04/03/2015 - 22:00

XUẤT KHẨU GẠO TP CẦN THƠ

Nâng tầm chất lượng, chuyển hướng thị trường

Từ ngày 1-3-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015. Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã thắng thầu hợp đồng tập trung cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippines. Đây cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến xuất gạo TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL tập trung nguồn lực, khởi động thị trường xuất khẩu năm 2015 với nhiều kỳ vọng, nhưng dự báo cũng không ít thách thức.

Vẫn còn thách thức

Năm qua, tình hình xuất khẩu gạo của TP Cần Thơ ít thuận lợi trong bối cảnh chung, gạo Việt Nam vẫn bị cạnh tranh về giá xuất khẩu với các nước Thái Lan, Ấn Độ và Myanmar. Sản lượng gạo xuất khẩu năm 2014 của thành phố thực hiện 780 ngàn tấn, đạt 78% kế hoạch và 82,37% so cùng kỳ; với giá trị 372,84 triệu USD đạt 82,49% so kế hoạch và đạt 80,22% so cùng kỳ.

Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: "Năm 2014, xuất khẩu gạo của Gentraco tập trung 37% ở thị trường châu Á, 44% xuất khẩu sang thị trường châu Phi, còn lại là các thị trường khác. Trong đó, sản lượng xuất bán 450.587 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 78,73 triệu USD. Bên cạnh việc tham gia các hợp đồng xuất khẩu tập trung theo chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực giao, Gentraco còn nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Úc, thay vì chỉ tập trung cho các thị trường thế mạnh truyền thống".

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo TP Cần Thơ đang hướng đến phân khúc thị trường gạo cấp cao. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Trung An.

Mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2014 có giảm so với cùng kỳ, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của thành phố đã cung ứng với số lượng khá lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước để xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu phía Bắc và bán trực tiếp cho thương lái giao hàng khu vực cảng Hoàng Diệu (Cần Thơ) và cảng Mỹ Thới (An Giang) nên lượng lúa hàng hóa trong dân được tiêu thụ tốt, doanh nghiệp vẫn đảm bảo lợi nhuận. "Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của ngành gạo và kim ngạch xuất khẩu chung của TP Cần Thơ. Bởi lẽ, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này chiếm từ 25-30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố", ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ.

Năm 2015, thành phố đặt mục tiêu xuất khẩu 850 ngàn tấn gạo. 2 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 54,34 ngàn tấn, đạt 6,39% kế hoạch năm và giảm 8,66% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 24,51 triệu USD đạt 5,95% kế hoạch năm và giảm 11,23% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ, thị trường xuất khẩu vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn trước thông tin Thái Lan chuẩn bị xuất bán lượng gạo dự trữ. Cạnh tranh về giá gạo Việt Nam với các quốc gia Ấn Độ, Myanmar ở một số thị trường nhập khẩu chính vẫn khá gay gắt. Bên cạnh đó, một số thị trường nhập khẩu chính, chuyên nhập khẩu gạo của Việt Nam đang chủ động tăng lượng lúa gạo sản xuất trong nước để đảm bảo an ninh lương thực, giảm phụ thuộc nhập khẩu… Đây cũng là thách thức không nhỏ trong việc đàm phán các hợp đồng tập trung đối với xuất khẩu gạo của cả nước nói chung, ĐBSCL và TP Cần Thơ nói riêng.

Chuyển hướng thị trường

Ngay thời điểm đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ tích cực xúc tiến, tham gia các hợp đồng tập trung để giảm lượng hàng tồn kho và chuẩn bị công tác thu mua lúa gạo tạm trữ vụ đông xuân. Song song đó, ngành nông nghiệp, ngành công thương thành phố cũng triển khai kế hoạch khảo sát các kho chứa của doanh nghiệp, nhằm xác nhận lại lượng gạo đang tồn trữ và khả năng chứa lúa của các kho khi bước vào thu hoạch vụ đông xuân. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho rằng: "TP Cần Thơ là một trong những địa phương được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cao do có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đóng trên địa bàn. Việc thu mua tạm trữ được xem là giải pháp can thiệp thị trường để giữ vững giá lúa trong giai đoạn thu hoạch tập trung. Nếu các doanh nghiệp triển khai tốt và kịp thời sẽ đẩy giá lúa tăng, lượng lúa hàng hóa được lưu thông thông suốt và đảm bảo nông dân có lời. Từ ngày 1-3 đến ngày 15-4-2015, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ sẽ triển khai chương trình tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân. Đây cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ nhằm chủ động cho các hợp đồng xuất khẩu trong năm".

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu gạo cả nước đã có một năm đầy khó khăn thách thức. Do vậy, khi bước sang năm 2015, công tác xúc tiến thương mại đối với ngành gạo sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin để giữ vững thị trường truyền thống gắn với phát triển thêm các thị trường mới, đặc biệt là tập trung cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đánh giá thị trường xuất khẩu gạo năm 2015 còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nỗ lực nâng cao chất lượng lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là đối với những doanh nghiệp chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo gắn với cánh đồng lớn. Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phẩn Gentraco, cho biết: "Từ đầu tháng 3-2015, công ty sẽ triển khai xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung. Song song đó, công ty triển khai thu mua lúa vụ đông xuân 2014-2015 tại các cánh đồng lớn với giá thu mua đảm bảo cao hơn giá thị trường từ 50-200 đồng/kg lúa, tùy chủng loại và yêu cầu về ẩm độ. Công ty cũng chú trọng phát triển diện tích cánh đồng lớn và củng cố nâng chất vùng sản xuất lúa GlobalGAP hiện có để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu". Ngoài phát triển cánh đồng lớn ngay trên địa bàn Cần Thơ, một số doanh nghiệp của thành phố cũng mở rộng phát triển cánh đồng lớn ra các tỉnh lân cận như Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng… với những sản phẩm gạo thơm đặc sản để cung cấp cho các thị trường khó tính.

Để hoạt động xuất khẩu gạo đạt kết quả khả quan, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho rằng: "Bên cạnh những hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, các đơn vị xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cũng cần chủ động kết nối với nông dân để sản xuất ra sản phẩm lúa hàng hóa truy xuất nguồn gốc, tranh thủ các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, tạo ra sản phẩm chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh và ổn định đầu ra. Doanh nghiệp phải có bước chủ động hội nhập trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường gạo thế giới. Bởi lẽ, chính doanh nghiệp mới biết thị trường cần gì, thực lực mình đến đâu, cách thức nào để thích ứng, vượt qua khó khăn, giữ vững mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2015 và những năm tiếp theo".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết