17/04/2021 - 09:23

Nặng - nhẹ tình thâm... 

Việc cha mẹ thương yêu, đối xử với con cái không đồng đều, thiên vị về vật chất hay tinh thần, có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho anh em bất hòa, chia rẽ, gia đình rạn nứt tình cảm…

Những đứa con được “ưu ái”

Anh Th sống tại TP Cần Thơ kể, từ nhỏ anh đã cảm nhận được tình cảm của mẹ dành cho anh trai nhiều hơn so với mình. Anh bày tỏ nỗi niềm cùng người thân và được biết do lúc nhỏ, anh trai từng bị bệnh nặng, phải chạy chữa nhiều nơi. Từ đó, trong lòng mẹ, anh trai luôn là đứa con yếu đuối, đáng thương cần phải được chăm sóc, bảo vệ. Mẹ cũng dạy anh Th phải thương yêu, nhường nhịn anh trai. Khi lập gia đình, vợ chồng người anh trai và vợ chồng anh Th sống cùng mẹ. Anh Th kinh doanh nên thu nhập khá, các chi tiêu trong nhà cũng tự nguyện đóng góp nhiều hơn. Khi mẹ muốn sửa sang lại căn nhà, vợ chồng anh Th không ngần ngại gom góp tiền dành dụm và mượn thêm bạn bè để tu bổ căn nhà khang trang. Tuy nhiên, một dịp tình cờ, anh Th biết chuyện mẹ anh đã làm giấy tờ tặng vợ chồng người anh căn nhà mà không hề trao đổi hay bàn bạc với anh.

Chị Ng (Vĩnh Long) cũng tâm tư vì cách đối xử thiếu công bằng của cha mẹ chồng đối với anh em trong nhà. Gia đình có 2 trai, 1 gái. Chồng chị Ng là con trai lớn, sau anh còn người em gái và em trai út. Người em trai út hiện sống ở TP Hồ Chí Minh và là bác sĩ giỏi, có sự nghiệp vững vàng. Vợ chồng chị Ng do kết hôn sớm hơn nên đã ra riêng. Cô em gái lập gia đình, sinh sống gần nhà. Sau này, lấy lý do thấy cha mẹ đơn chiết, cô em gái dọn về nhà sống chung. Gần đây, khi con gái cần tiền, cha mẹ chồng chị Ng cũng bán luôn căn nhà để giúp vốn làm ăn, mà không hề hỏi ý kiến mọi người.

Ngược lại với gia đình chị Ng, nhà chị M ở Hậu Giang cũng có 3 người con. Chị M là con gái giữa, nhưng lại không được gia đình yêu thương bằng 2 người con trai, đặc biệt là người con trai lớn trong nhà. Chị M kể, từ nhỏ chị đã thấy mẹ đối xử phân biệt với các con, nhưng cũng không hiểu vì sao. Chị còn nhớ, anh trai chị có cái bảng lớn để học. Khi anh trai lên thành phố, chị xin mẹ được sử dụng chiếc bảng này thì bà không đồng ý, nói là để cho em trai, còn chị M muốn tính toán gì thì dùng cái bảng cầm tay hoặc ghi ra giấy. Ngay cả với hai người con trai, cách đối xử của mẹ chị M vẫn có sự phân biệt - thương anh hơn em. Khi anh trai đi học, mẹ mua xe thể thao loại tốt nhất, trong khi em trai út thì chỉ được đi xe đạp cũ. Chính mẹ từng tâm sự, anh trai nói chuyện rất hợp ý bà, nên giữa hai mẹ con có sự gần gũi, cảm thông.

Hậu quả...

Từ khi biết mẹ đã tặng căn nhà cho gia đình anh trai, anh Th rất buồn, gom góp tiền mua miếng đất nhỏ để cất nhà ra riêng, dự định sẽ không quay về căn nhà với những kỷ niệm buồn đó nữa. Họ hàng khuyên anh Th đừng suy nghĩ vậy mà mất tình cảm gia đình bởi có thể do mẹ thấy vợ chồng anh giỏi giang, biết làm ăn, bên vợ anh Th có điều kiện kinh tế nên mẹ để lại căn nhà cho gia đình anh trai. Tuy nhiên, anh Th cho rằng, cách nghĩ, cách làm, nhất là việc mẹ không bàn bạc, trao đổi với anh đã khiến anh tổn thương nặng nề đến lòng tự trọng và tình cảm.

Chị Ng buồn là anh N chồng chị chỉ biết im lặng, để cha mẹ bán nhà. Anh nói, xưa giờ em gái luôn là nhất trong gia đình, anh cũng đã quen với việc ba mẹ đối xử thiên vị. Chị Ng bức xúc dùm chồng nên lên tiếng hỏi thì bị mẹ chồng trách mắng thậm tệ, vì cho rằng chị Ng chỉ là dâu, không được can thiệp vào việc nhà chồng.

Còn theo chị M, khi chị kết hôn, mẹ chị cũng không cho, không tặng bất cứ quà cưới hay của “hồi môn”. Vợ chồng chị có kế hoạch ra làm ăn, cần số vốn nhỏ. Mặc dù thời điểm đó, mẹ chị có tiền nhưng khi con gái lên tiếng nhờ giúp thì bà từ chối thẳng, nói là chị M đã có gia đình riêng, nên tự lo liệu. Nhưng khi anh trai chị M làm ăn thất bại, mẹ chị liền cắt đất bán để giúp vốn. Điều này, khiến chị M tủi thân rất nhiều.

Xin mượn tâm sự của chị M để kết thúc bài viết. Chị chia sẻ, hiện tại, chị đã là mẹ của hai đứa con, nếp tẻ đều có. Gia đình chị rất êm ấm hạnh phúc. Đúc kết từ bản thân, chị luôn cân nhắc trong hành động, ứng xử, không để các con rơi vào tình cảnh như chị đã từng. Còn với mẹ, tuy trong lòng với những tổn thương khó bù đắp, nhưng chị vẫn một mực hiếu thuận, tôn kính cha mẹ để làm gương sáng cho các con. “Con cái luôn rất cần tình thương, sự tôn trọng và đối xử công bằng từ cha mẹ. Chính điều đó sẽ điểm tựa, vun đắp tương lai tốt đẹp cho các con” - chị M chia sẻ.

HẢI THƯ

Chia sẻ bài viết