24/11/2012 - 20:01

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nâng tầm phát triển cho các đô thị

Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 158 đô thị; trong đó, 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 12 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV, 127 đô thị loại V. Hệ thống đô thị vùng ĐBSCL phân bố tương đối đồng đều, bình quân khoảng 336 km2/đô thị. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, việc phát triển đô thị của vùng còn nhiều hạn chế, các quy hoạch chồng chéo và cập nhật quy hoạch chậm, chất lượng phát triển của từng đô thị còn nhiều vấn đề phải bàn. Do vậy, cần phải quy hoạch đồng bộ để nâng tầm phát triển cho các đô thị.

Rối trong cập nhật quy hoạch…

Theo Quyết định 1581/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 9-10-2009) về xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn 2050, tại quy hoạch các đô thị thì TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân, các đô thị vệ tinh độc lập là TP Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long; các vùng phụ cận (các đô thị Ô Môn, Cái Răng, Bình Minh, An Châu, Phú Hội, An Hữu, Cái Tàu Hạ, Mỹ Thọ, Thanh Binh; vùng đối trọng (đô thị Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Vị Thanh, Mỹ Tho, Tân An, Gò Công, Bến Tre, Tân Thạnh). Các hành lang phát triển không gian đô thị được phân bố dọc theo hành lang Tây sông Hậu (QL91 từ Cần Thơ đến cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (An Giang), hành lang Tây sông Tiền và sông Cổ Chiên (từ Trà Vinh- Vĩnh Long- Sa Đéc- Tân Châu), hành lang Đông sông Tiền, Mỹ Tho- Cái Bè- Cao Lãnh- Hồng Ngự, hành lang ven biển Đông, ven biển Tây và hành lang QL 1 từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau.

Dự án nâng cấp đô thị đang làm thay đổi bộ mặt TP Cần Thơ (ảnh chụp tại công trình rạch Tham Tướng). Ảnh: THIỆN KHIÊM 

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá việc thực hiện quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, bà Trần Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu việc quy hoạch các đô thị của vùng ĐBSCL còn phân tán và chưa theo cấu trúc không gian vùng. Ông Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói: "Tỉnh mới thành lập, nên rất quan tâm đến công tác quy hoạch. Hậu Giang có 16 đô thị, phấn đấu đến năm 2020 có 20 đô thị được công nhận. Tuy nhiên, tỉnh đang khó khăn trong huy động vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị, ngân sách khó đảm đương nổi, mời gọi đầu tư khó". Theo ông Nguyễn Liên Khoa, việc công nhận đô thị không khó, nhưng muốn nó thật sự là đô thị đúng theo các tiêu chí quy định thì rất khó, nhất là nhiều đô thị loại V hiện rất kém về hạ tầng, như Hậu Giang có đô thị, nội thương hằng năm chỉ 300 triệu đồng, các chợ thương mại đường sá chật hẹp, phải chen lấn vào chợ mua hàng.

Còn theo phản ánh của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL, trên từng quy hoạch cụ thể: đô thị, công nghiệp, khu kinh tế, thương mại… còn nhiều bất cập. Nhất là việc cập nhật các quy hoạch đô thị còn nhiều điểm rối, do thiếu đơn vị điều phối cấp vùng nên rất khó khăn cho các địa phương trong thực hiện quy hoạch và cập nhật quy hoạch. Theo Sở Xây dựng Long An thì Long An là địa phương vừa nằm trong quy hoạch vùng TP Hồ Chí Minh, vừa trong vùng ĐBSCL, trong khi định hướng phát triển một số đô thị như Tân An, Bến Lức trên địa bàn tỉnh Long An chưa thống nhất giữa quy hoạch vùng và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, việc triển khai của tỉnh rất lúng túng, tỉnh đang đề nghị rà soát, điều chỉnh cho thống nhất để làm cơ sở cho tỉnh triển khai thuận lợi thời gian tới. Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nói: "Năm 2004, đã triển khai quy hoạch của tỉnh, đến năm 2009 Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng, tỉnh phải điều chỉnh theo đó. Tỉnh có 9 đô thị, TP Bến Tre đô thị loại 3, đang phấn đấu lên loại 2 vào năm 2020. Nội lực cho phát triển đô thị của tỉnh còn nhiều hạn chế, nên tỉnh rất cần Trung ương tạo điều kiện để tiếp cận vốn ODA. Có như vậy, mới vực dậy đô thị của các địa phương". Trên thực tế, việc phát triển hạ tầng đô thị của các địa phương vùng ĐBSCL dựa chủ yếu vào mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng theo từng dự án; nên đôi khi chưa thống nhất với quy hoạch chung và khi điều chỉnh quy hoạch thì phát sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Có đô thị phát triển xong rồi mới có quy hoạch và quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có.

