huyện Phong Điền đến TP Cần Thơ đã dốc hết tâm sức trong việc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trên tỉnh lộ 923 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông, đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Người dân ở khu vực sạt lở của huyện Phong Điền cũng như ở các khu vực sạt lở trên địa bàn TP Cần Thơ đang sống trong tâm trạng lo lắng. Bà con mong chờ chính quyền địa phương, các ngành, các cấp sớm có biện pháp giải quyết, phòng chống sạt lở.

* Giải pháp an toàn cho vùng sạt lở

Hơn 5 năm qua, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đã kết hợp cùng Chi cục Thủy lợi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tiến hành điều tra, đánh giá các công trình chống sạt lở trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, rạch trong thời gian tới. Giải pháp đó được thể hiện qua đồ án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP Cần Thơ”. Đồ án này đưa ra giải pháp chủ yếu là: Củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2015; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định, đồng thời chỉnh trang đô thị thực hiện liên tục từ nay đến 2025 và xa hơn nữa; phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 40% hộ dân sống ven sông vào chỗ ở ổn định tại những khu đô thị mới, đến năm 2030 khoảng 80% và đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà sàn ven sông, trả lại hiện trạng thông thoáng, xanh, sạch cho sông, kênh, rạch.

Giải pháp này chú trọng áp dụng phòng chống sạt lở theo phương thức truyền thống như trồng cỏ, thả lục bình ven sông; dựng cọc tre, cừ tràm, bao tải cát dọc theo bờ để bảo vệ bờ sông. Giải pháp này ít tốn kém, sử dụng vật liệu địa phương, xây dựng đơn giản và đã trở thành kinh nghiệm sống của người dân ven sông, rạch. Đây là giải pháp chỉ áp dụng đối với những vùng sạt lở do sóng tàu gây ra; trồng cây, thả lục bình, cỏ nhằm hạn chế sóng dội vào bờ gây sạt lở. Bên cạnh đó, trong thời gian từ nay đến 2030, TP Cần Thơ cần thực hiện nhiều công trình xây dựng tường kè kiên cố và bán kiên cố dọc theo bờ sông, kênh, rạch. Đồng thời thực hiện giải pháp bảo vệ hành lang an toàn cho các bờ sông, kênh, rạch cụ thể như sau: Tại sông Cần Thơ hành lang bảo vệ an toàn ở những vị trí chưa có kè bảo vệ là 20m; ở sông Bình Thủy, Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt là 15m; các kênh Cái Sắn, Tắc Ông Thục, KH9, kênh Đứng... hành lang an toàn là 10m; các kênh cấp 2 hành lang an toàn là 5m. Tất cả các công trình vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn sông, kênh, rạch đều phải được nghiêm cấm và xử lý.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra 24 công trình xây dựng bờ kè chống sạt lở trong giai đoạn 2010-2030 trên sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ. Tổng chiều dài của các công trình này trên 56km, với tổng kinh phí thực hiện trên 2.030 tỉ đồng. Trong đó, các công trình ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đầu, từ năm 2010-2015 là công trình kè chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền); tường kè sông Trà Nóc, thuộc phường Trà Nóc và Trà An (quận Bình Thủy); tường kè khu vực hạ lưu và thượng lưu cầu Ô Môn; tường kè mương lộ 91, đoạn từ sông Ô Môn đến cầu vào Viện Lúa ĐBSCL (quận Ô Môn); tường kè sông Cái Sắn từ cầu số 1 đến chợ Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh)... Kinh phí thực hiện giai đoạn này trên 712 tỉ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2025 gồm 12 công trình. Giai đoạn 3 từ 2025 đến 2030 là 3 công trình. Các công trình này có khả năng chống sạt lở rất cao, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch và tạo mỹ quan đô thị.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ là chủ đầu tư các công trình nêu trên. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Các công trình nêu trên thiết kế xây dựng phải phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, đặc biệt tường kè ở các sông, rạch vùng đô thị xây dựng phải phù hợp với nhịp độ phát triển đô thị, nhằm tạo mỹ quan thành phố. Ở vùng nông thôn cần chú trọng xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, rạch mang tính truyền thống (thả lục bình, trồng cỏ...) nhằm bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực ven sông, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển du lịch”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đánh giá cao về những giải pháp này. Đồng chí cho biết: “Những giải pháp nêu trên đều phù hợp với địa phương trong công tác phòng chống sạt lở. Trên cơ sở này, địa phương sẽ xây dựng cụ thể từng dự án xây dựng bờ kè theo thời gian biểu đã đề ra. Kinh phí xây dựng các công trình nêu trên rất cao (trên 2.030 tỉ đồng) nhưng địa phương có khả năng thực hiện vì thời gian đầu tư xây dựng có giai đoạn, từ nay đến năm 2030”.

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, chết người, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Mong rằng những giải pháp trên sớm được triển khai thực hiện để người dân có cuộc sống ổn định, an toàn, đi lại thuận tiện hơn.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết