29/09/2008 - 21:57

Nên bỏ xích mích nhỏ, giữ tình làng nghĩa xóm

Hiện nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã và đang được các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai, thực hiện, góp phần đáng kể trong việc thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, một vài nơi vẫn chưa thực hiện tốt phong trào này, có khi, chỉ vì những xích mích, bất hòa giữa một bộ phận dân cư ở xóm, ấp chưa được hàn gắn, giải quyết kịp thời, làm cho mâu thuẫn phát sinh gay gắt, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình nghĩa xóm giềng... Trường hợp của các hộ dân ở ấp Phúc Lộc 2, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ là như thế.

* Khao khát điện thắp sáng!

Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dọc theo rạch Xẻo Cau (thuộc 2 ấp Phúc Lộc 1 và Phúc Lộc 2, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt) không có điện sử dụng. Nhằm đáp ứng nhu cầu về điện sinh hoạt của người dân, khoảng cuối năm 2007, Sở Công thương TP Cần Thơ đầu tư thi công công trình đường dây trung thế và trạm hạ áp ở rạch Xẻo Cau. Công trình hoàn thành, nhưng niềm vui của bà con không trọn vẹn, vì nhà nước chưa có kinh phí đầu tư lưới điện hạ thế, để đưa điện vào sử dụng.

Ông Cao Văn Tây, người dân ở ấp Phúc Lộc 2, cho biết: “Chúng tôi khao khát có điện sử dụng, nên cùng nhau vận động bà con trong xóm hùn tiền, tự đầu tư lưới điện hạ thế. Kết quả là có 23 hộ đóng góp tiền (mỗi hộ khoảng 2 triệu đồng) và nhiều ngày công lao động để thực hiện. Ước mơ có điện thắp sáng trong nhiều năm nay, giờ trở thành hiện thực, bà con rất phấn khởi. Nhà thì mua ti vi, đầu đĩa, nhà thì mua quạt gió... Sau khi có lưới điện hạ thế, chúng tôi đồng ý cho 6 hộ dân ở rạch Mương Trâu (ngụ cùng ấp) câu nhờ đường dây (mỗi hộ hùn 600.000 đồng tiền chi phí đầu tư ban đầu) để có điện sử dụng. Tính đến nay, từ đường dây hạ thế này đã có 29 hộ trong ấp có điện thắp sáng”.

Đoạn lưới điện hạ thế do 10 hộ dân ở cuối rạch Xẻo Cau tự đầu tư, nhưng đến nay chưa đấu nối, đưa vào sử dụng, chỉ vì xích mích nhỏ. Ảnh: N.B 

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Trưởng Ban nhân dân ấp Phúc Lộc 2: Hiện, trên địa bàn ấp còn khoảng 10 hộ dân ở cuối rạch Xẻo Cau chưa có điện sử dụng. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì khoảng tháng 7-2008, 10 hộ dân ở cuối rạch Xẻo Cau có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng tìm cách giúp bà con có điện sử dụng. Nhận được kiến nghị, Chi nhánh điện lực huyện Thốt Nốt tổ chức họp với bà con vô điện trước đề nghị cho 10 hộ dân này câu nhờ đường dây điện.

Ông Nguyễn Tấn Tài, là 1 trong 10 hộ dân chưa có điện ở ấp Phúc Lộc 2, cho biết: “Qua trao đổi, đại diện tổ điện đồng ý cho 10 hộ dân chúng tôi câu nhờ đường dây điện, với điều kiện mỗi hộ phải hùn 600.000 đồng, chi phí đầu tư ban đầu. Chúng tôi đồng ý, lập biên bản và tiến hành làm thủ tục theo quy định. Sau đó, cán bộ điện lực đến kéo dây, trong lúc chuẩn bị mắc nối vào lưới điện thì bị bà Trương Thị Lệ (là một trong số 23 hộ dân đầu tư lưới điện hạ thế) tranh cản, kiên quyết không cho chúng tôi câu nhờ đường dây... Vì vậy đã hai tháng nay, chúng tôi vẫn chưa có điện sử dụng”.

* Chỉ vì xích mích nhỏ!

Nói về lý do tranh cản, bà Trương Thị Lệ cho biết: “Trong lúc, 23 hộ dân chúng tôi trồng trụ, kéo dây thì ông Nguyễn Tấn Tài chẳng những không góp công sức mà còn cười, chế nhạo cho rằng bà con chúng tôi ngu dại, làm chi cho tốn tiền, cứ để cho Nhà nước lo. Vì lẽ đó, ông Tài đi câu nhờ đường dây ở đâu thì câu, chứ đường dây này, tôi nhất định không cho”.

Sau khi sự việc xảy ra, các ban ngành đoàn thể ở ấp Phúc Lộc 2 đã đến vận động bà Trương Thị Lệ cùng cháu là ông Trương Văn Nhu cho 10 hộ dân ở cuối rạch câu nhờ đường dây, để có điện sử dụng. Ông Trần Văn Nghĩa, Trưởng Ban nhân dân ấp Phúc Lộc 2, cho biết: “Có điện phục vụ cho việc sản xuất, sinh hoạt thì đời sống vật chất, tinh thần của bà con ở vùng sâu, vùng xa này chắc chắn sẽ được cải thiện. Vì thế, chúng tôi cố gắng vận động, thuyết phục nhưng bà Lệ không đồng ý. Sau đó, chúng tôi đã chuyển hồ sơ đến UBND xã Trung Nhứt xem xét, giải quyết theo quy định”.

Đến UBND xã Trung Nhứt tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết: Thời gian qua, UBND xã có mời bà Trương Thị Lệ và ông Trương Văn Nhu đến động viên, hàn gắn tình làng nghĩa xóm nhưng bà Lệ và ông Nhu không đến. Theo ông Lê Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nhứt, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân khác có điện sử dụng, thời gian tới, UBND xã tiếp tục kết hợp cùng các ban ngành đoàn thể ở địa phương vận động bà Lệ cho 10 hộ dân ở cuối rạch câu nhờ đường dây điện, hàn gắn tình làng nghĩa xóm. Ông Nguyễn Văn Tiền, Trưởng Chi nhánh điện lực huyện Thốt Nốt, cho biết: “Nếu hai bên thỏa thuận được với nhau về việc câu nhờ đường dây, chi nhánh điện lực huyện Thốt Nốt sẽ cử lực lượng đến đấu đường dây và đóng điện cho bà con sử dụng”.

Yêu cầu có điện thắp sáng của 10 hộ dân ở cuối rạch Xẻo Cau là chính đáng. Thiết nghĩ, chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương sớm tổ chức họp dân, nhất là với 23 hộ dân đầu tư lưới điện hạ thế nói rõ nội dung, yêu cầu, mục đích của việc giúp nhau có điện sinh hoạt của bà con nông dân trong cùng một con rạch. Và địa phương phải giải thích để giúp bà Trương Thị Lệ hiểu rõ tình làng nghĩa xóm. Không nên chỉ vì một câu nói gây xích mích của ông Tài mà hộ bà Lệ dứt tình nghĩa, bỏ mặc cho 10 hộ dân khác không có điện thắp sáng...

NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết