08/04/2014 - 21:33

TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ

Nâng tầm hợp tác

Thời gian qua, TP Cần Thơ luôn xác định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố lớn trong vùng ĐBSCL và cả nước. Đây chính là điều kiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước. Qua 8 năm đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...

* CHẶNG ĐƯỜNG 8 NĂM HỢP TÁC

TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2013 và ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2014-2020. Theo đánh giá của hội nghị, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa 2 thành phố lớn qua 8 năm thực hiện được các cấp lãnh đạo hai địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện; tạo điều kiện cho các ngành, đơn vị doanh nghiệp của hai địa phương triển khai thực hiện và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội. Những kết quả nổi bật như: Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, các sở, ngành và các đơn vị liên quan của hai địa phương đã tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành; hầu hết các sở, ngành đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển từng ngành, lĩnh vực được phân công theo dõi. Thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư và qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cổng thông tin điện tử của hai địa phương đăng tải rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh cũng như chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, mục tiêu phát triển của hai địa phương. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu biết và đến tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai các dự án. Các doanh nghiệp có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như chính sách ưu đãi của TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, bước đầu đã tạo được thương hiệu tại TP Cần Thơ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội TP Cần Thơ.

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Cần Thơ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ giai đoạn 2014- 2020.

Giai đoạn 2006-2013, có 15 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đăng ký đầu tư các dự án kinh doanh thương mại-dịch vụ, khu đô thị, dân cư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ với tổng vốn đăng ký 84.870,7 tỉ đồng. Trong đó, có 5 dự án đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu 333,4 tỉ đồng, 7 dự án đang triển khai đúng tiến độ với tổng vốn đầu tư đăng ký 71.577,3 tỉ đồng, 3 dự án triển khai chậm với tổng vốn đầu tư đăng ký 12.960 tỉ đồng. Các dự án các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đầu tư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã hoàn thành gồm: khu ăn uống nghỉ ngơi tại cồn Cái Khế (Công ty cổ phần Nam Vinh), Trường Dịch vụ đào tạo lái xe và Dịch vụ vận tải (Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Chiến Thắng làm chủ đầu tư), chợ Cái Răng (Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển MeKong), dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp nhà lồng thực phẩm chợ Cái Răng (Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Du lịch MeKong), trung tâm mua sắm (Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Nguyễn Kim). Các dự án đang triển khai đúng tiến độ và có khối lượng thực hiện như: Khu thương mại và dân cư Vĩnh Thạnh (Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Cơ Hội Mới), dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu – quận Cái Răng (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va), Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Ninh Kiều (Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Lộc Thành), khu cao ốc văn phòng và căn hộ cho thuê tại đường 30-4 phường Xuân Khánh (Công ty cổ phần Địa ốc Xuân Quang), khu du lịch sinh thái tại khu vực đầu Cồn Khương (Công ty cổ phần Thương mại Kinh Thành), Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Cần Thơ (Công ty cổ phần Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Cần Thơ)... Ngoài ra còn có gần 40 dự án doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đầu tư vào các khu công nghiệp tại TP Cần Thơ với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu 278,3 triệu USD...

Liên doanh hợp tác giữa Sài Gòn Co.op và Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) đã đầu tư xây dựng một số siêu thị Co.opmart tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận đang hoạt động hiệu quả. Đây cũng là minh chứng cụ thể hóa thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2013 giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ đã đạt được kết quả cao. Theo lãnh đạo Sài Gòn Co.op, hoạt động của Sài Gòn Co.op tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL là một trong những hoạt động đẩy mạnh thực hiện nội dung ký kết hợp tác cùng phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ trong thời gian qua. Sài Gòn Co.op đã liên kết với một doanh nghiệp nhà nước ở Cần Thơ (C.T.C) hoạt động siêu thị đầu tiên ở ĐBSCL vào năm 2004 với diện tích giai đoạn 1 là 5.600 m2. Đến năm 2006, khi 2 địa phương chính thức ký kết hợp tác, Sài Gòn Co.op đã triển khai cụ thể hóa nội dung thực hiện như thu mua hàng nông sản ở TP Cần Thơ đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ với doanh số hằng năm đạt 10-15 tỉ đồng. Ngoài ra, đầu năm 2014, dự án Trung tâm Thương mại đầu tiên của Sài Gòn Co.op cũng đã đi vào hoạt động tại TP Cần Thơ, diện tích 22.000m2… Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc C.T.C, cho biết: Liên doanh hoạt động hiệu quả chính là nhờ 2 doanh nghiệp đã có lòng tin trong hợp tác kinh doanh và đã được các cấp, ngành chức năng của TP Cần Thơ tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các dự án...