Tạo điều kiện thu hút đầu tư cho các đô thị

Nếu xét trên bình diện chung thì chất lượng phát triển của nhiều đô thị còn nhiều bất nhất, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn chồng chéo, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân mà một đô thị cần có. Tuy nhiên, thời gian qua, các đô thị ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân, động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển đô thị với đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ thì rất cần chính sách riêng cho đô thị, nhất là cơ chế mời gọi đầu tư hạ tầng. Bởi thời gian qua, nhiều địa phương đã mời gọi nhà đầu tư bằng cách "lấy đất đổi hạ tầng", nhưng quỹ đất của các đô thị ngày càng "teo tóp". Nhất là tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, nếu đầu tư không theo kịp tốc độ phát triển sẽ phát sinh nhiều bất cập khó giải quyết. Do vậy, cần hỗ trợ các địa phương mời gọi đầu tư hạ tầng đô thị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương, vùng phát triển.

Theo quy hoạch phát triển, TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL. Từ năm 2011 đến nay, thành phố triển khai thực hiện "Năm trật tự, kỷ cương đô thị" nhằm từng bước chấn chỉnh, lập lại trật tự các đô thị và đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện dân số sống tại khu vực đô thị của TP Cần Thơ chiếm đến 52,5% tổng số dân của thành phố, do vậy việc phát triển đô thị trở thành thách thức lớn. Ông Mai Như Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết: "Thành phố đang gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ, do có nhiều yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai nên phải điều chỉnh quy hoạch. Hiện thành phố đang tập trung phát trển đô thị với 3 nhiệm vụ chính là: cải tạo, nâng cấp các đô thị hiện hữu; phát triển các đô thị, khu đô thị mới; phát triển các đô thị, cụm dân cư hạt nhân vùng ngoại thành, ngoại thị". Theo ông Mai Như Toàn, thành phố đang tận dụng nguồn vốn của WB và các tổ chức kinh tế để thực hiện, chỉnh trang các đô thị cũ. Đến nay đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị. Và để giảm mật độ dân số ở các đô thị cũ, thành phố đang chú trọng kêu gọi đầu tư, từng bước hình thành các khu đô thị mới. Ngoài khu đô thị Nam Cần Thơ diện tích 2.086ha đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng, thành phố sẽ phát triển thêm một khu đô thị mới thời gian tới. Tuy nhiên, để Cần Thơ là trung tâm vùng thì rất cần Trung ương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách và tạo điều kiện cho thành phố tiếp cận vốn ODA để đầu tư các dự án lớn có sức lan tỏa vùng; kết nối với các trục đô thị thúc đẩy toàn vùng ĐBSCL phát triển.

Tại cuộc họp đánh giá việc thực hiện quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các địa phương cần phối hợp với bộ để rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp trong tình hình mới, nhất là các địa bàn có định hướng phát triển đô thị. TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân của vùng, nhất thiết phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất. Các địa phương cần phối hợp để đề xuất chương trình đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ ngành xây dựng.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết