Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO
Ly đứng trước cánh cổng gỗ xám được khép hờ bằng sợi xích khóa, bên trên để tấm biển “Nhà cho thuê”, cô khẽ lay cánh cổng. Bên trong yên ắng. Nắng chiều hắt xuống đường những vệt vàng vọt cuối ngày. “Có lẽ họ đi đâu đó chưa về” cô thầm nghĩ, quay đi được vài bước bỗng nghe tiếng chân lạo xạo, giọng một người đàn bà “Cô gì ơi!”. Ly quay lại, rồi theo bà vào trong. Người đàn bà rót nước, cô kín đáo quan sát căn nhà. Phòng khách được bài trí gọn gàng, tấm rèm bên cửa sổ được buộc ruy băng hồng, trên tường treo khá nhiều tranh, hầu hết là tranh trừu tượng, duy nhất một bức tĩnh vật bên cửa sổ vẽ lọ hoa dại sinh động đến nỗi thoạt nhìn như ai đó vừa ra vườn hái mang vào. Ở góc nhà, chậu vạn niên thanh đặt trên khúc gỗ xù xì.
“Cô thuê ở một mình chứ?” người đàn bà đưa ly nước mời cô. “Cháu định thuê cùng một người bạn gái” cô trả lời. “Vậy không được rồi, nhà cho thuê với điều kiện là nữ nhưng chỉ ở một mình” người đàn bà trả lời, có vẻ như đã nói câu này nhiều lần. Gần mười năm lên thành phố trọ học rồi đi làm, lần đầu tiên cô nghe điều kiện thuê nhà lạ lùng như vậy. Từ lúc đứng trước căn nhà, cô đã bị thuyết phục bởi cánh cổng gỗ được che rợp dưới giàn lãng tiên, vào bên trong cô càng bị thu hút bởi căn nhà gọn gàng và mát rượi. “Cô thông cảm”, người đàn bà ái ngại và nói thêm “Vì điều kiện như thế nên chúng tôi cho thuê chỉ hai triệu một tháng”. “Hai triệu sao? Vậy cháu sẽ thuê!” cô quyết định rất nhanh “Cuối tuần này cháu dọn đến”. Người đàn bà đứng lên, có vẻ vội đi đâu đó “Cuối tháng tôi đến thu tiền nhà một lần, điện nước cô tự trả, không cần hợp đồng gì đâu”.
Ngày chủ nhật cô dọn nhà. Xe đến nơi, người đàn bà đã đợi sẵn ở cửa, trao chìa khóa cho cô rồi dặn “Xóm Nghĩa Ðịa này nhà nào cũng neo người, xưa giờ không trộm cắp gì nhưng đi đâu cháu cũng phải khóa cửa cẩn thận, đồ đạc chủ nhà vẫn để lại”. “Cô ở đây lâu chưa ạ? Sao xóm lại có tên Nghĩa Ðịa?”. “Tôi không phải chủ nhà này. Ngày trước nơi đây phía sau là nghĩa địa, đâu có ai ở, sau này khu nghĩa địa giải tỏa, giờ là con đường phía sau nên người ta quen gọi xóm là Nghĩa Ðịa”, bà giải thích.
Từ tuần đầu tiên cô đã thấy gắn bó với căn nhà một cách lạ lùng, đây là căn nhà cô ưng ý nhất sau nhiều lần thuê trọ. Chiều chủ nhật, cô ngồi viết bài chợt ngẩng lên thấy ngoài cổng thấp thoáng chiếc bóng nhỏ bé. Cô đi ra nhưng con hẻm không một bóng người qua lại. Cô trở vào, cảm giác rờn rợn nhớ đến câu nói của người đàn bà “Ngày trước phía sau là nghĩa địa”. Cô khoác áo ra phố, loay hoay tra chìa vào ổ khóa, một mảnh giấy rơi xuống, là một bức thư được viết trên giấy vở học sinh, nét chữ trẻ con nắn nót: “Thưa cô, cháu là Thùy Ðan, năm nay chín tuổi. Mẹ cháu mất lúc cháu lên hai. Nay cháu muốn tìm vợ cho bố cháu, là… 36 tuổi. Nếu cô không chê bố con cháu thì mời cô đến nhà cháu chơi. Nhà cháu ở số…”. Cô gấp mảnh giấy, ngơ ngác nhìn quanh. Có lẽ đây là trò đùa của một cô bé nào đó. Cô cất lá thư vào túi xách rồi ra phố. Lúc trở về hàng xóm xung quanh đã lên đèn. Cô nghĩ đến lá thư ban chiều, nét chữ trẻ con nắn nót, theo địa chỉ trong thư thì cô bé cũng ở gần đây. Một tuần trôi qua, cô quên bẵng lá thư nọ.
Sáng chủ nhật cô thức giấc ra hiên nhìn lên giàn lãng tiên từng chùm rụng lả tả. Trên cánh cổng, một mảnh giấy gấp tư được gắn bên sợi xích khóa, cô mở ra, là nét chữ hôm nọ: “Cô ơi, có lẽ cô không muốn làm vợ bố cháu rồi, thật tiếc. Nhưng dù sao cháu cũng tha thiết mong cô đến nhà cháu một lần, chỉ một lần thôi, vào chiều nay được không cô? Bố con cháu rất vui được đón cô”. Cô gấp mảnh giấy lại, ngồi thừ ra, lần đầu tiên cô gặp cảnh này. Không hiểu sao qua nét chữ và giọng điệu trong thư, cô thấy thương thương cô bé. Cô vội vàng ra phố mua ít trái cây.
Theo địa chỉ ghi trong thư cô tìm đến nhà cô bé, rẽ vào con hẻm nhỏ rồi dừng lại trước khu vườn rộng, bên trong một căn nhà gỗ được dựng tạm. Tiếng chó sủa ran, một người đàn ông cao gầy gương mặt rắn rỏi bước ra, nhìn thấy cô ông ngạc nhiên “Cô hỏi ai?”. “Tôi hỏi nhà bé Thùy Ðan”. “Là con gái tôi” ông mở cổng, gương mặt không giấu được vẻ khó hiểu. Cô bối rối chưa biết nói gì thêm, từ trong nhà một cô bé chạy ào ra, vóc người gầy gò trong chiếc đầm rộng thùng thình, một bên tóc thắt bím gọn gàng, bên kia xổ tung ra. Nhìn thấy Ly, gương mặt cô bé sáng rỡ, cô nắm tay bố giật giật “Bố, con mời cô đến nhà mình”. Người đàn ông cúi xuống nhìn con, khẽ nhíu mày nhưng vội khỏa lấp bằng nụ cười “Mời cô vào nhà!”.
Cô bé cầm túi trái cây Ly đưa chạy vào trong. Cô nhìn quanh căn nhà gỗ treo đầy tranh vẽ. Người đàn ông rót nước mời, cô ngượng ngập đón lấy rồi cúi xuống, hai bàn tay đan vào nhau. “Con gái tôi làm phiền cô điều gì chăng?” ông ái ngại. “Không ạ, cô bé rất dễ thương”, Ly trả lời.
Cô bé trở ra với đĩa trái cây, mời Ly rồi sà vào lòng bố, dúi vào tay ông chiếc lược. Người đàn ông mỉm cười, cúi xuống thắt nốt bím tóc còn lại cho con, đôi tay thô ráp quấn lọn tóc thật vụng về. Ly kín đáo quay đi giấu nỗi thương cảm vừa dậy lên. Cô bé quay sang Ly nhoẻn miệng cười, gương mặt dễ thương tái xanh, bết những sợi tóc lơ thơ. Ly ngắm đôi mắt cô bé, trong veo và phảng phất nỗi u buồn. Ngoài vườn đàn chó cắn nhau, cô bé chạy ra ôm cổ một chú chó nhỏ, bàn tay nhỏ xíu xoa nhè nhẹ lên lưng nó. Cô ngồi đối diện với người đàn ông, mở túi xách lấy hai bức thư đưa cho ông. Người đàn ông chăm chú đọc rồi nhìn ra vườn, gương mặt thoáng trầm tư “Cảm ơn cô đã không phiền mà còn đến thăm con gái tôi. Vợ tôi mất khi con bé mới lên hai, tôi chưa bao giờ có ý định đi bước nữa. Nhưng từ năm ngoái con bé bỗng ốm đau, tôi đưa đi khám mới biết bệnh… Tôi giấu nhưng tình cờ cháu biết”, giọng ông nghẹn lại, “Sau thời gian dài bệnh tật, khỏe hơn một chút cháu nó đòi tôi dựng nhà trên mảnh đất vườn này. Còn căn nhà ở xóm Nghĩa Ðịa thì cháu nó muốn cho thuê với điều kiện kỳ lạ... Nay thì tôi đã hiểu...".
Ngoài vườn cô bé ngồi tư lự, trong nắng chiều gương mặt cô nhợt nhạt, đôi vai so lại trong chiếc đầm rộng, bất giác Ly nghe nhói ở tim. Cô đứng lên đi ra vườn. Nghe tiếng chân, cô bé giật mình quay lại “Ðan vào nhà với bố đi, cô về nhé...”. Cô bé khẽ “Vâng” rồi ngước nhìn Ly chờ đợi. Hai bố con đưa Ly ra đầu ngõ, lúc quay đi cô còn nhìn thấy đôi mắt cô bé ươn ướt như muốn nói điều gì.
Chiều chủ nhật. Con ngõ vắng hoe, có tiếng xe máy rồi dừng lại. “Cô Ly ơi cháu nhớ nhà quá!” tiếng cô bé lảnh lót ngoài cổng. Ly đi ra, bật cười trước vẻ láu lỉnh của cô bé. Hai bố con vào nhà, cô bé chỉ tay lên tường “Những bức tranh này bố cháu vẽ đấy!”. Mới hơn hai tuần mà nom cô bé đã gầy tọp đi, Ly không dám nhìn lâu, cô quay đi, bắt gặp ánh mắt đầy nỗi niềm của người đàn ông. Cô bé ra sân chơi, lát sau quay vào thỏ thẻ “Con muốn về ở lại đây!”. “Không được, cô Ly đang ở mà!”, người đàn ông thầm thì. Cô bé đến bên Ly khẽ khàng nắm tay cô. Ly quay sang người đàn ông, bắt gặp ánh mắt ông muộn phiền mà ấm áp. Ông kéo cô bé vào lòng, dụi gương mặt vào tóc con, yên lặng.
Ly lặng lẽ ra sân, trên cánh cổng giàn lãng tiên đồng loạt rực lên như những đốm lửa nhỏ. Bên ô cửa sổ cô bé chìm vào giấc ngủ từ bao giờ, trong vòng tay bố, gương mặt cô thật nhẹ nhõm, bình yên. Buổi chiều đánh rơi những giọt nắng cuối cùng xuống sân, những giọt nắng chiều sóng sánh như mật tan ra, rồi biến mất.