Bên cạnh những kết quả đạt được, 2 thành phố cũng nhận định Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa hai địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai địa phương. Cụ thể: 2 địa phương chưa thường xuyên tổ chức hội nghị sơ kết kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và kịp thời chỉ đạo, thúc đẩy chương trình hợp tác đi vào chiều sâu, toàn diện hơn; công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung ký kết còn hạn chế, thiếu chiều sâu, nhất là đối với doanh nghiệp của hai địa phương; một số nội dung đã ký kết hợp tác nhưng kết quả triển khai chưa được nhiều như quản lý đô thị, phát triển thị trường vốn...

* TIẾP TỤC NÂNG TẦM HỢP TÁC

Qua kết quả đạt được sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, hai thành phố lớn tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2014-2020, nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới. Hai địa phương coi việc hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, mang tính hỗ trợ cùng phát triển, đáp ứng xu thế phát triển và chủ động hội nhập. Hợp tác theo nguyên tắc cùng có lợi nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai thành phố. Hai địa phương cũng phổ biến và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở từng địa phương theo hướng đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, địa phương và người dân… Định hướng đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể như: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, văn hóa-thể thao và du lịch, thông tin-truyền thông, quản lý đô thị và tài nguyên-môi trường, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động – thương binh và xã hội, hoạt động ngoại vụ, xúc tiến đầu tư-thương mại và du lịch, phát triển thị trường vốn, nghiên cứu trong công tác quy hoạch phát triển, đào tạo và bổ sung kiến thức quản lý...

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ là mối quan hệ toàn diện, chiến lược. Trong đó, ngành công thương là một nội dung hợp tác. Giai đoạn 2006-2013, 2 sở công thương đã thực hiện nội dung ký kết của 2 thành phố đạt được kết quả đáng khích lệ trên lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Đến nay, mối quan hệ ngành công thương 2 địa phương đã có được tiếng nói chung. Qua ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa 2 địa phương giai đoạn 2014-2020, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cam kết thực hiện tốt nội dung đã ký kết, hiệu quả…

Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Việc ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ vào ngày 12-4-2006 không chỉ góp phần phát triển 2 địa phương mà còn có ý nghĩa đặc biệt về sự năng động, nhạy bén, kịp thời của lãnh đạo TP Cần Thơ lúc bấy giờ. Chỉ sau hơn 2 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, lãnh đạo TP Cần Thơ đã suy nghĩ đến việc hợp tác với các địa phương bạn, trong đó có TP Hồ Chí Minh để huy động các nguồn lực phát triển thành phố… Theo Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, qua kết quả hợp tác 8 năm qua là cơ sở khẳng định chủ trương đúng đắn kịp thời. Đây không chỉ là xuất phát từ yêu cầu, từ ý chí của sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo 2 thành phố mà quan trọng là xuất phát từ yêu cầu khách quan giữa TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, nhất là trong điều kiện thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kết quả hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của 2 thành phố. Yêu cầu hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ trong thời gian tới phải khắc phục được hạn chế trong thời gian qua, phát huy thế mạnh của 2 địa phương qua hợp tác. Mong muốn Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hết sức quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực như: hợp tác đầu tư, thương mại, quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị góp phần định hướng thành phố phát triển xanh và bền vững. Ngoài ra, quan tâm các lĩnh vực đào tạo nguồn nân lực, phát triển khoa học công nghệ cho nông nghiệp và công nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực cải cách hành chính...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết